Mái ấm sẻ chia
Chương trình chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát của Đảng và Nhà nước ta là chương trình mang tính nhân văn, thể hiện truyền thống "tương thân, tương ái", "lá lành đùm lá rách", "thương người như thể thương thân" của dân tộc.
Những năm qua, Chương trình đã có sự ủng hộ mạnh mẽ của các tầng lớp nhân dân theo phương châm “ai có gì góp nấy, ai có công góp công, ai có của góp của, ai có nhiều góp nhiều, ai có ít góp ít, tạo phong trào, xu thế vì người nghèo, vì phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát”.
Ảnh minh họa. |
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo khu vực nông thôn, hộ nghèo thuộc khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai bão, lụt. Các chính sách này đã giúp cho khoảng 800.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo có chỗ ở ổn định, an toàn, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tuy nhiên, đến nay, cả nước vẫn còn hơn 315.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo có khó khăn về nhà ở cần được hỗ trợ sửa chữa, xây dựng mới nhằm bảo đảm an toàn, ổn định để “an cư, lạc nghiệp”, yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong khi đó, mục tiêu phấn đấu là đến hết năm 2025, cả nước hoàn thành 100% chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. Để đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo, vừa qua, dự Chương trình phát động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước với chủ đề "Mái ấm cho đồng bào tôi", Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, từ nay đến hết năm 2025 chỉ còn khoảng 450 ngày đêm để hoàn thành mục tiêu xóa bỏ toàn bộ nhà tạm, nhà dột nát; khối lượng công việc rất nhiều, đòi hỏi chúng ta đã quyết tâm rồi thì phải quyết tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi thì phải nỗ lực hơn nữa, đã cố gắng rồi thì phải cố gắng hơn nữa, đã hiệu quả rồi thì phải hiệu quả hơn nữa.
Để hoàn thành mục tiêu này, các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố phải có quyết tâm và xác định việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo là một nhiệm vụ chính trị, trong đó chính quyền địa phương các cấp là đơn vị quyết định sự thành công của chương trình. Theo đó, cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 34-CT/TƯ ngày 24/5/2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới; phát huy vai trò và gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các nguồn lực để thực hiện công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát; xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức, triển khai thắng lợi mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, phù hợp. Đặc biệt, cần đổi mới cơ chế theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân tiếp cận chính sách về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp khó khăn về nhà ở.
Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một chủ trương lớn, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và nhân văn sâu sắc. Đảng, Nhà nước đã có những định hướng rõ ràng trong phát triển đất nước, trong đó nhấn mạnh mục tiêu làm sao cho nhân dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc. Khi hoàn thành Chương trình "Mái ấm cho đồng bào tôi", chắc chắn Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong thực hiện chính sách xã hội và việc làm thỏa đáng, bền vững của Liên hợp quốc.
Ý kiến bạn đọc (0)