Sắp xếp đơn vị hành chính: Cơ hội mở rộng không gian phát triển
BẮC GIANG - Những ngày cuối năm 2024, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh vinh dự đón Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về dự hội nghị công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã của tỉnh giai đoạn 2023-2025. Các ĐVHC mới chính thức hoạt động từ ngày 1/1/2025.
Thống nhất quyết tâm và hành động
Theo phương án tổng thể, tỉnh Bắc Giang sắp xếp lại 4 ĐVHC cấp huyện. Trong đó, nhập địa giới hành chính huyện Yên Dũng với TP Bắc Giang; sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lục Ngạn và Sơn Động để thành lập thị xã Chũ, huyện Lục Ngạn và huyện Sơn Động; sắp xếp 34 ĐVHC cấp xã để thành lập 17 ĐVHC cấp xã; thành lập 13 phường thuộc TP Bắc Giang, 5 phường thuộc thị xã Chũ; 2 thị trấn thuộc huyện Lục Ngạn. Sau sắp xếp, tỉnh có 10 ĐVHC cấp huyện, 192 ĐVHC cấp xã.
Cử tri huyện Lục Ngạn bỏ phiếu lấy ý kiến về đề án sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: Nguyễn Hưởng. |
Triển khai sắp xếp ĐVHC, Tỉnh ủy nhận định, đây là chủ trương lớn của Đảng nhằm tổ chức hợp lý ĐVHC các cấp phù hợp thực tiễn và xu thế phát triển, đồng thời bảo đảm bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xác định rõ là nhiệm vụ khó, nhạy cảm, phức tạp, các cấp ủy từ tỉnh đến cơ sở đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị với quyết tâm cao nhất.
Huyện Hiệp Hòa là đơn vị có gần 50% số xã thuộc diện sắp xếp lại với 11 xã (trong tổng số 25 xã) được sắp xếp thành 5 xã. Chủ tịch UBND huyện Hoàng Công Bộ cho biết, ngay khi có chủ trương, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo UBND huyện và các cấp ủy, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt công tác tuyên truyền, định hướng dư luận xã hội và quán triệt sâu sắc trong đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Ban Chỉ đạo do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng Ban, các phó bí thư làm phó ban; thành lập các tổ công tác phụ trách cơ sở do các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy là tổ trưởng, chịu trách nhiệm nắm bắt, chỉ đạo, hướng dẫn quy trình; kịp thời xử lý ngay những vấn đề phát sinh. Với cách làm khoa học, bài bản, đến ngày 21/3/2024, tất cả 11 xã trong diện sắp xếp đã rà soát và niêm yết danh sách cử tri, bảo đảm thời gian quy định (có 17.460 hộ với hơn 46.635 cử tri). Trong ngày lấy ý kiến cử tri, 100% thành viên Ban chỉ đạo huyện và các tổ giúp việc đều tham dự. Kết quả tại 11 xã đều đạt đồng thuận cao với tỷ lệ bình quân 97,3%.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Văn Phương, ngay từ giai đoạn 2021-2022, Sở đã tham mưu Tỉnh ủy, Ban cán sự đảng UBND tỉnh phương án sắp xếp ĐVHC, xin ý kiến bộ, ngành, trình Chính phủ thẩm định. Quá trình lập đề án, Sở yêu cầu rà soát, tính toán số lượng dân cư, diện tích, các yếu tố đặc thù về KT-XH, lịch sử, truyền thống, văn hóa… làm căn cứ xác định phương án cụ thể.
Theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức cấp xã thuộc diện dôi dư được giải quyết theo thứ tự ưu tiên: Người ở đơn vị thực hiện sắp xếp; người nghỉ hưu trước tuổi (ưu tiên người tuổi cao hơn); người thôi việc (ưu tiên người có số năm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cao hơn). Người thuộc diện được hỗ trợ nghỉ hưu trước tuổi và thôi việc, ngoài hưởng các chế độ chính sách theo quy định của pháp luật hiện hành, còn được hưởng chính sách hỗ trợ một lần tối đa đến 200 triệu đồng từ ngân sách của tỉnh. Các đồng chí được điều động hoặc biệt phái đến làm việc tại thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn (sau khi thành lập) được hỗ trợ mức 5-7 triệu đồng/tháng.
Sẵn sàng “bứt phá”
Điểm lại quá trình nỗ lực vươn lên từ một tỉnh nghèo, Bắc Giang không ngừng tích lũy thế và lực, tập trung phát triển KT-XH. Nhiều năm liền các chỉ số về tốc độ tăng trưởng GRDP (năm 2024 đạt 13,85%, đứng đầu và cao gấp 2 lần bình quân chung cả nước), thu hút FDI, xuất khẩu, các chỉ số PCI, PAPI, Par Index đứng trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, nhiều địa bàn có vị trí tiềm năng nhưng diện tích chưa phù hợp để tạo ra không gian phát triển.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cho đại diện Thường trực Thành ủy Bắc Giang. Ảnh: ĐỖ QUYÊN. |
Điển hình như TP Bắc Giang với vai trò là trung tâm chính trị, KT- XH của tỉnh nhưng có diện tích nhỏ hẹp (66,55 km2); trong khi đó huyện Lục Ngạn có diện tích quá rộng (hơn 1.032 km2), địa hình, địa bàn dân cư phân tán, việc quản lý, điều hành, thực hiện chính sách an sinh xã hội hạn chế, tồn tại khoảng cách về thu nhập giữa người dân lân cận thị trấn và vùng cao. Khu vực phía Đông Bắc của tỉnh gồm các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam chưa có đô thị động lực để tạo đà cho phát triển dịch vụ thương mại, du lịch trên địa bàn…
Với thế và lực đã được tích lũy, tinh thần cầu thị và truyền thống đoàn kết, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang bước vào năm 2025 với những mục tiêu hoàn toàn khả thi, tạo lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, sẵn sàng cùng cả nước “cất cánh” trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. |
Thực tế đó đặt ra yêu cầu tất yếu mở rộng không gian phát triển của từng địa phương cũng như tổng thể chung toàn tỉnh, tạo liên kết vùng cùng phát triển. Phương án nhập địa giới huyện Yên Dũng với TP Bắc Giang sẽ giải quyết bài toán về không gian dành cho thương mại - dịch vụ, sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp, đất ở đô thị, mở rộng diện tích cây xanh, khu vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, giao thông, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị theo hướng xanh, hiện đại. Thị xã Chũ, sau khi được thành lập sẽ tạo thuận lợi phát triển công nghiệp chế biến hoa quả, tiểu thủ công nghiệp, du lịch sinh thái, đồng thời hình thành đô thị động lực phía Đông Bắc của tỉnh.
Chúng tôi đến thăm xã Hoàng Lương (Hiệp Hòa) ngay trước thời điểm sáp nhập với xã Hoàng Thanh để thành lập xã mới Toàn Thắng. Đồng chí Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch UBND xã chia sẻ, nhận thức rõ ý nghĩa của chủ trương này và nhìn ra cơ hội phát triển cho địa phương nên cấp ủy, chính quyền xã vào cuộc ngay. Hoàng Lương là xã có tỷ lệ 99,6% ý kiến nhân dân trong cả 6 thôn đồng thuận, cao nhất huyện.
Đảng bộ xã có hơn 200 đảng viên, nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu. Thực hiện chủ trương sắp xếp, cả hai đồng chí Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND xã và 3 đồng chí khác tự nguyện xin nghỉ trước tuổi, vừa thể hiện trách nhiệm đảng viên, đồng thời tạo điều kiện để huyện sắp xếp tổ chức bộ máy phù hợp tình hình mới. Sau khi sáp nhập, huyện điều động đồng chí Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT làm Chủ tịch UBND xã Toàn Thắng, phù hợp điều hành ở xã có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, nhất là rau cần.
Tại Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nhiệm vụ lãnh đạo năm 2025 vừa ban hành, đặt ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, Tỉnh ủy yêu cầu nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp; tập trung cao sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế trong hệ thống chính trị, đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm tinh - gọn - mạnh, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Với thế và lực đã được tích lũy, tinh thần cầu thị và truyền thống đoàn kết, các cấp ủy, chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang bước vào năm 2025 với những mục tiêu hoàn toàn khả thi, tạo lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, sẵn sàng cùng cả nước “cất cánh” trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ý kiến bạn đọc (0)