Thủ tướng Phạm Minh Chính: Khẩn trương tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát
BẮC GIANG - Chiều 12/1, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước (BCĐ Trung ương) tiến hành phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai ở 4 cấp (trung ương, tỉnh, huyện, xã). Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.
Cùng dự và chủ trì hội nghị tại điểm cầu Chính phủ có các đồng chí Phó trưởng BCĐ Trung ương: Đỗ Văn Chiến, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. |
Dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang có đồng chí Nguyễn Việt Oanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh; các thành viên BCĐ xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh; đại diện các sở, ngành của tỉnh.
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, cách đây 2 tháng (ngày 10/11/2024), tại phiên họp thứ nhất, BCĐ Trung ương đã thống nhất mục tiêu, quan điểm, định hướng, phương thức, cách làm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên BCĐ và các bộ, cơ quan, địa phương.
Thủ tướng nhấn mạnh, việc triển khai đợt cao điểm hoàn thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong năm 2025 mang nhiều ý nghĩa quan trọng, hiện thực hóa chủ trương, đường lối của Đảng; thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc, sự quyết tâm, nỗ lực, hành động quyết liệt, sáng tạo của các bộ, ngành, địa phương trong việc huy động các nguồn lực và tổ chức triển khai thực hiện chương trình với tinh thần "ai có gì giúp nấy".
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội (cơ quan thường trực BCĐ Trung ương), đến nay, cả nước có 58/63 địa phương đã quyết định thành lập, kiện toàn BCĐ cấp tỉnh. 5/63 địa phương là: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu không thành lập BCĐ do địa phương không còn nhà tạm, nhà dột nát.
Đến nay, cả nước có 20 tỉnh, thành phố đặt mục tiêu hoàn thành xóa nhà tạm, nhà dột nát sớm hơn yêu cầu, trước và trong quý III/2025; có 13 địa phương đã ban hành quyết định phê duyệt nhu cầu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn. Tính đến ngày 12/1/2025, cả nước đã hỗ trợ xây mới gần 88,5 nghìn ngôi nhà cho các đối tượng được thụ hưởng chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Trong đó có gần 49 nghìn ngôi nhà đã khánh thành. Đến ngày 2/1/2025, Quỹ “Vì người nghèo” Trung ương đã tiếp nhận hơn 72 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát. Từ các nguồn vận động hỗ trợ, 12 tỉnh đã nhận được hỗ trợ với tổng kinh phí 1.370 tỷ đồng.
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cho rằng, nhiều địa phương có số lượng nhà tạm, nhà dột nát lớn, các nguồn vận động hỗ trợ chưa được nhiều nên cần phải tập trung cao huy động các nguồn lực, quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra. Một số địa phương chưa chốt được số lượng nhà cần được hỗ trợ dẫn tới chậm tiến độ đề ra, chưa chủ động huy động các nguồn lực, còn trông chờ hỗ trợ của Trung ương.
Nhiều hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách có khó khăn về nhà ở nhưng còn vướng mắc về quyền sử dụng đất nên chưa được thụ hưởng hỗ trợ từ chương trình. Vẫn còn không ít hộ khó khăn, không có khả năng đối ứng nên không thể triển khai sửa chữa, xây mới nhà ở, rất cần được hỗ trợ theo hình thức “chìa khóa trao tay”.
Đồng chí Nguyễn Việt Oanh chủ trì tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang. |
Tại tỉnh Bắc Giang, năm 2024, BCĐ xóa nhà tạm, nhà dột nát các huyện, thị xã, TP đã phê duyệt hỗ trợ xây mới, sửa chữa 1.396 nhà ở, trong đó có 968 nhà cho hộ nghèo, cận nghèo, 233 nhà của hộ người có công, 195 nhà của hộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi. Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở; sự chia sẻ, ủng hộ của đông đảo cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân. Đến nay, toàn tỉnh đã khởi công xây dựng 100% nhà ở cho các đối tượng.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc xóa nhà tạm, nhà dột nát là nhiệm vụ quan trọng, mang ý nghĩa nhân văn cao cả nên khó mấy cũng phải làm, vướng mắc mấy cũng phải tháo gỡ, thách thức mấy cũng phải vượt qua; làm với tất cả trái tim, khối óc vì những người nghèo còn đang phải ở nhà tạm, dột nát.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu phải đa dạng hóa nguồn lực thực hiện chương trình theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, tạo động lực, truyền cảm hứng để mọi người ủng hộ, chia sẻ, cùng chung tay hỗ trợ thực hiện; tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí.
Thủ tướng giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo dõi, đôn đốc, yêu cầu các địa phương rà soát, hoàn thiện kế hoạch theo ngày, tuần, tháng, quý và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thủ tướng yêu cầu các địa phương tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là về nguồn vốn, thủ tục, đất đai, nhân lực, chủ động tham mưu, đề xuất với BCĐ Trung ương những vấn đề vượt thẩm quyền để bảo đảm tiến độ, mục tiêu, yêu cầu đề ra; kịp thời biểu dương, khen thưởng những cách làm hay, gương điển hình và xem xét kỷ luật những địa phương, cá nhân không tích cực trong thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành hướng dẫn tiêu chí nhà tạm, nhà dột nát; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra hỗ trợ nhà ở đối với người có công; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ nguồn vốn sự nghiệp năm 2025 của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 để hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; có phương án sử dụng nguồn tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024; hướng dẫn ngay các địa phương xử lý các vướng mắc về thủ tục chuyển nhượng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi địa phương kiến nghị; đôn đốc các tổ chức tín dụng chuyển kinh phí hỗ trợ cho các địa phương và tiếp tục tích cực tham gia hỗ trợ...
Sau khi kết thúc phiên họp, đồng chí Nguyễn Việt Oanh yêu cầu BCĐ xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh tiếp tục chú trọng rà soát kỹ, chính xác số lượng các hộ đủ điều kiện để kịp thời hỗ trợ, tập trung cao tháo gỡ khó khăn về đất ở để các đối tượng được thụ hưởng chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát. Đồng chí đề nghị các huyện, thị xã, thành phố đổi mới phương thức vận động, trong đó tích cực vận động các doanh nghiệp hỗ trợ hộ nghèo theo hướng “chìa khóa trao tay”; tăng cường công tác truyền thông về ý nghĩa nhân văn của chương trình, kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp, mạnh thường quân, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân chung tay hỗ trợ chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Ý kiến bạn đọc (0)