Đưa khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành động lực chính để bứt phá
BẮC GIANG - Phát triển khoa học và công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định phát triển của quốc gia; là điều kiện, thời cơ để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia (Nghị quyết số 57). Để đưa nghị quyết vào cuộc sống, Sở KHCN tham mưu thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
5 nhóm vấn đề chính
Nghị quyết số 57 là nghị quyết chuyên đề đặc biệt quan trọng về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, với nhiều quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp có tính cách mạng, được ví như "khoán 10". Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Nghị quyết tập trung vào 5 nhóm vấn đề sau:
Một là, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển KT-XH, ngăn chặn nguy cơ tụt hậu, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới.
Công ty TNHH Hana Micron Vina xây dựng nhà máy sản xuất chất bán dẫn tại Khu công nghiệp Vân Trung, đây cũng là nhà máy sản xuất chất bán dẫn đầu tiên ở miền Bắc. Ảnh: Trịnh Lan. |
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của doanh nhân, doanh nghiệp và nhân dân đối với phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Xác định đây là cuộc cách mạng sâu sắc, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; được triển khai quyết liệt, kiên trì, đồng bộ, nhất quán, lâu dài với những giải pháp đột phá, mang tính cách mạng. Người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, nguồn lực, động lực chính; nhà khoa học là nhân tố then chốt. Nhà nước giữ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Ba là, thể chế, nhân lực, hạ tầng, dữ liệu và công nghệ chiến lược là những nội dung trọng tâm, cốt lõi, trong đó thể chế là điều kiện tiên quyết, cần hoàn thiện và đi trước một bước. Đối mới tư duy xây dựng pháp luật bảo đảm yêu cầu quản lý và khuyến khích đổi mới sáng tạo, loại bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.
Bốn là, phát triển nhanh và bền vững, từng bước tự chủ về công nghệ, nhất là công nghệ chiến lược; ưu tiên nguồn lực quốc gia đầu tư cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát huy tối đa tiềm năng, trí tuệ Việt Nam gắn với nhanh chóng tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng thành tựu KHCN tiên tiến của thế giới; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chú trọng nghiên cứu cơ bản, tiến tới tự chủ và cạnh tranh về công nghệ ở một số lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu, tiềm năng, lợi thế.
Năm là, bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; bảo đảm an ninh mạng, an ninh dữ liệu, an toàn thông tin của tổ chức và cá nhân là yêu cầu xuyên suốt, không thể tách rời trong quá trình phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Tạo bước đột phá về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Năm 2024, tỉnh Bắc Giang nằm trong tốp 10 xếp hạng Bộ Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII). Kết quả đánh giá cho thấy sự phù hợp, tương đồng giữa thứ hạng PII năm 2024 với thực trạng phát triển KT-XH của địa phương. PII cung cấp cơ sở khoa học và thực tiễn giúp lãnh đạo các cấp xây dựng và thực thi chính sách phù hợp, hiệu quả. Đồng thời đưa ra những thông tin tham khảo hữu ích về môi trường đầu tư, điều kiện nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; điều kiện cần thiết để thúc đẩy phát triển KT-XH.
2025 là năm đặc biệt quan trọng, tăng tốc, bứt phá, về đích phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm 2021 - 2025. Do vậy, để triển khai thực hiện có hiệu quả, đưa nhanh Nghị quyết số 57 vào cuộc sống, Sở KHCN đề xuất một số giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền phù hợp đối với từng nhóm đối tượng người dân, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức. Xây dựng và ban hành quy định trách nhiệm người đứng đầu trực tiếp phụ trách, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức; quy định về trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện kế hoạch hành động về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số hằng năm.
Thứ hai, khẩn trương, quyết liệt rà soát, hoàn thiện các thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tham mưu UBND tỉnh ban hành, triển khai có hiệu quả các chương trình, kế hoạch đến năm 2030 gắn với nhu cầu xã hội, chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng. Thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo như là cầu nối để KHCN phục vụ trực tiếp phát triển KT-XH, qua đó tạo bước bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm, chủ thể. Mục tiêu đưa KHCN, đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính để tỉnh Bắc Giang phát triển bứt phá.
Thứ ba, tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nghiên cứu và phát triển công nghệ và công nghiệp chiến lược, năng lượng mới, năng lượng sạch. Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong các giải pháp phát triển các ứng dụng công nghệ số trong các ngành, lĩnh vực, địa phương. Tiếp tục đầu tư để phát triển, hiện đại hóa hạ tầng và tiềm lực KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Nâng cao năng lực đổi mới, hấp thụ và làm chủ công nghệ của doanh nghiệp; tập trung phát triển công nghệ cao, công nghệ chủ chốt của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 có khả năng ứng dụng cao.
Thứ tư, phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Phát triển mạnh nhân lực KHCN, chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực ngành bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây...; hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo điều kiện cho các nhóm nghiên cứu trẻ; có cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để thu hút nhà khoa học trong và ngoài nước tham gia phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.
Thứ năm, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng KHCN đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển Chính phủ số; giao trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị trực tiếp phụ trách, chỉ đạo; đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ dựa trên kết quả phát triển Chính phủ số. Nâng cao tương tác giữa chính quyền và người dân; giám sát trực tuyến và toàn diện, kịp thời cảnh báo, phát hiện sớm để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Thứ sáu, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Khuyến khích các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh đầu tư cho chuyển đổi số, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp. Xây dựng chính sách đủ mạnh để khuyến khích tinh thần khởi nghiệp về KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đối số.
Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Đẩy mạnh hợp tác với các đối tác chiến lược, quốc gia tiên tiến về KHCN, nhất là trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ lượng tử và các công nghệ chiến lược khác; gắn kết các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo với ngoại giao kinh tế, thúc đẩy nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ trong các thỏa thuận quốc tế, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Ý kiến bạn đọc (0)