Đồng bộ các giải pháp, nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo
BẮC GIANG - Năm 2024, Bắc Giang đứng thứ 10 cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) cấp địa phương, tăng một bậc so với năm 2023. Có được kết quả này là nhờ tỉnh sớm ban hành kế hoạch duy trì và nâng cao chỉ số, xác định rõ mục tiêu, phương pháp; các sở, ban, ngành, địa phương vào cuộc tích cực.
Bức tranh tổng thể
Năm 2024 là năm thứ hai Học viện Khoa học công nghệ (KHCN) và ĐMST (Bộ KH&CN) triển khai Bộ Chỉ số ĐMST cấp địa phương (Provincial Innovation Index-PII). Bộ Chỉ số này có 52 chỉ số thành phần, chia làm 7 trụ cột gồm: Thể chế; vốn con người và nghiên cứu phát triển; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp (DN); sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; tác động. Theo đánh giá, Chỉ số ĐMST cấp địa phương năm 2024 của Bắc Giang đạt 43,53 điểm, đứng thứ 10 cả nước, xếp thứ 2 trong 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó, 3/7 trụ cột có điểm số cao là: Thể chế, trình độ phát triển của DN và tác động.
Công ty cổ phần Dịch vụ và thương mại Thống Nhất (Lạng Giang) tích cực ứng dụng máy móc, công nghệ mới phục vụ sản xuất. |
Ngoài ra, 26 chỉ số thành phần tăng điểm so với năm 2023 như: Chính sách thúc đẩy KHCN&ĐMST phục vụ phát triển KT-XH của địa phương; cải cách hành chính; đầu tư trực tiếp của nước ngoài; tỷ lệ dự án đầu tư đang hoạt động trong các cụm công nghiệp; tỷ lệ học sinh trung học tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật… Đây là minh chứng rõ nét cho sự nỗ lực của Bắc Giang trong việc tạo lập môi trường thông thoáng thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; chú trọng chính sách nghiên cứu, ứng dụng KH&CN, ĐMST phục vụ phát triển KT-XH.
Chỉ số ĐMST cấp địa phương năm 2024 của Bắc Giang đạt 43,53 điểm, đứng thứ 10 cả nước, xếp thứ 2 trong 14 tỉnh Trung du và miền núi phía Bắc. |
Ông Nguyễn Văn Thống, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ và thương mại Thống Nhất (Lạng Giang) cho biết: “Những năm qua, Công ty được thụ hưởng nhiều chính sách thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng KHCN như được công nhận là DN KH&CN, hỗ trợ kinh phí mua sắm máy móc hiện đại, được các cơ quan chuyên môn hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ công nhận một số sản phẩm của DN là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu... Nhờ đó, Công ty ngày càng khẳng định uy tín, chỗ đứng trên thị trường; các sản phẩm cửa thép của DN được phủ sóng ở nhiều tỉnh, TP và hướng tới mục tiêu xuất khẩu”.
Bên cạnh các điểm mạnh, một số chỉ số thành phần có điểm số giảm so với năm 2023 là: Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; tính năng động và tiên phong của chính quyền địa phương; tỷ lệ chi cho KH&CN từ ngân sách địa phương/GRDP; tỷ lệ DN có hoạt động ĐMST… Nguyên nhân do số lượng DN trong tỉnh đủ điều kiện để công nhận là DN KH&CN không nhiều; một số dự án chưa xây dựng kết cấu hạ tầng trong năm 2024 vì cần giải phóng mặt bằng…
Chủ động cải thiện chỉ số thành phần
Chỉ số PII năm 2024 đã phản ánh bức tranh tổng thể về tình hình phát triển KT-XH của Bắc Giang dựa trên KHCN và ĐMST. Để lọt vào tốp 10 tỉnh, TP trong cả nước có Chỉ số PII cao, Bắc Giang đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Cụ thể, ngày 9/7/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 41/KH-UBND về duy trì, cải thiện và nâng cao Chỉ số ĐMST cấp địa phương năm 2024 và những năm tiếp theo. Căn cứ kế hoạch, các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, TP, các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung rà soát, đánh giá các chỉ số thành phần (thuộc lĩnh vực mình quản lý) và chủ động thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm mục tiêu đề ra.
Điển hình như Sở KH&CN đã tham mưu ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chính sách thúc đẩy phát triển, ứng dụng KHCN&ĐMST phục vụ phát triển KT-XH. Trong năm 2024, trên địa bàn tỉnh có 45 nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng KH&CN được triển khai; nghiệm thu 43 nhiệm vụ các cấp; tổ chức bàn giao 5 sản phẩm của 6 nhiệm vụ cấp tỉnh. Các nhiệm vụ thuộc nhiều lĩnh vực, sát thực tiễn cuộc sống. Qua đó góp phần đẩy mạnh việc ứng dụng, nhân rộng tiến bộ KH&CN vào sản xuất và đời sống. Ngoài ra, Sở KH&CN còn tích cực tuyên tuyền, khuyến khích các tổ chức, cá nhân đăng ký xác lập quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; hỗ trợ đăng ký sáng chế.
Sở Công Thương chỉ đạo bộ phận chuyên môn thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; kịp thời đề xuất với cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào sản xuất kinh doanh.
Ngành giáo dục đẩy mạnh giáo dục STEM; tham mưu tổ chức nhiều cuộc thi lĩnh vực KH&CN cho học sinh THCS, THPT; phối hợp tổ chức cuộc thi sáng tạo thanh, thiếu niên nhi đồng hằng năm nhằm nâng cao tỷ lệ học sinh tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Các đơn vị khác như: Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Tài chính… cũng xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp và thực hiện kế hoạch có chất lượng, đúng tiến độ đề ra, góp phần duy trì, nâng cao Chỉ số PII.
Năm 2025, tỉnh Bắc Giang tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp nhằm duy trì, nâng cao Chỉ số PII, trong đó tập trung vào các trụ cột, chỉ số thành phần chưa đạt điểm số cao. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở KH&CN cho biết, sau hai năm thực hiện Bộ Chỉ số PII, Bắc Giang đã rút ra nhiều kinh nghiệm nhưng do một số đơn vị chưa thực sự hiểu rõ bản chất của các chỉ số thành phần nên lúng túng trong thực hiện.
Gỡ nút thắt này, Sở đang xây dựng kế hoạch, dự kiến trong quý I/2025 tổ chức hội thảo nâng cao Chỉ số PII, mời báo cáo viên của Bộ KH&CN đến phân tích, hướng dẫn thực hiện các nội dung sát với điều kiện thực tiễn của Bắc Giang. Để tăng số lượng và chất lượng các DN, Sở KH&CN tiếp tục tư vấn, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ chứng nhận là DN KH&CN cho đơn vị đủ điều kiện, phấn đấu đến hết năm 2025 có từ 25-30 đơn vị được chứng nhận là DN KH&CN.
Cũng theo ông Nguyễn Thanh Bình, để tiếp tục duy trì và nâng cao Chỉ số PII cần sự vào cuộc của các sở, ban, ngành, địa phương. Mỗi đơn vị cần thẳng thắn nhìn nhận những chỉ số thành phần còn yếu liên quan đến trách nhiệm của đơn vị mình để triển khai các giải pháp đã đề ra; xác định lấy KHCN&ĐMST là mục tiêu, động lực phát triển. Cùng đó nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm, tính năng động của đội ngũ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ.
Ý kiến bạn đọc (0)