Rèn bản lĩnh, hết lòng vì việc chung
BẮC GIANG - Thực hiện Nghị quyết số 1191 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2025 (gọi tắt là Nghị quyết 1191), từ 1/1/2025, nhiều cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), chiến sĩ lực lượng vũ trang của TP Bắc Giang và huyện Yên Dũng trước đây được điều động, biệt phái lên công tác tại thị xã Chũ, huyện Lục Ngạn. Dù địa bàn xa, môi trường làm việc mới song họ vẫn phát huy tinh thần trách nhiệm, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Nhanh chóng bắt nhịp với công việc
Xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) ngày cận Tết Nguyên đán, người dân đang tập trung thu hoạch, tiêu thụ cam, bưởi. Chị Nguyễn Thị Kiên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện (Chủ tịch Hội LHPN huyện Yên Dũng trước đây) cùng cán bộ hội phụ nữ xã gặp gỡ, thăm hỏi đời sống chị em. Trở về sau một buổi sáng bận rộn ở cơ sở, chị bắt tay ngay vào hoàn tất kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2025. Chị Kiên cho hay, Lục Ngạn là huyện miền núi với 17 xã, 2 thị trấn. Hội viên phụ nữ trong huyện phần nhiều là người dân tộc thiểu số, chủ yếu làm nông nghiệp.
Chị Nguyễn Thị Kiên gặp gỡ chị em phụ nữ huyện Lục Ngạn. |
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ từ huyện Yên Dũng lên Lục Ngạn công tác, chị dành thời gian nghiên cứu tình hình thực tế, tích cực đi cơ sở nắm bắt tình hình địa phương, nhân dân để nhanh chóng bắt nhịp với công việc. Chuẩn bị đón năm mới, Hội LHPN huyện đã chủ trì tham mưu cho UBND huyện phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức chương trình Tết sum vầy tại xã Sơn Hải cho bà con 3 xã: Sơn Hải, Phong Vân, Hộ Đáp với nhiều hoạt động như: Tặng quà Tết cho hộ nghèo, cận nghèo; trải nghiệm gói bánh chưng, giã bánh giầy, làm xôi 3 màu; tổ chức các trò chơi dân gian, hát then, múa sạp và gian hàng chợ quê ngày Tết.
Sinh ra, lớn lên ở TP Bắc Giang và từng có 14 năm công tác tại huyện Sơn Động song trở lại miền núi lần này với anh Phạm Hùng Sơn, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lục Ngạn có ý nghĩa thật khác. Đang là Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Bắc Giang, anh Sơn là một trong nhiều cán bộ của TP viết đơn tình nguyện lên đây công tác.
Anh Sơn tâm niệm, lĩnh vực quản lý văn hóa ở huyện miền núi Lục Ngạn khác với đặc thù đô thị, để hoàn thành tốt nhiệm vụ thì việc học tập, nghiên cứu luôn cần thiết. Hiện đơn vị đã tham mưu cho UBND huyện kế hoạch tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao trong dịp Tết Nguyên đán như: Chương trình văn nghệ và bắn pháo hoa đêm giao thừa ở thị trấn Phì Điền; giải thi đấu thể thao mừng Đảng - mừng Xuân diễn ra vào mùng 5 tháng Giêng ở sân vận động xã Giáp Sơn; chương trình Hội hát Soong hao và phiên chợ quê vùng cao” năm 2025…
Góp sức xây dựng quê hương giàu đẹp
Thực hiện Nghị quyết số 1191, tỉnh Bắc Giang sắp xếp một số đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Sau khi sáp nhập toàn bộ huyện Yên Dũng vào TP Bắc Giang; điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lục Ngạn và một phần huyện Sơn Động để thành lập thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn, có 38 CBCCVC và hợp đồng lao động của huyện Yên Dũng, TP Bắc Giang chuyển đến công tác tại thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn. Các CBCCVC này đã nhanh chóng ổn định cuộc sống, bắt nhịp ngay với công việc.
Quãng đường đi làm của chị Nguyễn Thị Thanh Xuân, Phó Chánh Văn phòng HĐND-UBND thị xã Chũ (trước công tác ở huyện Yên Dũng) xa hơn song luôn có người đồng hành. Anh Trần Văn Quang, chồng chị cũng chuyển từ Yên Dũng lên làm việc tại Phòng Y tế thị xã. Gần Tết, khối lượng công việc ở văn phòng nhiều, chị sắp xếp thời gian, tranh thủ đi chợ quê ở Chũ, mua sắm những món đồ cần thiết. “Trên này có rất nhiều trái cây ngon, lại đúng vụ Tết. Qua giới thiệu của đồng nghiệp, tôi đã đặt mua cam, bưởi cho gia đình và người thân dịp Tết”- chị Xuân chia sẻ.
Được điều động, biệt phái lên địa bàn miền núi công tác dịp này còn có nhiều cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Yên Dũng trước đây và TP Bắc Giang. Dù đã quen đi làm xa, thường xuyên vắng nhà song việc chuyển đến một địa bàn mới cũng khiến nhiều cán bộ phải gác lại niềm riêng để làm nhiệm vụ. Thượng tá Phạm Anh Tú, Phó trưởng Công an huyện Lục Ngạn (trước là Phó trưởng Công an huyện Yên Dũng) cho biết: “Đơn vị có 4 đồng chí là cán bộ, chỉ huy của Công an huyện Yên Dũng trước đây, mỗi người một hoàn cảnh song ban lãnh đạo Công an huyện thường xuyên động viên để anh em sớm làm quen với địa bàn, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao”.
Địa bàn huyện Lục Ngạn rộng, bà con đa số là đồng bào dân tộc thiểu số. Anh Tú dành thời gian đi các xã, thị trấn để nắm địa bàn, tình hình an ninh trật tự. Cùng lên công tác tại Lục Ngạn đợt này có Đại úy Nguyễn Văn Tuấn, Đội trưởng Đội Hỗ trợ tư pháp và thi hành án hình sự. Nhà ở phường Hồng Thái (thị xã Việt Yên), những ngày không trực cơ quan, anh phải dậy sớm, xuất phát từ lúc 5 giờ để kịp giờ làm với quãng đường di chuyển 55 cây số.
Theo đồng chí Vương Tuấn Nghĩa, Bí thư Thị ủy Chũ, mỗi cán bộ, đảng viên được điều động, bổ nhiệm đến công tác tại thị xã đều coi đây là cơ hội rèn luyện ở môi trường mới. Với kinh nghiệm, tinh thần cầu thị, trách nhiệm cao, các đồng chí đã nhanh chóng tiếp cận công việc. Thời gian tới, đội ngũ CBCCVC tiếp tục học tập, rèn luyện, trau dồi lý luận gắn với thực tiễn, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thị xã Chũ.
Theo Sở Nội vụ, các CBCCVC được điều động, biệt phái đến huyện Lục Ngạn và thị xã Chũ đều đáp ứng tiêu chuẩn, quy định, trong đó nhiều đồng chí viết đơn tình nguyện. Để bảo đảm đời sống và động viên đội ngũ này, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết quy định mức hỗ trợ tiền đi lại và nhà ở từ 5-7 triệu đồng/người/tháng cho CBCCVC thuộc TP Bắc Giang được điều động hoặc biệt phái đến công tác tại thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn.
Điều đáng quý là CBCCVC, chiến sĩ lực lượng vũ trang được điều động, biệt phái, luân chuyển lên công tác tại huyện Lục Ngạn và thị xã Chũ đều nhận được sự sẻ chia, giúp đỡ của đồng nghiệp và người dân địa phương. Tinh thần sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì Tổ quốc yêu cầu của đội ngũ CBCCVC, chiến sĩ lực lượng vũ trang đã góp phần tích cực vào sự phát triển KT-XH của tỉnh.
Ý kiến bạn đọc (0)