Thứ trưởng Bộ Giáo dục: Quy định về dạy thêm để bảo vệ sự tôn nghiêm của nhà giáo
Quy định quản lý dạy thêm, học thêm mới giúp việc này diễn ra minh bạch, bảo vệ sự tôn nghiêm của thầy cô và ngành giáo dục, theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng.
Nội dung trên được ông Thưởng chia sẻ tại Hội nghị về đổi mới và phát triển giáo dục, chiều 6/2 tại Hà Nội.
![]() |
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, tại hội nghị chiều 6/2. |
Ông Thưởng cho biết trong vai trò cơ quan quản lý, Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm ban hành quy định về quản lý dạy thêm, học thêm (Thông tư 29). Bộ không cấm dạy thêm, học thêm mà chỉ cấm những vi phạm trong tổ chức, quản lý hoạt động này.
Quan điểm của Bộ là dạy thêm, học thêm không được ảnh hưởng tới việc thực hiện chương trình phổ thông chính khóa, tức không cắt xén, trùng lặp kiến thức. Ngoài ra, hoạt động này phải phù hợp với lợi ích của học sinh, nên giáo viên và nhà trường không được ép buộc các em dưới mọi hình thức.
Theo thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước kia việc dạy thêm diễn ra tràn lan, xã hội rất "kêu". Việc này ảnh hưởng tới hình ảnh người thầy.
"Những thầy cô dạy tốt cũng bị ảnh hưởng, vì mang tiếng dạy học trò mình, rồi ép buộc, đưa ra cách nọ cách kia. Rất tổn thương", ông nói, cho rằng những nhà giáo chân chính, có đủ năng lực, tâm huyết thì "không bao giờ có những hành vi ép buộc với học sinh mình để dạy học có thu tiền".
"Vì vậy, quy định một cách minh bạch như này chính là bảo vệ sự tôn nghiêm của ngành và của các thầy cô", ông nói.
Với các trường, ông Thưởng lưu ý hoạt động dạy và học không gọi là dạy thêm, mà là bổ trợ kiến thức. Quy định mới chỉ cho nhà trường dạy bổ trợ với ba nhóm: Chưa đạt chuẩn; được chọn bồi dưỡng học sinh giỏi; cuối cấp, chuyển cấp. Theo lãnh đạo Bộ, giáo viên đã nhận lương ngân sách, sử dụng cơ sở vật chất của nhà nước thì không dạy có thu tiền của học sinh.
Thông tư mới có hiệu lực từ ngày 14/2, song từ đầu tháng này, trường học nhiều nơi đồng loạt dừng dạy học vì không có kinh phí để dạy miễn phí. Ông Thuởng đề nghị các tỉnh, thành phố có trách nhiệm trong việc bảo đảm kiến thức cho học sinh, giúp các em vượt qua kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp với đầy đủ kiến thức.
"Học sinh chưa đạt chuẩn, chúng ta phải có trách nhiệm bổ trợ kiến thức cho các em. Học sinh còn lo lắng, lúng túng chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới, nhà trường phải có các hình thức bổ trợ một cách phù hợp, không được buông lỏng", ông nhấn mạnh. Bộ rất khuyến khích các Sở tham mưu cho tỉnh trong việc hỗ trợ kinh phí cho các trường.
Theo ông Thưởng, việc đổi mới bao giờ cũng gặp khó khăn, nhất là quản lý dạy thêm, học thêm. Thông tư 29 là một trong các giải pháp để quản lý hoạt động này, song chưa đủ. Thời gian tới, Bộ sẽ áp dụng thêm các giải pháp khác, như nâng cao năng lực và phương pháp dạy học của giáo viên, từng bước xây dựng thói quen tự học của học sinh...
Ý kiến bạn đọc (0)