Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin
BẮC GIANG - Những ngày này cách đây 95 mùa xuân, khi đất nước còn chìm đắm trong đêm dài nô lệ, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - đồng chí Vương - Bác Hồ của chúng ta đã có một niềm tin mãnh liệt về một Đảng cách mạng “chân chính, chắc chắn”.
Ngày 3/2/1930, giữa rừng hoa Dương tử kinh tràn ngập sắc hồng, trên đất Hương Cảng (Hồng Kông-Trung Quốc), dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản được tổ chức. Theo quan niệm của người Hồng Kông, loài hoa này biểu hiện sức sống kiên cường, ý chí mạnh mẽ của con người trước mọi thăng trầm cuộc sống.
“Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ/Không quê hương sương gió tơi bời”, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về tổ chức và đường lối của cách mạng. Đây là thành quả của sự kết hợp giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước. Từ đây giai cấp công nhân Việt Nam có trách nhiệm trước dân tộc gánh vác sứ mệnh lịch sử lãnh đạo cách mạng. Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng ta đã xác định con đường cơ bản của cách mạng Việt Nam.
Một tiết mục văn nghệ tại chương trình Bắc Giang chào năm mới 2025. |
Nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ dài: Ba mươi năm đời ta có Đảng, viết nhân dịp Đảng ta tròn ba mươi tuổi và cũng là tác phẩm lớn chào mừng Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng, đã nói lên tiếng nói của trái tim những người con đất Việt: “Đảng ta muôn vạn công nông/Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin”. Niềm tin, hiểu theo nghĩa chung nhất là niềm tin của Đảng với Dân và người Dân tin Đảng, một lòng theo Đảng. Đảng tin Dân, tin vào sự nghiệp cách mạng của quần chúng lại bắt đầu từ các lãnh tụ, từ Người đảng viên số Một Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đến các đồng chí Trần Phú, Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn...
Trải qua các thời kỳ lịch sử, từ khi cách mạng còn trong trứng nước đến các cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ, một vấn đề có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của một Đảng chân chính là phải có niềm tin vào nhân dân, tin vào thắng lợi cuối cùng. Những anh hùng, dũng sĩ, những người lính kiên cường, bất khuất là những người có niềm tin vào sự nghiệp, vào thắng lợi của cách mạng nhất. Có niềm tin thì dù khó khăn, gian khổ đến đâu cũng thành công. Ngược lại, ở đâu thiếu vắng niềm tin thì dù là việc nhỏ, dù “xuôi chèo mát mái” đến đâu đôi khi vẫn không đạt kết quả tốt, thậm chí thất bại.
Đầu năm 1930, mặc dù chưa nhận được Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, song bằng nhãn quan chính trị của mình, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động triệu tập thành công Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản. Điều đó không hoàn toàn là do người đứng ra triệu tập có cái danh là đại diện của Quốc tế Cộng sản, có toàn quyền quyết định, mà là từ chính uy tín, tầm vóc của bản thân đồng chí Nguyễn, như các đồng chí lãnh đạo đương thời nhận định. Sau Bác là các nhà cách mạng lớp đầu tiên của Đảng cũng sáng lên một ý chí, một niềm tin mạnh mẽ.
Bị giam cầm trong nhà tù đế quốc, bị tra tấn dã man, Tổng Bí thư Trần Phú luôn bình tĩnh, sáng suốt truyền đến các đồng chí của mình niềm tin tưởng vào thắng lợi. Lời nhắn nhủ cuối cùng của đồng chí Trần Phú: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”. Đồng chí Hoàng Văn Thụ, khi bị đưa ra pháp trường vào buổi sáng ngày 24/5/1944 không hề run sợ. Khi viên giám thị hỏi: Có cần bịt mắt không, đồng chí bình thản nói: Không cần. Quan tòa hỏi: Có cần nói lời cuối cùng không. Người chiến sĩ cộng sản kiên trung dõng dạc trả lời: “Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước, và các ông, những kẻ cướp nước, sự hi sinh của những người như tôi là một sự dĩ nhiên. Chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ thắng”.
Đồng chí Lê Duẩn bị địch bắt tháng 1/1940, bị đày ra Côn Đảo cùng nhiều đồng chí của mình. Đồng chí kể lại: “Đồng chí Vũ Văn Hiếu bị bắt cùng một lúc với anh Nguyễn Văn Cừ và tôi. Vào tù, đồng chí bảo với anh Cừ và tôi rằng: “Tôi đã nhận tài liệu địch lấy được là của tôi, địch có đánh thì tôi chịu, tôi không khai các anh đâu. Các anh cứ chối hết đi. Tôi chịu đòn, chịu chết thay cho các anh để các anh sống và hoạt động cho Đảng”...
Khi bị địch đánh đập, tra tấn dã man, biết mình kiệt sức không thể sống được, một hôm nhân lúc bên ngoài gửi vào cho một cái áo, đồng chí Hiếu không mặc mà đưa áo cho tôi và nói: “Tôi sắp chết rồi, tôi nghĩ mãi mà không biết làm cái gì để phục vụ cho Đảng đến phút cuối cùng, tôi chết có trần truồng cũng không sao, áo đây anh mặc lấy để sống mà làm việc cho Đảng”! Câu chuyện xúc động này được nhà thơ Tố Hữu viết: Chết còn trút áo cho nhau/ Miếng cơm dành để người sau ấm lòng.
Đảng tin Dân, Dân tin Đảng, đó là thành lũy vững bền xây dựng nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là sức mạnh tinh thần to lớn biến thành sức mạnh vật chất trước những gian nan, thử thách, trước những thời điểm, bước ngoặt lịch sử quyết định. |
Đảng tin Dân, Dân tin Đảng, đó là thành lũy vững bền xây dựng nên khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó là sức mạnh tinh thần to lớn biến thành sức mạnh vật chất trước những gian nan, thử thách, trước những thời điểm, bước ngoặt lịch sử quyết định. Sức dân như ngọn triều cường trong Cách mạng Tháng Tám 1945. Những “binh đoàn xe thồ” lương thực lên Điện Biên Phủ năm 1954. Bước chân Anh giải phóng quân như gió “lay thành chuyển non” trên đường ra tiền tuyến vì mục tiêu cứu nước, giải phóng dân tộc và làm nên Đại thắng mùa xuân 1975. Sức mạnh của toàn dân trong công cuộc đổi mới gần 40 năm qua làm nên một cơ đồ tươi sáng... Tất cả, tất cả bắt nguồn từ niềm tin lớn. Có niềm tin là có tất cả. Mất niềm tin là mất tất cả.
Không chỉ trong cuộc đấu tranh giành độc lập vì hạnh phúc, ấm no, vì lương tri và phẩm giá con người, mà ngay trong cả cuộc đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác trong xã hội, trong mỗi con người cũng hằng ngày tác động đến tâm tư, tình cảm đồng chí, đồng bào. Chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu là một mệnh lệnh, một nhiệm vụ dài lâu để xây dựng Đảng ta, Nhà nước ta và cả hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Xử lý một người để cứu muôn người, rất đau nhưng không thể không làm. Niềm tin của nhân dân được củng cố từ những điều cụ thể như thế, như Bác Hồ thường nói: Một hành động cụ thể, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền.
Gần đây nhất, năm 2024 vừa qua đi, cả đất nước như bước vào một mặt trận mới, tiếp tục công cuộc đổi mới, tích cực chuẩn bị mọi mặt để bước vào kỷ nguyên mới vươn mình mạnh mẽ. Đó là những công trình huyết mạch của nền kinh tế về đích trước thời gian như hàng nghìn km đường bộ cao tốc; đường dây 500 kV mạch 3, định hình tương lai “an ninh năng lượng Việt Nam”.
Đó là những công trình trọng điểm như: Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất. Đó là tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam, là dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, góp phần vào quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bền vững - những công trình kỳ vĩ thời đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo tinh thần Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị vừa ban hành cuối năm 2024. Đó là việc động viên, huy động sức dân, xây dựng, sửa chữa hơn 200 nghìn căn nhà dột nát, thời gian về đích là cuối năm 2025.
Nhanh chân. Nhanh chân hơn nữa. Vừa chạy vừa xếp hàng. Muốn bay nhanh thì phải nhẹ, phải xóa bỏ lực cản, xóa đi những điểm nghẽn, đặc biệt là điểm nghẽn về thể chế. Câu chuyện dẫu còn nhiều tâm tư trong những ngày trước và trong Tết về tinh giản bộ máy, sắp xếp tổ chức, nhưng cái lý cái tình đã được bàn đến, khoa học, cụ thể và nhân văn, để làm sao “người nhà” không chiếm chỗ “người tài”, để làm sao đừng đẩy người lao động ra đường khi chưa có những chính sách hợp lý. Có nhiều câu chuyện cảm động về tinh thần gương mẫu, có thể nói là dũng cảm khi không ít cán bộ trung cấp, cao cấp tự nguyện xin nghỉ hưu sớm từ một đến ba năm để nhường chỗ cho người trẻ, để thuận lợi cho sắp xếp tổ chức.
Năm 2025 đánh dấu chặng đường kết thúc một phần tư thế kỷ XXI, là năm tiến hành đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Từ lâu chúng ta đã quen với slogan “Đại hội của niềm tin” qua các kỳ Đại hội của Đảng ta. Đại hội là dịp để nhìn lại và nhìn về phía trước với tầm nhìn xa rộng của đội ngũ tiên phong, của “muôn vạn công nông” - nay là những “công nông” thời Cách mạng công nghiệp 4.0. Xưa chúng ta tổ chức “Bình dân học vụ” để xóa mù chữ. Nay Đảng kêu gọi “Bình dân học vụ số”. Mọi người dân đều phải thành thạo công nghệ số, trước hết là những người lãnh đạo. Nếu không làm vào lúc này cũng có nghĩa là “không bao giờ”. Tụt hậu là cái nhìn thấy trước mắt, chứ không phải là lời dặn phòng xa.
Đảng ta muôn vạn tấm lòng niềm tin. Đọc lại câu thơ cũ mà mới quá. Mới như những nhành xuân, lộc non, mây nõn. Như cánh cửa mỗi nhà mở ra thế giới, ấm nắng ban mai.
Ý kiến bạn đọc (0)