Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận bị bắt
Ông Phan Đoàn Thái, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Thuận bị cáo buộc có sai phạm liên quan các gói thầu với Công ty AIC.
Chiều 10/1, ông Thái bị Công an Bình Thuận bắt tạm giam về hành vi Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 3 Điều 222 Bộ luật Hình sự. Cảnh sát đã khám xét nhà riêng của ông Thái tại TP Phan Thiết.
Ông Phan Đoàn Thái (mặc áo xanh) đang bị dẫn giải ra xe cảnh sát, chiều 10/1. |
Với vai trò đồng phạm, ông Bùi Đình Thoa (nguyên Trưởng Phòng Kế hoạch - Tài chính) cũng bị bắt tạm giam; Nguyễn Ngọc Cường (nhân viên Phòng Kế hoạch - Tài chính thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) được tại ngoại do đang bị bệnh hiểm nghèo. Riêng Nguyễn Hồng Sơn (Phó Tổng giám đốc Công ty AIC, ngụ Hà Nội) đang bị Bộ Công an truy nã.
Cơ quan điều tra xác định, ông Thái và các cá nhân tại Sở GD&ĐT Bình Thuận đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thông đồng với các cá nhân tại Công ty AIC, chỉnh sửa hồ sơ đấu thầu, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, tạo điều kiện cho đơn vị này trúng 3 gói thầu trong các năm 2016 và 2017.
Trước đó, tháng 7, Công an Bình Thuận đã khởi tố vụ án điều tra 3 gói thầu do Sở GD&ĐT Bình Thuận làm chủ đầu tư, Công ty AIC trúng thầu. Trong đó, gói thầu mua sắm thiết bị phòng học năm 2016 giá trị hơn 12,4 tỷ đồng; gói thầu mua sắm thiết bị phòng học thông minh năm 2017 hơn 12,6 tỷ đồng và gói thầu mua sắm thiết bị phòng học thông minh cho 10 trường trung học cơ sở thuộc các xã nông thôn mới năm 2017 trị giá hơn 2,1 tỷ đồng.
Bước đầu, nhà chức trách xác định, các hồ sơ dự thầu trên không đáp ứng hồ sơ mời thầu nhưng vẫn được thông qua, mời Công ty AIC thương thảo hợp đồng không đúng quy định. Gói thầu mua sắm thiết bị phòng học thông minh cho 10 trường không đủ cơ sở để xác định giá gói thầu theo quy định nhưng Sở này vẫn trình duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Kiểm tra ngẫu nhiên tại 26/131 trường học, kết quả cho thấy một số thiết bị Công ty AIC cung cấp không đúng theo hợp đồng đã ký. Trong đó có thiết bị kiểm tra, đánh giá có xuất xứ Singapore nhưng thực tế không ghi xuất xứ hoặc có nhưng xuất xứ Trung Quốc.
Cảnh sát xác định ba gói thầu có giá thiết bị cung cấp cho các chủ đầu tư chênh lệch quá cao so với giá mua đầu vào của Công ty AIC (hơn 100%) với tổng số tiền hơn 15,4 tỷ đồng (giá trúng thầu hơn 27,2 tỷ đồng trong khi giá nhập khẩu hải quan và mua vào là 11,8 tỷ đồng). Các thiết bị này lại được Công ty AIC mua trước khi trúng thầu.
Ngoài ra, tại thời điểm bàn giao, thiết bị không sử dụng được; hiện nhiều trường không còn sử dụng các thiết bị này do bị hư hỏng hoặc không phù hợp với nội dung bài giảng và phần mềm hiện tại.
Ý kiến bạn đọc (0)