Học Bác, trọng dụng nhân tài lo việc nước
BẮC GIANG - Thời nào cũng vậy, hiền tài là nguyên khí quốc gia và ở đâu cũng có. Khó là làm thế nào để trọng dụng, làm cho nhân tài nảy nở như hoa mùa xuân, đem đức độ, tài năng ra lo việc nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu không chỉ là bậc hiền tài mà còn là người giỏi thu phục, trọng dụng nhân tài. Trong công cuộc đổi mới hiện nay, nhất là khi đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc thì việc trọng dụng nhân tài theo tư tưởng Hồ Chí Minh càng cấp thiết hơn bao giờ hết.
Kiến thiết đất nước cần phải có nhân tài
Ngay sau khi cách mạng giành chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết trên Báo Cứu quốc số ra ngày 14/11/1945, kêu gọi đồng bào ai có tài năng thì hãy ra giúp Chính phủ kiến thiết đất nước. Cho rằng kiến thiết đất nước cần phải có nhân tài, một năm sau, cũng trên Báo Cứu quốc, Người lại viết bài "Tìm người tài đức": “Các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân, thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết... Hạn trong một tháng, các cơ quan địa phương phải báo cáo cho đủ” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 4, NXB Chính trị quốc gia 1995, tr. 451). Khi ấy, chính quyền non trẻ còn muôn vàn khó khăn, lại phải chuẩn bị cho cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược. Kháng chiến phải đi liền với kiến quốc; kiến quốc có chắc chắn thành công, kháng chiến mới mau thắng lợi. Việc tìm người tài đức ra giúp nước rất cần kíp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu trí thức dự Hội nghị Chính trị đặc biệt, tháng 3/1964. Ảnh tư liệu. |
Nghệ thuật dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kế thừa tư tưởng cha ông ta được phát triển phù hợp với điều kiện mới. Ngược dòng lịch sử, hơn 500 năm trước, Đông các Đại học sĩ triều Lê Thân Nhân Trung vâng mệnh vua Lê Thánh Tông đã soạn bài ký cho tấm bia Văn Miếu tại Quốc Tử Giám, khẳng định: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì đất nước mạnh và càng lớn lao; nguyên khí suy thì thế nước yếu và càng xuống thấp”. Thực tiễn lịch sử các triều đại phong kiến là minh chứng rõ nhất cho chân lý ấy.
Nói về trọng dụng nhân tài thì Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc thánh nhân, bởi Người biết rõ ai có tài đức và thu phục được họ dù họ thuộc giai tầng nào. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, Viện trưởng Viện Dân biểu Trung kỳ thời thuộc Pháp, nổi tiếng tài năng, đức độ được Người mời làm Bộ trưởng Nội vụ và giao Quyền Chủ tịch nước khi Người sang Pháp, năm 1946. Là trí thức thời thuộc Pháp, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên được giao là người đứng đầu ngành Giáo dục 29 năm. Cụ Bùi Bằng Ðoàn, một Thượng thư Bộ Hình dưới triều Nguyễn được mời làm Trưởng ban thanh tra đặc biệt của Chính phủ và sau này là Trưởng ban Thường trực Quốc hội... Và rất nhiều trí thức khác được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra làm việc đã có đóng góp quan trọng cho đất nước.
Việc trọng dụng nhân tài ở Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là tư tưởng nhân văn mang đậm bản sắc dân tộc, không phân biệt, đố kỵ hay hẹp hòi đối với mọi người thuộc các tầng lớp xã hội khác mà còn là tầm nhìn trước các vấn đề của cách mạng, mang lại nguồn lực quý báu cho phát triển đất nước.
Để nhân tài nảy nở như hoa mùa xuân
Quan niệm về nhân tài theo Chủ tịch Hồ Chí Minh đó là cán bộ, công chức, viên chức có đủ đức và tài, trong đó đức là gốc. “Có tài phải có đức. Có tài không có đức, tham ô hủ hóa có hại cho nước. Có đức không có tài như ông bụt ngồi trong chùa, không giúp ích gì được ai”. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn chăm lo xây dựng đội ngũ trí thức, có chủ trương, chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, tạo điều kiện, môi trường làm việc, bố trí, sử dụng, đãi ngộ nhân tài. Chính đội ngũ này đã đóng góp công lao đáng kể vào công cuộc kiến thiết nước nhà, nhất là trong gần 40 năm đổi mới.
Các đồng chí lãnh đạo Công an tỉnh, Huyện ủy Hiệp Hòa trao thưởng cho đại diện tập thể tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2021-2024. Ảnh: Quốc Trường. |
Song phải thừa nhận rằng, chủ trương thu hút nhân tài chậm được cụ thể hoá bằng các cơ chế, chính sách phù hợp. Mặt khác, công tác cán bộ còn nhiều hạn chế, nhất là trong đánh giá, bố trí sử dụng; tình trạng chạy chức, chạy quyền, bố trí sử dụng người thân quen, “cánh hẩu” chưa đủ điều kiện vào các cương vị lãnh đạo, quản lý còn nhiều, gây bức xúc ở một số nơi. Thực trạng đó phần nào làm cho hoạt động của tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị chưa thật sự hiệu lực, hiệu quả; làm thui chột ý chí không ít cán bộ có năng lực, tâm huyết với công việc, muốn cống hiến cho đất nước. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao chưa bị ngăn chặn đẩy lùi. Những yếu kém đó là vật cản không nhỏ trên hành trình đổi mới của chúng ta.
Để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc mà Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhiều lần nêu các định hướng chiến lược thì việc thu hút, trọng dụng nhân tài lại càng trở nên cấp thiết. Bởi đây là kỷ nguyên có tạo sự chuyển động mạnh mẽ, quyết liệt, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình mới hiện thực hóa được khát vọng “dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu”.
Chủ trương của Đảng đã rõ; Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Vấn đề có tính quyết định là ở khâu tổ chức thực hiện. Trước mắt cần quyết liệt hơn nữa để đẩy lùi các căn bệnh cố hữu trong công tác cán bộ; thực hiện bằng được cơ chế kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong nhiệm vụ then chốt của then chốt này. Ai muốn “chạy” cũng không có cửa để “chạy”; ai trót “chạy” cũng không có lối thoát tội; người “mở cửa” cho họ “chạy” càng phải xử lý nghiêm hơn. Mục tiêu là tạo dựng cơ chế, chính sách, đặc biệt là môi trường làm việc bình đẳng, khích lệ những người có đức, tài cống hiến cho sự nghiệp chung; đánh giá đúng thực lực và cống hiến của cán bộ, ai có năng lực, đạo đức, dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo đổi mới thì được trọng dụng, cất nhắc khi có đủ điều kiện; ai không đáp ứng công việc, không có uy tín thì thay thế, nếu sai phạm thì có thể đưa ra khỏi tổ chức bộ máy theo quy định.
Công tác cán bộ là công việc về con người, khó, nhạy cảm và vô cùng phức tạp. Việc đánh giá, phát hiện, trọng dụng nhân tài lại càng khó hơn gấp bội, cần có quy trình khoa học, chặt chẽ và đặc biệt là những người làm công việc này, trước hết phải là cán bộ tài đức, dũng khí. Không thế thì không thể trọng dụng được nhân tài. |
Công tác cán bộ là công việc về con người, khó, nhạy cảm và vô cùng phức tạp. Việc đánh giá, phát hiện, trọng dụng nhân tài lại càng khó hơn gấp bội, cần có quy trình khoa học, chặt chẽ và đặc biệt là những người làm công việc này, trước hết phải là cán bộ tài đức, dũng khí. Không thế thì không thể trọng dụng được nhân tài. Bởi người có đức thì mới công tâm, khách quan, không thiên vị, hẹp hòi, đố kỵ, ghét bỏ thói chạy chọt, luồn cúi, cơ hội, làm việc hoàn toàn vì cái chung. Có tài mới đánh giá đúng người tài, không “nhìn gà hóa cuốc”, “thấy đỏ tưởng chín”; người không có tài thì không thể đánh giá đúng cán bộ có tài và không dám, không muốn cùng cán bộ tài đức. Có dũng khí mới dám đấu tranh với những hành vi trái ngược các nguyên tắc, quy định về công tác cán bộ, đặc biệt là mới dám can gián trước những việc làm sai phạm để bảo vệ cán bộ tài đức, đấu tranh với những kẻ cơ hội.
Hiện nay, toàn Đảng đang chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng, lại cũng là thời điểm tổng kết Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, vừa phải làm một cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, ảnh hưởng trực tiếp đến mọi cơ quan, đơn vị và cán bộ, đảng viên; vừa phải chuẩn bị nhân sự cho cấp ủy khóa mới mà kết quả ra sao còn phải chờ đại hội. Nhưng có một điều chắc chắn rằng theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, nhân sự được xem xét lựa chọn giới thiệu để bầu vào cấp ủy khóa mới phải là cán bộ có năng lực lãnh đạo, trình độ chuyên môn, có uy tín trong dân, trong Đảng…
Đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, Tổng Bí thư nhấn mạnh: “Có cơ chế hữu hiệu sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; có chính sách thu hút, sử dụng đối với người có năng lực nổi trội”. Đây là công việc khó, vô cùng hệ trọng và phải làm bằng được để không lỡ hẹn với dân, với đất nước; bởi trước đây làm chưa đến nơi đến chốn, chưa thật sự quyết liệt nên không mang lại kết quả như mong muốn.
Gần 80 năm trước, khi dân tộc vừa mới bước qua đêm dài nô lệ, dân trí còn thấp, hơn 90% số người mù chữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn cho rằng: “Nhân tài nước ta dù chưa có nhiều lắm nhưng nếu chúng ta khéo lựa chọn, khéo phân phối, khéo dùng thì nhân tài càng ngày càng phát triển, càng thêm nhiều”. Ngày nay sau gần 40 năm đổi mới, đội ngũ cán bộ của ta được đào tạo bài bản, được rèn luyện thử thách toàn diện và được làm việc trong điều kiện tốt nhất. Nhân tài không thiếu. Đó là cơ hội tốt nhất để đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIV của Đảng; việc sắp xếp tổ chức bộ máy lần này chọn đúng cán bộ tài đức tiếp tục gánh vác việc Đảng, việc dân, chứ không phải là “cánh hẩu”, người nhà người thân. Số dôi dư phải đúng là những trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới, chứ không phải vì trù dập cá nhân. Như thế nhân tài sẽ nảy nở như hoa mùa xuân.
Ý kiến bạn đọc (0)