Bắc Giang: Tiếp tục quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa
BẮC GIANG - Chiều 13/9, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Bắc Giang giám sát tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thực hiện Luật Di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Trần Văn Tuấn, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng đoàn giám sát chủ trì. Cùng dự có các ĐBQH tỉnh, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành.
Quang cảnh buổi giám sát. |
Là địa phương có hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể phong phú, đặc sắc, Bắc Giang hiện còn bảo lưu hơn 2.000 di tích lịch sử, văn hóa; nhiều di tích được bảo lưu gần như nguyên vẹn kiến trúc nghệ thuật có niên đại từ 100 đến hơn 400 năm.
Kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của tỉnh cũng rất đa dạng. Trong đó, 18 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; gần 800 lễ hội lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó là kho tàng dân ca, dân vũ, trang phục, ẩm thực và nhiều ngành nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Hiện tỉnh có 16 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 4 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và di sản cần bảo vệ khẩn cấp.
Sau khi Luật Di sản văn hóa năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa năm 2009 có hiệu lực, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa các nội dung.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tăng cường tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa đến nhân dân và du khách thông qua các hoạt động xúc tiến du lịch. Cùng đó, quan tâm khảo sát, xây dựng các tour, tuyến du lịch, khuyến khích phát triển dịch vụ du lịch gắn với các điểm di tích tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2010 đến năm 2023 có 616 di tích được tu bổ, tôn tạo, trong đó ngân sách xã hội hóa khoảng 900 tỷ đồng. Tỉnh đã kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư vào hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di tích gắn với phát triển du lịch.
Thành viên Đoàn giám sát nêu ý kiến. |
Các thành viên Đoàn giám sát trao đổi làm rõ một số vấn đề liên quan đến công tác trùng tu, tu bổ, tôn tạo di tích; quản lý tín ngưỡng tôn giáo; hoạt động tuyên truyền, quảng bá về giá trị di tích; công tác bảo đảm an ninh trật tự, phòng cháy, chữa cháy; phân cấp quản lý di tích; sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan trong hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, văn hóa; công tác đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ thuyết minh...
Nhân dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành tăng nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hoá cho các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là hoạt động bảo quản, tu bổ, tôn tạo di tích, các di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu đã được UNESCO vinh danh, di sản văn hóa thuộc danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Hướng dẫn thống nhất mô hình tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ, nguồn kinh phí hoạt động của ban quản lý di tích. Theo đó xác định rõ trách nhiệm, cơ chế phối hợp giữa các cấp trong công tác quản lý di tích.
Tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý di sản văn hóa ở địa phương.
Đồng chí Trương Quang Hải, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm rõ một số nội dung. |
Kết luận, đồng chí Trần Văn Tuấn ghi nhận những kết quả Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt được trong việc thực hiện Luật Di sản văn hóa. Đồng chí đề nghị Sở tiếp tục triển khai hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hoá.
Chủ động phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tốt việc rà soát, tham mưu cho HĐND, UBND tỉnh xây dựng mới hoặc điều chỉnh, bổ sung kịp thời các nghị quyết, chương trình, kế hoạch, đề án về bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá trên địa bàn tỉnh.
Thường xuyên kiểm kê, phân loại, đẩy mạnh việc lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền xếp hạng di tích, ghi danh di sản văn hóa phi vật thể theo quy định và mục tiêu, định hướng đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh; quan tâm hơn việc kiểm kê các hiện vật, di vật, cổ vật.
Tăng cường huy động các nguồn lực từ nguồn ngân sách nhà nước và xã hội hóa để đáp ứng yêu cầu bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa.
Phát huy hơn nữa trách nhiệm thanh tra, kiểm tra của ngành văn hóa, thể thao và du lịch từ tỉnh đến cấp xã trên lĩnh vực di sản văn hoá. Tăng cường phối hợp với các ngành liên quan và các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, thanh tra, điều tra, xử lý sai phạm lĩnh vực này.
Tin, ảnh: Vân Anh
Ý kiến bạn đọc (0)