Điểm đến của bản sắc văn hóa và trải nghiệm xanh
BẮC GIANG - Bắc Giang - vùng đất hội tụ nhiều di sản độc đáo và thiên nhiên trong lành đang trở thành điểm đến cho du khách yêu thích sự kết hợp giữa bản sắc truyền thống và trải nghiệm xanh. Với những thắng cảnh nên thơ, di tích lịch sử đặc sắc cùng sản phẩm du lịch độc đáo, Bắc Giang đang là điểm đến của lữ khách gần xa.
Điểm đến ấn tượng
Mỗi dịp đầu xuân, Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên (TP Bắc Giang) luôn là điểm đến của du khách gần xa. Nơi đây là trung tâm của không gian Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Du khách đến chùa được tham quan, tìm hiểu những nét kiến trúc nghệ thuật độc đáo trên các công trình: Tam quan, tam bảo, vườn tháp; hệ thống tượng Phật, bia đá, văn khắc. Đặc biệt là kho mộc bản gồm 3.050 bản chủ yếu là kinh Phật do thiền sư thiền phái Trúc Lâm tổ chức san khắc trên gỗ thị đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Những năm gần đây, vào đầu năm mới, UBND tỉnh tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch nhằm quảng bá về vùng đất, con người Bắc Giang giàu tiềm năng phát triển và thân thiện, mến khách.
Du khách tham quan chùa Vĩnh Nghiêm. |
Ngoài chùa Vĩnh Nghiêm, theo đánh giá của cơ quan chức năng, toàn tỉnh có hơn 2,3 nghìn di tích, trong đó nhiều di tích được công nhận là điểm du lịch. Thạc sĩ Nguyễn Hữu Toàn, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đánh giá, Bắc Giang có cảnh quan tươi đẹp, hệ thống di tích phong phú và các lễ hội đặc sắc là lợi thế để phát triển du lịch tâm linh và sinh thái, cộng đồng.
Nhằm hình thành những điểm đến hấp dẫn, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã chỉ đạo, triển khai nhiều giải pháp tạo “làn gió mới" cho phát triển du lịch. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 112, ngày 15/6/2021 về phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; HĐND tỉnh có Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2030. Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, trên địa bàn tỉnh đã hình thành một số khu, điểm du lịch như: Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động), Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ (Lục Nam), Di tích lịch sử Địa điểm Chiến thắng Xương Giang (TP Bắc Giang), chùa Bổ Đà (Việt Yên).
Vào mùa vải thiều và cam, bưởi, các nhà vườn tại thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn đón hàng trăm nghìn lượt khách đến tham quan, trải nghiệm. Điểm du lịch cộng đồng bản Ven Xanh, xã Xuân Lương (Yên Thế) cũng được nhiều người biết đến. Đến đây, khách tham quan được hòa mình vào không gian văn hóa đặc sắc của người Cao Lan. Nơi đây có nhiều sản vật như: Mật ong rừng, ốc núi, măng đắng, một số dược liệu quý để du khách mua làm quà.
Với nỗ lực của các cấp, ngành và những người làm du lịch, năm 2024, Bắc Giang thu hút gần 2,7 triệu lượt khách, tăng gần 27% so với năm trước. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 2 nghìn tỷ đồng, tăng 38%.
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng
Trong kế hoạch của UBND tỉnh thực hiện Nghị quyết số 112, ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xác định phát triển 4 sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí gắn với thể thao golf; du lịch cộng đồng. Mục tiêu của tỉnh là đón khoảng 3 triệu lượt khách vào năm 2025; tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt khoảng 3 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho 6 nghìn lao động.
Du khách trải nghiệm vườn cam, bưởi tại thị xã Chũ. Ảnh: NGUYỄN HƯỞNG. |
Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, để phát triển du lịch, Bắc Giang cần kết hợp hài hòa giữa thiên nhiên và nét văn hóa, cuộc sống của người dân bản địa để xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù. Chú trọng xây dựng sản phẩm du lịch xanh, giảm thiểu rác thải nhựa tại các cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch. Quan tâm bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp, ứng xử, quản lý, điều hành cho các tổ chức, cá nhân hoạt động du lịch tạo ấn tượng tốt với du khách.
Từ đặc thù địa phương, Bắc Giang xác định phát triển 4 sản phẩm du lịch chính gồm: Du lịch văn hóa, tâm linh; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng; du lịch vui chơi, giải trí gắn với thể thao golf; du lịch cộng đồng. Mục tiêu của tỉnh là đón khoảng 3 triệu lượt khách vào năm 2025; tổng thu từ dịch vụ du lịch đạt khoảng 3 nghìn tỷ đồng, tạo việc làm cho 6 nghìn lao động. |
Theo nhiều chuyên gia, đại diện công ty lữ hành, Bắc Giang nên tạo ra những sản phẩm du lịch từ các di sản đa dạng, đặc sắc. Ví như ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Xương Giang, Khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám có thể quy hoạch, mở rộng không gian trưng bày, tái hiện sự kiện lịch sử; sưu tầm nhiều câu chuyện, hình ảnh liên quan đến cuộc khởi nghĩa, các trận đánh. Đồng thời cho thuê trang phục; tái hiện mô hình đánh trận giả; in sách, tài liệu phục vụ du khách, làm gia tăng giá trị từ hoạt động du lịch. Cùng đó, vùng đất Bắc Giang có nhiều danh lam thắng cảnh, vùng cây ăn quả trù phú, do đó cần đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, nông nghiệp, gắn hoạt động du lịch với tiêu thụ nông sản đặc trưng.
Một số chuyên gia hiến kế, Bắc Giang nên khai thác vẻ đẹp thiên nhiên và nét văn hóa truyền thống tại địa bàn để xây dựng sản phẩm du lịch độc đáo. Chẳng hạn như ở làng Thổ Hà (thị xã Việt Yên) nên bảo tồn không gian văn hóa làng quê thuần Việt để du khách được vãn cảnh, chiêm bái các khu đình, chùa cổ kính; trải nghiệm hoạt động mua bán tại khu chợ bên sông; nghe quan họ...
Theo ông Đỗ Tuấn Khoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, để Bắc Giang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, huy động nguồn lực đầu tư phát triển các khu, điểm du lịch, đặc biệt là vùng Tây Yên Tử gắn với “Con đường hoằng dương Phật pháp của các vị tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử”. Chỉ đạo đơn vị chức năng, các doanh nghiệp tăng cường kết nối, liên kết trong xây dựng sản phẩm du lịch; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp.
Thời điểm này, Bắc Giang và hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương đã hoàn thiện hồ sơ khoa học đệ trình UNESCO ghi danh "Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử- Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc" là Di sản thế giới. Hai di tích của Bắc Giang có tên trong hồ sơ là chùa Vĩnh Nghiêm và chùa Bổ Đà. Khi quần thể di tích được ghi danh sẽ tạo điều kiện để tỉnh tiếp tục xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng "Con đường hoằng dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử"; kết nối tour, tuyến du lịch nội tỉnh và liên tỉnh... hứa hẹn sẽ đem đến trải nghiệm mới cho du khách.
Ý kiến bạn đọc (0)