Thị trường lao động: Sôi động ngay từ đầu năm
BẮC GIANG - Ngay từ những ngày đầu năm, hoạt động tuyển dụng lao động diễn ra sôi động khi các doanh nghiệp (DN) có nhu cầu bổ sung số lượng nhân công lớn phục vụ sản xuất. Để cân bằng cung - cầu, các ngành chức năng, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, kết nối thông tin, hỗ trợ DN tuyển đủ nhân lực, góp phần giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp.
Gần 34,6 nghìn vị trí việc làm chờ lao động
Theo tổng hợp của Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, tại các KCN trên địa bàn tỉnh hiện có 171 DN có nhu cầu tuyển lao động cho gần 34,6 nghìn vị trí việc làm trong quý I; dự báo nhu cầu tuyển dụng năm 2025 là 123,3 nghìn người. Trong số này có khoảng 80% là lao động phổ thông. Một số DN có nhu cầu tuyển số lượng lớn ở quý I như: Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (KCN Quang Châu, KCN Đình Trám) hơn 13,1 nghìn người; Công ty TNHH Luxshare-ICT (KCN Quang Châu, KCN Vân Trung) 5,7 nghìn người; Công ty TNHH Newwing Interconect Technology Bắc Giang (KCN Vân Trung) 1,7 nghìn người.
![]() |
Nhân viên Công ty TNHH Newwing Interconect Technology (Bắc Giang) phát tờ rơi thông tin về chính sách tuyển dụng để thu hút lao động tỉnh Bắc Kạn. |
Công ty TNHH Công nghệ Lens Việt Nam (KCN Quang Châu) hiện có gần 5,4 nghìn lao động. Năm nay dự kiến vận hành dự án 2, mở rộng quy mô sản xuất nên DN có nhu cầu tuyển khoảng 15 nghìn lao động; riêng trong quý I cần tuyển 3 nghìn người. Trong số này, ngoài phần lớn lao động phổ thông, Công ty tuyển chọn gần 1,5 nghìn lao động có trình độ vào các vị trí quản lý, nhân viên kỹ thuật cho dây chuyền sản xuất mới.
Một số DN có nhu cầu tuyển số lượng lớn lao động trong quý I như: Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (KCN Quang Châu, KCN Đình Trám) hơn 13,1 nghìn người; Công ty TNHH Luxshare-ICT (KCN Quang Châu, KCN Vân Trung) 5,7 nghìn người; Công ty TNHH Newwing Interconect Technology Bắc Giang (KCN Vân Trung) 1,7 nghìn người. |
Để tuyển đủ nhân lực, DN đẩy mạnh thông tin trên các trang mạng xã hội, bố trí lịch phỏng vấn tại trung tâm tuyển dụng; giao chỉ tiêu cho từng bộ phận và áp dụng chính sách thưởng nội bộ khi lao động giới thiệu được người ứng tuyển. Công ty còn hợp tác với 14 DN cung ứng (cho thuê lại lao động) để tìm nguồn cung thuận lợi hơn. Hiện Công ty phối hợp với trung tâm dịch vụ việc làm các tỉnh: Lạng Sơn, Cao Bằng, Điện Biên, Hòa Bình tổ chức tuyên truyền lưu động hoặc kết nối tại các phiên giao dịch online nhằm tìm kiếm lao động.
Là DN nằm ngoài KCN, trong quý I, Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang BGG (TP Bắc Giang) có nhu cầu tuyển dụng 500 công nhân để hoàn thành đơn hàng và vận hành dây chuyền mới. Luôn xác định chế độ đãi ngộ là chính sách lâu dài để tuyển được lao động và động viên họ gắn bó lâu dài nên DN miễn phí đào tạo nghề; bảo đảm thu nhập thực lĩnh tối thiểu 6,5 triệu đồng/26 ngày công với công nhân chưa có tay nghề; thưởng cho lao động may đã biết nghề vào làm mức 5 triệu đồng/người. Đặc biệt, để thu hút nhân lực, Công ty áp dụng chính sách thưởng sổ cổ phần (trị giá 10 triệu đồng) cho NLĐ mới vào.
Dự báo sát nhu cầu, liên kết đào tạo - cung ứng theo địa chỉ
Trao đổi với ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh được biết, xu hướng tuyển dụng lao động những tháng đầu năm khá đa dạng, trong đó những ngành nghề liên quan đến sản xuất công nghiệp (điện tử, may mặc, bao bì) vẫn tiếp tục có nhu cầu lớn. Điều này cho thấy thị trường lao động đang khởi sắc; việc làm, thu nhập, đời sống của lao động sẽ được nâng lên khi DN cạnh tranh nhân lực bằng các chính sách tốt hơn.
Để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của DN, thời điểm này, Trung tâm tập trung tối đa nhân lực cho hoạt động rà soát, kịp thời nắm bắt nhu cầu của từng công ty trên địa bàn. Đồng thời, đơn vị đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, kết nối việc làm như: Cập nhật nhu cầu tuyển dụng qua Cổng thông tin việc làm, các trang mạng xã hội; duy trì hoạt động nhóm zalo “Hỗ trợ việc làm Bắc Giang”. Đặc biệt, thường xuyên kết nối, tổ chức các phiên giao dịch việc làm online đến các tỉnh lân cận để tìm kiếm lao động cho DN.
“Hầu hết các DN đều hạ thấp yêu cầu về độ tuổi, trình độ, đưa ra các chế độ đãi ngộ tốt, kể cả có xe đưa đón, bố trí ký túc xá hoặc hỗ trợ tìm kiếm nhà trọ nên vấn đề khoảng cách di chuyển không còn là rào cản đối với lực lượng lao động. Họ có thể đi làm ở nhiều địa bàn, tỉnh, thành phố khác nhau khi tìm kiếm cho mình một vị trí công việc phù hợp”, ông Sơn đánh giá.
Hiện nay, tỉnh Bắc Giang có 52 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp đăng ký hoạt động với tổng quy mô tuyển sinh được cấp phép là gần 37,5 nghìn người/năm. Nếu tổ chức tốt hoạt động liên kết đào tạo theo địa chỉ thì đây sẽ là nguồn cung nhân lực dồi dào, bảo đảm kỹ năng nghề cho DN. Bắt kịp xu hướng này, năm học 2024-2025, Trường Cao đẳng Miền núi Bắc Giang bắt đầu triển khai mô hình đào tạo: "Học - Thực hành - Làm việc tại DN".
Đến nay, đã tổ chức cho 2 lớp cao đẳng nghề với gần 100 sinh viên nghề hàn, may thời trang thực tập tại Công ty cổ phần INNOTEK (Bắc Ninh) và Công ty cổ phần May thời trang Hà Thanh (Hiệp Hòa). Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Hiệu trưởng nhà trường, từ năm học 2022-2023 đến nay, bình quân mỗi năm học, trường cử gần 1 nghìn lượt học sinh, sinh viên đi thực tập tại các DN. Các em có thêm thu nhập, được cọ xát thực tế, tiếp cận trang thiết bị, máy móc hiện đại giúp nâng cao tay nghề, rèn tinh thần trách nhiệm, kỷ luật trong lao động. Nhờ mô hình này, tỷ lệ học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm đạt 95% trở lên.
Để đáp ứng đủ nhu cầu lao động cho DN, cần nhiều giải pháp đồng bộ, điều quan trọng là phải đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu của thị trường. Theo đó, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động rà soát, quy hoạch hệ thống các trường nghề; nhân rộng liên kết đào tạo theo địa chỉ, đào tạo tại chỗ nhằm cung ứng lao động chất lượng, phù hợp với yêu cầu DN. Sau khi có kết quả điều tra cung - cầu hằng năm, thông báo về các địa phương để lao động có nhu cầu dự tuyển; đồng thời thường xuyên tuyên truyền các chính sách hỗ trợ tạo việc làm theo Luật Việc làm đến tận xã, thôn, tạo cơ hội tìm việc cho người dân nông thôn; tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh kết nối với các tỉnh, thành phố còn dư địa lao động lớn để hỗ trợ cung ứng nhân lực cho DN.
Ý kiến bạn đọc (0)