Hoa thơm đầy ngõ
BẮC GIANG - Sáng sớm, ông Phê chào cả nhà, nói đi một lát, về sẽ có quà cho Bi. Đã quá trưa, không thấy ông nội về, thằng Bi phụng phịu với mẹ: “Ông đi đâu mà lâu thế không biết”. Người bố quát con “Mặc ông, ăn nhanh lên mẹ mày còn dọn”.
Thằng Bi im bặt, cắm cúi ăn. Từ lâu, nó quấn ông nội như sam. Hễ đến bữa, không thấy ông về là kiểu gì nó cũng nhắc. Còn Tiền, con trai thứ của ông Phê lúc nào cũng cắn cảu, chẳng bao giờ nói được câu tử tế với bố. Lúc giữa giờ sáng, ông gọi điện cho con dâu: “Đừng chờ cơm bố nhé”. Chị nói với con và chồng: “Lúc nãy ông đã gọi về, bảo cả nhà cứ ăn trước”. Cả nhà ăn xong thì ông Phê về. Tiền gắt lên: “Bố lại phật phờ ở đâu à?”. Ông Phê quát: "Thằng kia, tao bằng ngần này tuổi, sống vui sống khỏe, tao chẳng nhờ mày một xu. Đừng có hỗn!”.
![]() |
Minh họa: Hiền Nhân. |
Cảnh bố con ông Phê vục vặc nhau đã xảy ra như cơm bữa. Nhất là từ ngày Tiền thất thế, không làm cai một nhóm xây dựng tự phát ở vùng quê. Những người thợ trước đây theo chân Tiền, nay đều khỏe về kinh tế nên muốn tách ra, làm riêng. Tiền chỉ còn cầm đầu ba bốn người, mà bọn họ thiếu hẳn kinh nghiệm, tay nghề nên sau vài công trình, uy tín giảm sút. Nhóm tan. Tiền phải xin đi làm cho người trước đây là “lính” của mình. Nhục ơi là nhục. Tiền đã uống, nay uống nhiều hơn. Mặt lúc nào cũng đỏ.
***
Ông Phê trẻ hơn so với nhiều người cùng tuổi. Ông là bệnh binh, sau nhiều năm làm bảo vệ, kiêm người đánh trống trường thì về nghỉ. Tuy chỉ có chế độ bệnh binh, cộng với chút vốn liếng bao năm chắt bóp, đến giờ ông chẳng phải lo về kinh tế, cũng chẳng phụ thuộc con cái. Ông có hai con trai. Con cả dựng vợ ở đầu làng, thầu một khu đầm lớn để trồng sen, thả cá. Mấy lần nghe người làng nói rát tai, rằng ông Phê hay to tiếng với con thứ, nên con cả định đón bố ra ở. Nhưng ông nói mình phải ở nơi đất tổ, vả lại cũng quen với con ngõ có hàng hoa râm bụt, quen với vườn cây với tiếng chim hót. Thêm nữa, ông vẫn chịu đựng được thằng Tiền.
- Đấy là con nghĩ cho bố thôi. Nếu bố không chịu được thì cứ ra ở với vợ chồng con. Thêm nữa, bố chỉ ra đầu làng thôi chứ có phải ly biệt quê hương đâu mà sợ. Anh cả thuyết phục.
Ông Phê cảm ơn thịnh tình của giai cả. Ông biết, người già ở với người trẻ dễ sinh chuyện. Ai dám chắc ông ra đầu làng ở với con cả, lại không xảy ra chuyện cơm chẳng lành canh chẳng ngọt. Lúc đó, ông muốn thay đổi không khí cũng phải đi bộ rất lâu mới về được giữa thôn, gặp bạn bè.
- Thôi được rồi, cứ để bố tính đã.
Những ngày sau, ông Phê thường đạp xe đến chỗ con cả chơi, quan tâm các cháu nhiều hơn. Ông mới “nhậm chức” Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi của thôn. Chi hội nhận chăm sóc những chậu hoa ven đường, làm tươi tốt vùng quê đang phát triển. Ông nói với hội viên, thanh niên trai tráng của làng còn bận việc, chúng ta rảnh rỗi hơn, việc trồng hoa ngoài chăm sóc cho tinh thần bọn trẻ, còn mang lại cho chúng ta sự minh mẫn, sức khỏe nữa.
Ngoài ông Phê, thực tế chỉ thêm vài người già nhiệt tình chăm sóc hoa, cây cối ven đường, ngõ thôn. Đám người trẻ đang tất bật làm công ty, nhà máy, thấy các ông trồng cây, sáng tối chăm bẵm thì mát lòng mát dạ lắm. Có đứa còn xin hôm Chủ nhật nghỉ làm, được góp tay xách nước thay các cụ, các ông. Ông Phê cười khơ khớ như bắt được tiền.
Chăm hoa, giao lưu nhiều, ông Phê thấy tâm hồn mình phơi phới lạ. Cảm xúc trào dâng nên nhiều khi ông hát một mình, rồi đọc thơ. Một hôm ông về nói với cả nhà:
- Cơm nước xong, mọi người ngồi lại để tôi nói điều này.
Tiền gắt lên:
- Điều này là điều gì, bố cứ nói thẳng ra, việc gì phải úp úp mở mở.
Ông Phê dõng dạc:
- À, là thế này, bố sẽ đọc thơ cho cả nhà nghe. Bây giờ đời sống tân tiến rồi, người ta không chỉ quanh quẩn chuyện cơm ăn áo mặc, mà phải biết thưởng thức văn hóa nghệ thuật…
Không để bố nói hết câu, Tiền chặn: Gớm, bây giờ bọn trẻ có cần cái thứ sướt mướt ấy đâu.
Ông Phê chẳng thèm tranh cãi. Úi chao, cái gì cũng quy ra tiền thì còn gọi gì là đời sống tinh thần. Ông đứng lên, vươn vai một cái, bất ngờ mắt chạm phải ánh trăng quê. Trăng đẹp và nên thơ quá. Một tứ thơ nổi lên, ông thốt ra: “Ta thơ cùng ánh trăng vàng/ chờ xuân xuân đến, chờ nàng nàng đi/ tuổi ta còn thiết tha gì/ thèm đôi cánh én mỗi khi nhớ người”. Thằng Bi hét lên “Ông thật tuyệt vời”, còn anh con trai không thôi bĩu môi: “Bố đừng đầu độc thằng Bi!”
***
Là Chi hội trưởng chi hội người cao tuổi, ông Phê phát động phong trào làm thơ. Nòng cốt là các hội viên câu lạc bộ thơ của xã. Nói thế thôi chứ nhiều cụ oách lắm, là hội viên của câu lạc bộ cấp huyện chứ chẳng đùa. Một lần ông Phê được mời ra dự họp ở ngoài huyện, ông thấy người ta bỏ tiền xin giấy phép, in thơ. Những tập thơ được in chuyên nghiệp, đẹp lắm chứ không như ở thôn ông, chỉ phô tô và đọc thô sơ. Ông bàn với ông Trưởng, ông Ngũ, là hai thành viên đắc lực của câu lạc bộ thơ thôn: "Có lẽ tôi sẽ đầu tư tiền in một tập thơ. Cỡ hơn chục triệu thì tôi có rồi, nhưng ngại là thằng con thứ. Nó không thích thơ, ngộ nhỡ nó nổi đóa".
Ông Ngũ phân tích:
- Nói gì thì nói, bọn trẻ cũng chỉ muốn bố mẹ khỏe. Chúng ta khỏe thì chúng nó không phải chăm sóc. Mà làm thơ, chắc chắn là được hòa vào tuổi thanh xuân, không khỏe ra là gì.
- Nhưng thằng Tiền nhà tôi, nó chỉ nghĩ đến tiền chứ có biết thương bố là gì đâu.
Ông Ngũ dõng dạc:
- Tôi thấy nó không đến nỗi đâu, nó thương bố thế chứ chả có lòng dạ nào. Chẳng qua việc làm ăn của nó không thuận, chứ hôm nó nói với thằng Thời nhà tôi là, “ông già” nhà tao cần gì, tao cũng chiều. Tôi nghe không sai đâu.
Ông Trưởng gật đầu tán thưởng. Chính ông Trưởng cũng đã dành một khoản tiết kiệm để in một tập thơ để đời. Ông Phê nghe phải. Mình là cha là mẹ chúng nó, mẹ thằng Tiền lại mất sớm, cảnh gà trống nuôi hai con vất vả đủ đường, giờ sương sướng một tí, in tập thơ cũng chẳng chết ai. Ba ông bắt tay nhau, đồng thanh: Mỗi người sẽ in một tập.
***
Ông Phê đột nhiên trúng thưởng. Đó là một buổi sáng khá đẹp trời, ông nhận được một cuộc gọi.
- Dạ thưa, bác Phê ở hội liên hiệp phải không ạ?
Ông Phê nghe thế, ngớ người, hỏi lại:
- Tôi đúng là Phê, nhưng không phải ở hội liên hiệp. Tôi chỉ tham gia câu lạc bộ thơ.
Kẻ gọi điện liến thoắng chữa ngay: Dạ đúng rồi ạ, đó là hội liên hiệp thơ đó ạ. Cũng đúng thôi bác ạ. Cháu gọi điện, là để thông báo với bác một tin cực kỳ vui, đó là số thuê bao của bác đã trúng phần thưởng một chiếc xe máy SH ạ. Nhân viên của chúng cháu sẽ liên lạc, mong bác nghe máy ạ.
Râm ran vui sướng, ông Phê chưa kịp hỏi vì sao lại trúng thưởng. Ông định sẽ hỏi người gọi đến mình. Ít phút sau, một số lạ gọi đến, nói là nhân viên của tập đoàn X. liên hệ với ông để hướng dẫn nhận thưởng. Vì trị giá của chiếc xe lên đến một trăm hai mươi triệu, nên số tiền thuế là mười triệu, vả lại, ông phải mua thêm một sản phẩm của tập đoàn, trị giá năm triệu. Cô gái có giọng ngọt như mía lùi hỏi ông Phê rằng, sẽ rất tiện nếu nộp tiền qua tài khoản ngân hàng. Ông Phê bảo:
- À mà này, tôi đang thắc mắc là tại sao tôi lại trúng thưởng?
Cô gái nói: Dạ, đây là chính sách của nhà cháu ạ. Hằng năm công ty chọn những thuê bao ngẫu nhiên để trao giải thưởng ạ. Cả huyện mình chỉ có mỗi bác là may mắn nhất đó ạ. Bác có tài khoản ngân hàng chứ ạ?
- Tôi già rồi, đâu biết gì về tài khoản ngân hàng mà chuyển.
Cô gái tiếp tục rót mật vào tai ông Phê: Dạ, không sao ạ. Chúng cháu có hình thức hỗ trợ khách hàng nhận thưởng. Chúng cháu sẽ cử người đến tận nơi để xác minh khuôn mặt, nhận tiền thuế và trao sản phẩm mua cho khách. Khi chúng cháu xác nhận bác đã nộp thuế vào hệ thống, công ty sẽ cử người mang xe đến tận nơi, bác cứ pha nước sẵn để chờ…
Lòng ông Phê dâng lên sự hồi hộp chưa từng có. Ông chưa bao giờ nghe được một giọng trẻ trung và tận tình như thế. Ông cũng được cô gái dặn, cần tạo bất ngờ cho người thân, nên ông phải giữ bí mật. Ông đi ra đi vào, kiểm đếm tiền và chờ gọi điện. Ông tự nhủ, thằng con sẽ sung sướng lắm nếu nó được sở hữu con xe đắt tiền sang trọng. Ông sẽ chỉ bảo nó đưa lại khoản tiền để in tập thơ thôi, còn xe cho nó dùng chứ ông già rồi, sử dụng sao được cái xe sang trọng đó.
Nhân viên nữ lại gọi điện, báo ông Phê, sáng mai sẽ về gặp. Cô ta hỏi ông có dùng điện thoại thông minh? Ông bảo mình có dùng Zalo để giao lưu nhóm thơ.
- Vậy thì bác làm theo cháu hướng dẫn, để gửi vị trí của bác cho chúng cháu dễ tìm.
Ông Phê làm theo, lòng râm ran vui sướng. Ông chỉ mong nhanh tới hôm sau để được gặp các bạn trẻ, những người mang đến cho ông sự bất ngờ, với một mùa xuân tuyệt diệu.
Sáng hôm sau, trước khi đến, đôi trai gái nhân viên gọi trước cho ông Phê để hỏi nhà có người không và gặp ở đâu cho tiện? Ông nói, mọi người ai vào việc nấy hết, nên đang ở nhà một mình. “Nên gặp nhau ở con ngõ râm bụt nhà chú là tốt nhất. Các cháu liệu có tìm được đường đến?” Cô gái như thể đang uốn lưỡi cho thật ngọt: “Dạ, chúng cháu tìm được ạ”.
Họ kia rồi. Ông Phê suýt thốt lên khi nhìn thấy hai người giao hàng. Họ ăn mặc sang trọng quá. Hai người lạ mặt đưa tờ rơi in hình chiếc xe SH màu xám cho ông xem, trao ông một hộp lớn thực phẩm chức năng. Cô gái bảo: “Chúng cháu làm chuyên nghiệp, mang đến cho khách hàng sự bất ngờ và hài lòng. Chúng cháu mong bác vui, khỏe ạ”.
Khi ông Phê rút tiền, chuẩn bị đưa thì từ đầu ngõ, thằng Tiền hét lên: “Bố đừng đưa”. Nó cùng một thanh niên khác lao đến, chặn đôi trai gái lại.
- Bố, đây là những kẻ thường đi lừa đảo, tại sao bố lại tin rồi giao tiền cho họ?
Lúc này, vài người dân khác cũng kéo tới. Tiền giải thích: Thôn ta vài người bị lừa rồi, bố không biết ư? Cái trò trúng giải cũ rồi. Chúng còn đưa cho bố thực phẩm chức năng giả, uống vào chỉ thêm bệnh thôi. Bố để con gọi báo công an.
Thì ra, từ hôm qua Tiền đã loáng thoáng nghe bố nói chuyện với người lạ. Rồi thấy ông có những biểu hiện khác lạ nên đã bí mật theo dõi. Sáng nay, Tiền nói dối là đi làm, nhưng đã nhờ bạn bè trong thôn giúp tìm cách vây bọn lừa đảo. Còn gã, chui vào vườn và chờ “nhà trao thưởng” đến thì xông ra.
Lúc này, ông Phê mới hiểu ra mọi chuyện. Tiền khơ khớ cười, tiến gần bố:
- Con biết bố định in thơ. Đấy, nếu con không ngăn kịp bọn chúng thì bố đã mất tiền. Bây giờ, con sẽ biếu tiền để bố in sách, còn khoản đó, bố cứ giữ lại.
Ông nhà thơ thôn hãnh diện, thầm cảm ơn thằng con đã cho ông một bài học. Hai anh công an xã xuất hiện, kiểm tra hành chính rồi đưa hai người lạ mặt về trụ sở. Lúc này ông Trưởng, ông Ngũ cũng chạy đến. Ông Trưởng bảo ông Phê: “Nhận được tin trúng thưởng mà định ăn mảnh, chẳng báo anh em chúng tôi. May là bọn lừa đảo này kém chuyên nghiệp, chứ gặp bọn cao tay thì ông mất tiền rồi”.
Ngoài ngõ, hàng râm bụt, hoa hồng nở hoa rực rỡ, khẽ đung đưa trong gió...
Ý kiến bạn đọc (0)