Lục Nam: Tự hào nơi thành lập chi bộ đầu tiên
BẮC GIANG - Là nơi thành lập chi bộ đầu tiên của Đảng bộ huyện Lục Nam vào cuối năm 1940, Chi bộ thôn Đại Từ, xã Bảo Đài ngày nay luôn phát huy được truyền thống của lớp lớp cha ông đi trước, trở thành điểm sáng về mọi mặt ở địa phương.
3 đảng viên kiên trung
Nhân kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2), chúng tôi đến thăm đình thôn Đại Từ, di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia, nơi thành lập chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở huyện Lục Nam. Phía sau ngôi đình có chùa Đại Từ, di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Tọa lạc trên khu đất thoáng đãng, có hồ nước trong xanh, với nhiều cây cổ thụ tỏa bóng mát khiến cho ngôi đình và chùa càng trở nên uy nghiêm. Ngay cạnh sân đình là nhà bia lịch sử ghi rõ: Tại đây, cuối năm 1940 thành lập Chi bộ Đại Từ, tổ chức Đảng Cộng sản Đông Dương đầu tiên trên địa bàn huyện Lục Nam, gồm 3 đồng chí: Nguyễn Văn Lục, Bí thư Chi bộ; Nguyễn Văn Kiểm và Nguyễn Văn Phú.
Cán bộ, đảng viên và người dân thôn Đại Từ, xã Bảo Đài nói chuyện truyền thống bên nhà bia lịch sử ghi dấu tích nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở huyện Lục Nam. |
Được biết, xã trước đây có tên là Thép Thượng, thuộc tổng Chu Điện. Vào giữa năm 1938, đồng chí Hoàng Quốc Việt về ở nhà đồng chí Nguyễn Văn Lục, thôn Đại Từ để tuyên truyền vận động cách mạng, xây dựng cơ sở trong vùng. Tại đình Đại Từ, đồng chí Hoàng Quốc Việt tổ chức cuộc họp chuẩn bị bàn việc thành lập Chi bộ Đảng ở Phủ Lạng Thương. Cuối năm 1938, Chi bộ Phủ Lạng Thương được thành lập, lãnh đạo phong trào cách mạng của cả tỉnh. Cũng trong thời điểm này, đồng chí Nguyễn Văn Lục được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, trở thành đảng viên đầu tiên của huyện Lục Nam, sinh hoạt ở Chi bộ Phủ Lạng Thương.
Với những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa của đình, chùa thôn Đại Từ, nơi đây đã và đang là điểm thu hút đông đảo giáo viên, học sinh, đoàn viên thanh niên và người dân địa phương đến tìm hiểu, giáo dục truyền thống. Nhằm phát huy giá trị của điểm di tích này, Đảng ủy xã vừa quyết định dành kinh phí tới đây tiến hành tu bổ, tôn tạo nhà bia lịch sử ghi dấu ấn nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện. Đây cũng là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2025 - 2030. |
Cuối năm 1940, tại đình Đại Từ, đồng chí Nguyễn Văn Lục thông báo Quyết định kết nạp đồng chí Nguyễn Văn Kiểm và Nguyễn Văn Phú (cùng ở thôn Đại Từ) vào Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng thời thành lập chi bộ gồm 3 đồng chí. Sự ra đời của Chi bộ Đại Từ đánh dấu mốc lịch sử quan trọng của xã Thép Thượng nói riêng, tổng Chu Điện nói chung. Từ đây, chi bộ tích cực giác ngộ quần chúng, tuyên truyền đường lối cách mạng của Đảng đến với nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Văn Đăng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bảo Đài thông tin, với những giá trị về mặt lịch sử, văn hóa của đình, chùa thôn Đại Từ, nơi đây đã và đang là điểm thu hút đông đảo giáo viên, học sinh, đoàn viên thanh niên và người dân địa phương đến tìm hiểu, giáo dục truyền thống. Nhằm phát huy giá trị của điểm di tích này, Đảng ủy xã vừa quyết định dành kinh phí tới đây tiến hành tu bổ, tôn tạo nhà bia lịch sử ghi dấu ấn nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện. Đây cũng là công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Làng quê đổi mới
Rảo bước trên những con đường được trải nhựa áp phan phẳng phiu chạy xuyên qua thôn Đại Từ trong những ngày áp Tết, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy mặt đường rộng thênh thang, hai bên là cột đèn đường cao áp. Theo đồng chí Nguyễn Văn Điệp, Phó Bí thư Chi bộ, trưởng thôn Đại Từ, được sự hỗ trợ của Nhà nước, đầu năm 2023, tuyến đường trục chính của thôn chạy từ tỉnh lộ 295 đến đình Đại Từ dài gần 2 km được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, chi bộ, ban lãnh đạo thôn đã vận động nhân dân hiến đất mở rộng mặt đường từ 3,5 m lên 7 m.
Gặp đảng viên Nguyễn Văn Sản, 40 năm tuổi Đảng, 75 tuổi đời, chúng tôi được biết, gia đình đồng chí là một trong những hộ đảng viên tiên phong trong phong trào hiến đất mở rộng đường thôn. Khi biết thông tin tuyến đường mở rộng sẽ đi vào chính giữa ngôi nhà 4 gian đang ở, đồng chí Sản bàn với vợ, con quyết định phá bỏ ngôi nhà, cổng, tường rào để nhường đất cho thôn làm đường, với tổng diện tích hơn 70 m2. Sau khi phá bỏ ngôi nhà đang ở, đồng chí Sản vận động con cháu làm lại ngôi nhà mới lui vào phía trong.
Đồng chí Sản tâm sự: “Trước kia mình còn sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để làm cách mạng thì nay tính toán làm gì chút đất làm đường. Là đảng viên, tôi sẵn sàng hy sinh vì lợi ích chung. Thấy tôi tháo dỡ nhà, nhiều gia đình khác cũng tình nguyện hiến đất làm đường”.
Cụ thể, ở thôn Đại Từ, 91 hộ dân có tuyến đường chạy qua đã hiến 3.748 m2, trong đó 386 m2 đất nông nghiệp, 3.362 m2 đất thổ cư với nhiều công trình trên đất, trị giá hàng trăm triệu đồng để mở rộng tuyến đường, tạo ra bộ mặt mới cho làng quê. Với khí thế đó, năm 2024, cấp ủy chi bộ, ban lãnh đạo thôn tiếp tục vận động người dân, con em trong thôn làm ăn xa ủng hộ tiền để thôn lắp đặt hệ thống đèn đường chiếu sáng, xây dựng cổng làng...
Người dân thôn Đại Từ không chỉ giàu truyền thống cách mạng mà còn rất chịu khó, năng động phát triển sản xuất. Ở đây, người dân thâm canh, tăng vụ quanh năm. Trong đó, cây trồng chủ lực là hành hoa, khoai sọ, dưa leo, đỗ… Giá trị thu nhập bình quân mỗi ha đất canh tác của thôn đạt từ 140 - 150 triệu đồng/năm. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân thôn Đại Từ ngày càng được nâng lên, trở thành điển hình trong phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Cả thôn có 421 hộ thì chỉ còn 7 hộ thuộc diện nghèo (chủ yếu do ốm đau, bệnh tật); khoảng 80% gia đình xây dựng được nhà tầng kiên cố. Từ năm 2021, thôn Đại Từ đã được công nhận thôn nông thôn mới nâng cao. Niềm tin của nhân dân với Đảng cũng ngày càng được củng cố. Năm 2024, Chi bộ thôn đạt danh hiệu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Ý kiến bạn đọc (0)