Khám phá di sản: Những câu chuyện từ lòng đất
BẮC GIANG - Nằm ở phía Bắc kinh thành Thăng Long, vùng đất cổ Bắc Giang không chỉ nổi danh là phên giậu kiên cường chặn đứng bao cuộc ngoại xâm mà còn lưu giữ những ký ức đậm sâu của thời gian. Qua các di chỉ, di vật khảo cổ được phát hiện khắp nơi, Bắc Giang hiện lên như một bức tranh sống động về sự vận động và phát triển không ngừng suốt hàng nghìn năm, hòa nhịp cùng dòng chảy lịch sử dân tộc.
Theo dấu chân Phật hoàng
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu và những hiện vật tìm thấy ở nhiều địa phương trong tỉnh, người Việt cổ đã có mặt ở vùng đất Bắc Giang từ rất sớm. Từ thời kỳ đồ đá cũ, đồ đá mới cho tới thời kim khí, hàng nghìn cổ vật như rìu đá, cuốc đá, dao đá cho tới công cụ lao động, binh khí bằng sắt, bằng đồng… đã xuất hiện rải rác ở nhiều địa phương minh chứng cho sự tồn tại của con người ở vùng đất này. Đặc biệt, những năm gần đây, với mục đích nghiên cứu giá trị văn hóa thời đại Lý - Trần và nhất là dấu tích của hệ thống Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử phục vụ cho chiến lược phát triển văn hóa, du lịch trên địa bàn, các công trình khảo cổ chú trọng hơn đối với các di tích, di chỉ trong thời kỳ này và đã thu được những kết quả có ý nghĩa to lớn.
Qua công tác khảo cổ, tại chùa Cao (Lục Nam) đã phát lộ nhiều di tích. |
Năm 2019, Viện Khảo cổ Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang tiến hành khai quật tại khu vực chùa Vĩnh Nghiêm (thôn Quốc Khánh, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, nay là TP Bắc Giang). Mặc dù trong thời gian ngắn và diện tích khai quật nhỏ để tránh ảnh hưởng đến các đơn nguyên kiến trúc hiện có và đã thu thập được hàng trăm hiện vật khẳng định lịch sử tồn tại và phát triển của một trung tâm giảng đạo của Tam tổ qua các thời kỳ.
Đáng chú ý, cuộc khảo cổ đã thu thập được nhiều vật liệu kiến trúc và trang trí kiến trúc độc đáo như gạch có trang trí nổi hoa văn hoa lá, mây, phượng trong khung thời Trần; ngói số lượng lớn, bao gồm các loại ngói lá, ngói mũi sen, ngói nóc, ngói ống có niên đại từ thời Trần đến thời Nguyễn. Tuy là những tiêu bản ngói không hoàn chỉnh nhưng đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ về trình độ sản xuất của người Việt trong thời gian này.
Qua những cổ vật khai quật được, có thể khẳng định kiến trúc chùa giai đoạn Trần cho tới Lê Trung hưng, gạch được dùng làm vật liệu bó móng và bó nền là chính, vật liệu gỗ được sử dụng triệt để thay thế gạch xây tường. Ngói lợp mái vẫn luôn là vật liệu chính. Trong các vật trang trí kiến trúc, đáng chú ý là tìm thấy các tiêu bản trang trí rồng với màu vàng gạch, trang trí nổi hình một khúc rồng uốn cong, trên thân trang trí các đường khắc vạch.
Ngân nga tiếng vọng ngàn xưa…
Năm 2020, Viện khảo cổ Việt Nam cùng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Giang tiếp tục được giao khai quật khảo cổ tại địa điểm đồi Bia (chùa Linh Quy), xã An Thượng (Yên Thế) trên diện tích 400 m2. Kết quả đã xuất lộ 24 hố gia cố chân tảng (móng trụ). Hố được đầm chặt bằng đất đồi laterite lẫn đá, gia cố sâu từ 20 - 60 cm. Cùng đó, nhiều nền gạch còn khá nguyên vẹn đã xuất lộ. Ngoài ra, đánh giá của đoàn khai quật cho thấy số lượng di vật thu được khá lớn, loại hình phong phú, đa dạng và được xếp vào 3 nhóm cơ bản là: Vật liệu kiến trúc, đồ gốm sứ, sành và đồ kim loại. Các vật liệu kiến trúc có niên đại trải dài từ thời Trần đến Lê, Nguyễn, trong đó nhóm vật liệu thời Trần đóng vai trò chủ đạo.
Khách tham quan trưng bày chuyên đề “Cổ vật tiêu biểu thời Lý - Trần trên địa bàn tỉnh Bắc Giang” tại Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử. Ảnh: THU THỦY. |
Bên cạnh đó, tại đây đã phát hiện được nhiều tượng người, tượng chim thần, ngói cắm lá đề, lá đề, gạch ốp in hình bảo tháp, các mảng phù điêu trang trí trên tháp… Ngoài ra còn các bức tượng có khuôn mặt đẹp, mắt có viền, mũi dọc dừa, môi hình tim, hơi dày. Toàn khuôn mặt toát lên vẻ lạc quan, yêu đời nhưng từ bi độ lượng, phảng phất bóng dáng của khuôn mặt tượng Chàm.
Theo nhận định của đoàn khai quật, những dấu tích còn lại của di tích chùa Linh Quy cho thấy đây là một di sản quý hiếm phản ánh trình độ kỹ thuật và văn minh cao của vương triều Trần cũng như toàn thể nhân dân Đại Việt thời Trần. Đồng thời khẳng định việc phát hiện địa điểm chùa Linh Quy đã chứng minh cho sự lan tỏa của Thiền phái Trúc Lâm không chỉ ở ba huyện Lục Nam, Lục Ngạn và Sơn Động ở phía Tây Yên Tử, mà không gian di sản của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mở rộng hơn rất nhiều trên địa bàn tỉnh Bắc Giang so với sự hiểu biết của chúng ta hiện nay.
Những kết quả khảo cổ học thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Bắc Giang một lần nữa khẳng định những giá trị bao trùm, phổ rộng của hệ tư tưởng thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử và sự nâng niu những giá trị này qua các thời đại. |
Trong giai đoạn 2021-2024, công tác khảo cổ tiếp tục được tỉnh Bắc Giang quan tâm với việc khai quật thêm nhiều điểm trên địa bàn thị xã Việt Yên, các huyện Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang. Đáng chú ý, tại địa điểm chùa Cao (Lục Nam) đã phát lộ nhiều loại hình di tích bao gồm: Di tích kiến trúc, di tích móng bó nền kiến trúc, di tích bó nền kiến trúc, di tích rãnh nước, di tích nền đầm, di tích cụm gốm… Trong các di tích kể trên, quan trọng nhất trong đợt khai quật năm 2022 đã xuất lộ 3 kiến trúc thời Lý thế kỷ XI - XII tại khu vực này. Các kiến trúc được xây dựng ở trung tâm của vùng đất này mang đầy đủ các yếu tố và tính chất của cung điện và Hoàng gia do đích thân triều đình hoặc những người thân thuộc của Hoàng gia xây dựng.
Tại chùa Hồ Bấc, xã Nghĩa Phương (Lục Nam), đoàn khảo cổ khai quật được 464 mảnh di vật, trong đó phần lớn là mảnh vỡ với các loại hình gốm men, sành, đất nung, gạch, ngói, đồ thờ… chủ yếu có niên đại thời Trần và thời Lê Trung hưng. Ngoài ra, còn 30 chân tảng, nhiều hiện vật có kích thước lớn, được làm từ đá phiến màu nâu, tím, bề mặt còn nhiều vết đục đẽo, cho thấy trình độ sản xuất, vận chuyển ở trình độ cao thời kỳ này, nhất là tại những khu vực đồi núi hiểm trở như tại chùa Hồ Bấc.
Trong cuộc khai quật tại chùa Nghĩa Trung, xã Nghĩa Trung (thị xã Việt Yên) gần đây cũng phát hiện được một loại ngói mũi sen thời Trần khá đặc biệt và rất hiếm khi phát hiện ở miền Bắc nước ta. Trên diện tích khai quật còn nhỏ nhưng đã phát lộ 9 di tích, trong đó có 4 di tích thời Trần và 5 di tích thời Lê Trung hưng. Trong đó, tiêu biểu là di tích kiến trúc tháp và kiến trúc phụ thời Trần, là minh chứng cụ thể rõ nét cho một công trình kiến trúc vào thế kỷ XIII - XIV, tiêu biểu cho một tổng thể kiến trúc tâm linh của người Việt trong giai đoạn này…
Những kết quả khảo cổ học thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Bắc Giang một lần nữa khẳng định những giá trị bao trùm, phổ rộng của hệ tư tưởng thiền phái Trúc Lâm - Yên Tử và sự nâng niu những giá trị này qua các thời đại. Tuy vẫn còn nhiều luyến tiếc cho những công trình khảo cổ chưa được đầu tư tốt hơn, với diện tích lớn hơn, thời gian lâu hơn để thực sự tìm đến các chân giá trị của lịch sử nhưng chúng ta có quyền tự hào về một vùng đất Bắc Giang văn hiến, năng động, anh hùng, thêm niềm tin, tạo động lực, khát khao để vươn mình trong kỷ nguyên mới.
Ý kiến bạn đọc (0)