Vững vàng nơi đầu sóng
BẮC GIANG - Đến quần đảo Trường Sa, được trò chuyện với người lính Hải quân, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn về lý tưởng cao đẹp, sẵn sàng phụng sự Tổ quốc của các anh. Mỗi hoàn cảnh, mỗi câu chuyện về người chiến sĩ nơi đây đều là tấm gương sáng ngời, tiếp thêm sức mạnh để người lính vượt qua mọi khó khăn, thử thách dù thường xuyên phải đối mặt với bão giông.
Sẵn sàng phụng sự Tổ quốc
Biển đảo là một phần máu thịt thiêng liêng không thể tách rời, không thể chia cắt của Tổ quốc, là hương hỏa mà cha ông ta đã bao đời không tiếc máu xương gìn giữ. Ngày nay, tiếp nối truyền thống đó, người lính Hải quân vẫn ngày đêm bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong đó có quần đảo Trường Sa. Cán bộ, chiến sĩ đang công tác ở Trường Sa đến từ nhiều tỉnh, TP trong cả nước, song đa số thuộc các địa phương có bờ biển. Vậy nhưng may mắn với tôi là trong chuyến đi công tác lần đầu đến với Trường Sa dịp Tết Ất Tỵ 2025 đã gặp được một cán bộ đồng hương quê Bắc Giang, một trong những tỉnh thuộc Trung du miền núi phía Bắc. Đó là Thượng tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo Song Tử Tây.
Thượng tá Nguyễn Văn Khương, Chính trị viên đảo Song Tử Tây trao đổi với phóng viên Báo Bắc Giang tại đảo. |
Sinh năm 1977 tại vùng ven sông Cầu thuộc thôn Yên Viên, xã Vân Hà (thị xã Việt Yên), chàng trai Nguyễn Văn Khương năng nổ, bơi giỏi từ khi còn nhỏ. Ước mơ được làm chiến sĩ hải quân bảo vệ vùng biển của Tổ quốc nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh quyết tâm thi vào Trường Sĩ quan chính trị Quân sự (Bắc Ninh). Năm 2002, anh được biên chế về Vùng 1 Hải quân (tỉnh Quảng Ninh) và năm 2004 bắt đầu làm nhiệm vụ tại quần đảo Trường Sa. Anh đã từng ở các đảo như: Thuyền chài B, Đá Nam, Phan Vinh, Nam Yết và đến nay là Song Tử Tây.
Trên mỗi cương vị công tác, anh đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, nhiều năm được Vùng 4 Hải quân, Bộ Quốc phòng khen thưởng. Nhận những hộp trà hoa sâm núi Dành - sản phẩm từ quê nhà Bắc Giang tôi mang ra, anh không khỏi xúc động. Anh kể, dù công tác xa nhà nhưng luôn dõi về quê hương. Anh vui mừng khi hiện nay Bắc Giang đang ngày càng phát triển, huyện Việt Yên đã trở thành thị xã, bà con có đời sống khấm khá. Quê hương phát triển là điểm tựa để anh và đồng đội không ngại khó khăn, hết mình phụng sự Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia.
Sau phút trò chuyện ngắn ngủi với chúng tôi, anh Khương gặp gỡ chiến sĩ mới ra đảo. Hiểu được nỗi lòng của chiến sĩ xa nhà, anh ân cần hỏi thăm, động viên, nắm bắt hoàn cảnh từng người. Những việc làm ấy khiến chúng tôi cảm thấy anh thật gần gũi, thân thiện như một người anh, qua đó giúp chiến sĩ mới yên tâm công tác.
Kiên trung bám đảo
Trong chuyến đi này, ngoài anh Khương, chúng tôi cũng được tiếp xúc với nhiều chiến sĩ tuổi đời còn rất trẻ mang khát vọng cống hiến cho Tổ quốc. Chiến sĩ Mai Anh Dũng, quê ở thị trấn Ba Đình, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) chia sẻ: “Chúng tôi tự hào được canh giữ biển trời Tổ quốc, được cống hiến sức trẻ cho quê hương, đất nước".
Quân và dân tại đảo Sinh Tồn gói bánh chưng đón Tết. |
Trung úy Lê Bá Nam cũng là một trong những người xung phong công tác tại đảo Cô Lin. Anh nhiều năm được biểu dương do thực hiện tốt phong trào “Xanh hóa Trường Sa”.Là đảo đá, xung quanh chỉ có sóng gió biển khơi nên việc trồng rau xanh, chăn nuôi của cán bộ, chiến sĩ đảo Cô Lin gặp rất nhiều khó khăn.
Dẫn tôi thăm vườn trồng rau nhỏ nhắn ven bờ biển gồm mướp, mồng tơi, rau muống… lên mơn mởn đến kỳ thu hoạch, anh Nam nói: “Để tăng gia, trồng rau xanh, cán bộ, chiến sĩ trên đảo phải vận chuyển từ đất liền ra từng bao đất nhỏ, tận dụng vật liệu xây dựng vườn rau. Mặc dù nguồn nước ngọt khan hiếm song nhờ các biện pháp sử dụng nước tiết kiệm, khoa học và phù hợp trong sinh hoạt, cán bộ, chiến sĩ đảo Cô Lin đã trồng được nhiều loại rau xanh và chăn nuôi đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, nâng cao sức khỏe bộ đội”.
Những cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa luôn nhiệt huyết, vững vàng bản lĩnh chính trị, thấm nhuần tư tưởng về trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ biển đảo, qua đó góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. |
Những cán bộ, chiến sĩ ở Trường Sa luôn nhiệt huyết, vững vàng bản lĩnh chính trị, thấm nhuần tư tưởng về trách nhiệm, nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ biển đảo, qua đó góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ những chàng trai thư sinh, còn bỡ ngỡ đã dần trưởng thành, dạn dày sương gió, đôi mắt luôn rạng lên ánh thép, niềm tin sắt đá và tình yêu mãnh liệt dành cho Tổ quốc. Nhiều chiến sĩ vì công tác dài ngày trên đảo mà tạm gác lại việc riêng, nén đau thương vì nhiệm vụ không thể trì hoãn.
Sự hy sinh, gian khổ của các chiến sĩ làm nhiệm vụ ở đảo tiền tiêu khó mà kể hết được. Để các anh yên tâm công tác, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước, nhân dân ta luôn dành sự quan tâm đặc biệt đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội... Đời sống vật chất tinh thần của quân, dân huyện đảo đã không ngừng được nâng lên; một số đảo có cả khu dân cư và trường học, thư viện đọc sách…
Đất liền luôn là hậu phương vững chắc, là điểm tựa cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên huyện đảo Trường Sa vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió. Tại Lễ tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ hy sinh vì biển đảo quê hương trong hải trình của đoàn công tác, trong thời khắc thiêng liêng giữa biển trời Tổ quốc, Đại tá Đỗ Hải Đăng, Phó Chính ủy Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân thay lời cán bộ, chiến sĩ Hải quân bày tỏ: “Trước anh linh của những cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống vì biển, đảo quê hương, với lòng thành kính biết ơn và tiếc thương vô hạn, chúng tôi nguyện mãi mãi tiếp bước xứng đáng niềm tin và lý tưởng của thế hệ đi trước; quyết đem hết sức mình hiến dâng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc; xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân; xứng đáng với công lao và sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ...”
Ý kiến bạn đọc (0)