Tạo động lực đưa đất nước vững bước vào kỷ nguyên mới
BẮC GIANG - Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, hiệu quả quản lý của Nhà nước, các đoàn thể chính trị-xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân là một trong những giải pháp căn cơ của Đảng. Qua đó tiếp tục đổi mới kinh tế gắn với đổi mới chính trị, tạo động lực quan trọng để phát triển KT-XH, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đẩy mạnh công cuộc đổi mới, đưa nước ta vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Giải pháp căn cơ, quyết liệt
Xây dựng tổ chức bộ máy, hệ thống chính trị được Đảng ta từng bước hoàn thiện về nhận thức và tổ chức triển khai, thực hiện trong thực tiễn. Sự hình thành và phát triển tư duy lý luận của Đảng về hệ thống chính trị và đổi mới hệ thống chính trị bắt nguồn và mang tính liên tục trong quá trình xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và thực tiễn công cuộc đổi mới của đất nước.
Sau sáp nhập, cán bộ một cửa xã Hùng Thái (Hiệp Hòa) tập trung cao giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. |
Hệ thống chính trị ở nước ta hiện nay bao gồm: Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội. Trong những năm vừa qua, hệ thống chính trị nước ta được sắp xếp, đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tạo được những chuyển biến tích cực, cơ bản. Vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị được xác định ngày càng rõ hơn trong quan điểm, chủ trương của Đảng, được hiến định trong Hiến pháp và từng bước được thể chế hóa thành các quy định của pháp luật.
Quá trình lãnh đạo, tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của cả hệ thống chính trị đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tổ chức bộ máy và hoạt động của các thiết chế trong hệ thống chính trị đã được đổi mới từng bước nhằm thích ứng với quá trình chuyển đổi cơ chế kinh tế, xây dựng nhà nước pháp quyền và xây dựng nền dân chủ XHCN, mở cửa, hội nhập quốc tế; chức năng, nhiệm vụ, tổ chức được phân định, điều chỉnh dần cho phù hợp hơn với yêu cầu, thực tiễn phát triển đất nước.
Tuy nhiên, sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc; việc đổi mới, sắp xếp, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra. Số người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước (NSNN) lớn, làm cho chi thường xuyên ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng cao trong tổng chi NSNN. Một số cơ quan quản lý nhà nước chưa phân cấp mạnh mẽ, còn có biểu hiện bao biện, làm thay. Sự phối hợp giữa các ngành và các địa phương có lúc, có nơi thiếu chặt chẽ. Cải cách hành chính còn chậm, nhiều thủ tục trên một số lĩnh vực còn chồng chéo, thiếu đồng bộ, chưa có tính liên thông. Việc ứng dụng khoa học-công nghệ (KH-CN) trong hoạt động của cơ quan hành chính còn hạn chế…
Đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị phù hợp, đồng bộ với cơ chế quản lý KT-XH là một trong những giải pháp căn cơ của Đảng. Qua đổi mới tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế nhằm khắc phục những yếu kém, tồn tại mà Đảng ta chỉ ra là tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, nhiều đầu mối với nhiều tầng nấc trung gian, chất lượng, hiệu quả thấp. Đồng thời, sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phải có hệ thống chính trị phù hợp; phục vụ có hiệu quả sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý và điều hành thông suốt nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, thúc đẩy phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Mặt khác, tạo tiền đề để chuyển đổi số, hình thành phương thức sản xuất mới, quan hệ sản xuất mới, tiến bộ, phù hợp với thời đại ngày nay, với sự phát triển KH-CN, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Tinh gọn tổ chức bộ máy, cán bộ tạo cơ sở quan trọng để cải cách chính sách tiền lương; cán bộ, công chức, viên chức sống được bằng lương; giảm thiểu gánh nặng cho NSNN, tăng đầu tư phát triển và để kiểm soát quyền lực; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Mặt khác, thông qua sắp xếp tổ chức bộ máy nhằm đổi mới mạnh mẽ vai trò, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; chuyển đổi số quốc gia; phòng, chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực; xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ... Tất cả các giải pháp, yêu cầu quan trọng nêu trên có quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại, liên thông với nhau, cái này làm điều kiện, tiền đề cái kia, quan hệ không thể tách rời. Trong đó, đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, cán bộ là giải pháp căn cơ, đột phá, được tổ chức, triển khai với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị.
Tạo động lực mạnh mẽ từ tổ chức bộ máy và cán bộ
Nhằm sắp xếp tổ chức bộ máy, Ban Chấp hành T.Ư, Bộ Chính trị, Tổng Bí thư chủ trương Tổng kết Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và đã nhiều lần khẳng định, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tiễn hiện nay. Đây cũng là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng được cán bộ, đảng viên và nhân dân rất quan tâm, đón nhận; làm cơ sở để đề ra những quyết sách đổi mới quyết liệt, mạnh mẽ trong việc sắp xếp, hoàn thiện tổ chức bộ máy, cán bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới.
Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã hội tụ đủ những điều kiện chuẩn bị bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam; được đánh dấu thời điểm bắt đầu từ Đại hội XIV của Đảng; là kỷ nguyên vươn mình, là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu.
Để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi; muốn vậy cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”.
Tổng Bí thư Tô Lâm
|
Tập trung thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước XHCN phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước như Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định: “Để đạt được các mục tiêu chiến lược, không chỉ đòi hỏi những nỗ lực phi thường, những cố gắng vượt bậc, mà còn không cho phép chúng ta chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi; muốn vậy cần khẩn trương thực hiện cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị”.
Việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là vấn đề rất cơ bản, quan trọng, công việc tác động rất rộng lớn, nội dung rất nhiều và phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của nhiều người, nhiều cán bộ, đảng viên, đòi hỏi phải có sự nghiên cứu, thực hiện rất công phu, nghiêm túc, tổng kết thực tiễn, thực hiện một cách sâu sắc, khoa học.
Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ: “Tổng kết, triển khai, tổ chức thực hiện phải tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị, sát đúng với tình hình thực tiễn, từ đó đề xuất mô hình tổ chức mới, đánh giá ưu điểm và tác động khi thực hiện mô hình mới, phải bám sát Hiến pháp, Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, các nguyên tắc của Đảng, các Nghị quyết của T.Ư... bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông, một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính; khắc phục triệt để chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực; hạn chế tổ chức trung gian; xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể trên cơ sở tính đảng, tính hợp lý, tính hợp pháp”.
Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy trong thời kỳ đổi mới. Như ánh vừng đông 95 mùa xuân có Đảng, bằng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả sẽ tạo thêm nguồn động lực lớn lao đưa đất nước, nhân dân ta vững bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Ý kiến bạn đọc (0)