Thư pháp ngày xuân: Bản sắc văn hóa Việt
BẮC GIANG - Từ xa xưa, thư pháp vốn là một thú chơi tao nhã dành cho bậc lão niên am tường văn chương, chữ nghĩa. Không bị bó buộc trong những khuôn phép như thư pháp Hán - Nôm, ngày nay, nhiều bạn trẻ đang kế thừa, phát triển thư pháp chữ quốc ngữ như một cách tôn vinh, trân trọng tiếng Việt.
Thổi hồn vào từng nét chữ
Những ngày đầu năm, tại chùa Vĩnh Nghiêm (TP Bắc Giang), rất đông du khách tới chiêm bái, vãn cảnh chùa. Giữa không gian linh thiêng, nhiều người dừng chân bên các gian thư pháp, chờ đợi để “xin chữ”. Trong một góc nhỏ khoảng chục mét vuông, “cô đồ” Nguyễn Cẩm Nhung (SN 1996) đến từ thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) đang say sưa bên bút lông, giấy điều. “Cô viết giúp tôi chữ An”, “Năm nay, em thi đại học nên muốn xin chữ Đăng khoa”, “Nhà tôi buôn bán nên muốn xin chữ Lộc”…, mỗi người một mong ước, hy vọng về một năm mới bình an, thuận lợi. Vừa lắng nghe, chị Nhung vừa cẩn thận đưa từng nét bút. Nhân lúc vãn khách, “cô đồ” chia sẻ về cơ duyên đến với thư pháp, niềm đam mê đã gắn bó và trở thành công việc chính của mình.
![]() |
Cô giáo Lương Thị Phượng cùng học sinh Trường Tiểu học Đông Thành (TP Bắc Giang) trải nghiệm viết thư pháp. |
Từ nhỏ, Nhung đã có năng khiếu vẽ tranh và thích luyện chữ đẹp. Hồi học THPT, được giáo viên dạy mỹ thuật gợi mở, chị bắt đầu tìm hiểu và làm quen với nghệ thuật thư pháp. Càng học hỏi càng ham, nét chữ của cô học trò dần trở nên mềm mại, uyển chuyển. Đến năm lớp 12, “cô đồ” đã bắt đầu cho chữ. Chị Nhung nói: “Một bức thư pháp không chỉ là vật trang trí trong gia đình mà còn là kim chỉ nam trong cuộc sống. Do đó, xin chữ, tặng chữ đầu năm là một nét văn hóa đẹp như để viết ra mục tiêu của cuộc đời mình, để nhìn vào đó, phấn đấu mỗi ngày”.
Với mong muốn theo đuổi đam mê theo hướng chuyên nghiệp, sau khi hoàn thành chương trình đại học tại Việt Nam, chị Nhung quyết định du học chuyên ngành hội họa tại Học viện Hồng Hà (Vân Nam, Trung Quốc). Tại đây, chị được đào tạo chuyên sâu về thư pháp và tranh thủy mặc. Để lan tỏa văn hóa thư pháp đến cộng đồng, đặc biệt là với giới trẻ, “cô đồ” Cẩm Nhung đã đăng tải các video viết thư pháp, vẽ tranh thủy mặc trên Tiktok. Bằng lối dẫn dắt câu chuyện tự nhiên, các video trở nên gần gũi, tiếp cận đông đảo khán giả. Hiện tại, kênh Tiktok của chị thu hút hơn 253 nghìn người theo dõi.
Trong số những người gìn giữ nét đẹp thư pháp, “cô đồ” Lương Thị Phượng (SN 1991), giáo viên Trường Tiểu học Đông Thành (TP Bắc Giang) là gương mặt quen thuộc. Khoảng 5 năm nay, mỗi dịp Tết, chị đều cho chữ tại đền Xương Giang. Là giáo viên tiểu học, chị Phượng thường xuyên tìm tòi các mẫu chữ đẹp để rèn luyện chuyên môn và hướng dẫn học sinh. Cũng nhờ đó, chị bén duyên với thư pháp. Ban đầu, chị chỉ viết tặng chữ như một lời chúc niềm vui, tài lộc, may mắn cho mọi người. Qua năm tháng rèn luyện, nét bút ngày càng điêu luyện, có hồn, được nhiều người yêu mến.
Không chỉ dịp Tết, chị Phượng còn nhận viết tranh chữ, hoành phi câu đối... theo yêu cầu để tặng trong các dịp khai trương, tân gia, mừng thọ. Với mong muốn lan tỏa vẻ đẹp của thư pháp đến học sinh, trong một số giờ học trải nghiệm, chị hướng dẫn học sinh tìm hiểu ý nghĩa của từng con chữ, thực hành viết thư pháp. “Nhìn học sinh háo hức cầm bút, say sưa trải nghiệm, tôi cảm thấy hạnh phúc. Không chỉ truyền cảm hứng về thư pháp, tôi nghĩ đây là cách hay để các em thêm yêu tiếng Việt, hiểu và trân trọng giá trị văn hóa dân tộc”, chị Phượng chia sẻ.
Trân trọng giá trị truyền thống
Với anh Dương Thế Tạo (SN 1995) ở xã Trí Yên (TP Bắc Giang), thư pháp như một người bạn tâm giao, món ăn tinh thần giúp tìm thấy sự cân bằng, thư thái. Công việc lập trình viên khiến anh thường xuyên gặp áp lực. Mỗi khi căng thẳng, anh lại thả hồn vào các nét chữ. Niềm yêu thích thư pháp nhen nhóm trong anh từ những năm học THCS. Nhà ở cạnh chùa Vĩnh Nghiêm nên từ nhỏ, Tạo thường cùng bố mẹ đi lễ Phật. Hình ảnh ông đồ cho chữ để lại ấn tượng sâu sắc và anh đam mê thư pháp từ đó. Từ những nét bút non nớt ban đầu, anh kiên trì luyện tập, dần trở thành đam mê.
Phong tục xin chữ, cho chữ đầu năm thể hiện tinh thần hiếu học, trân trọng tri thức của cha ông ta. Ngày nay, nhiều bạn trẻ tiếp nối truyền thống, rèn bút để mỗi mùa mai, đào khoe sắc, họ lại bày nghiên, mài mực, trao gửi những lời chúc ý nghĩa, cầu cho một năm mới an yên, vẹn tròn. |
Thư pháp mang đến cho anh Tạo cơ hội tham gia nhiều hoạt động ý nghĩa như: Viết tặng chữ cho người hiến máu tình nguyện, bệnh nhân trong bệnh viện hay tại các sự kiện văn hóa, lễ hội mừng năm mới. Mỗi lần thấy người nhận chữ nâng niu, thích thú ngắm nhìn từng nét bút, anh càng thêm tự hào. Anh còn tích cực tham gia các hội, nhóm yêu thư pháp để giao lưu, học hỏi từ những người có chung đam mê. Theo anh Tạo, thư pháp là nét văn hóa đẹp của người Việt, đã có từ xa xưa. Để trau dồi kiến thức, anh thường đọc các loại sách văn hóa, quan niệm triết học cổ đại để mở rộng hiểu biết. Ngoài ra, công việc này còn tạo cho “ông đồ” trẻ những cơ hội tăng thu nhập. Không chỉ viết chữ trên giấy, anh Tạo còn “múa bút” để biến những vật dụng làm từ gốm, sứ, gỗ… thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang ý nghĩa về phong thủy.
Từ lâu, phong tục xin chữ, cho chữ đầu năm thể hiện tinh thần hiếu học, trân trọng tri thức của cha ông ta. Những đường nét thư pháp không chỉ thể hiện con chữ mà còn phản chiếu nội tâm, rèn luyện tính nhẫn nại và đưa con người đến gần hơn với sự an nhiên, tự tại. Ngày nay, những lớp học, câu lạc bộ, hội, nhóm thư pháp xuất hiện ngày càng nhiều, trở thành nơi kết nối những người yêu chữ. Những người trẻ như: Nguyễn Cẩm Nhung, Lương Thị Phượng, Dương Thế Tạo và nhiều thanh niên khác không chỉ gìn giữ lối viết truyền thống mà còn sáng tạo, kết hợp thư pháp với hội họa, âm nhạc, tạo nên những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân. Đó cũng là cách trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống mà cha ông đã dày công vun đắp, mang tới hơi thở mới cho nghệ thuật thư pháp.
Ý kiến bạn đọc (0)