Trên mái đình làng
BẮC GIANG - Thôi chết, cháy nồi gì trong bếp rồi. Hà chạy xồng xộc từ vườn vào nhà. Biết ngay mà. Cái nồi nhanh chóng được nhấc ra, thả vào chậu rửa. Hà mở vòi nước, xối ào ào, nồi đang nóng giãy càng khói um. Mùi thức ăn khét lẹt tỏa khắp các căn phòng, bám dính đầy quần áo, tóc tai và khiến lòng Hà chật ních bức bối.
Bực mình không để đâu cho hết. Lần thứ hai trong tuần có tình trạng này diễn ra.
Hơn bảy mươi tuổi, quên quên nhớ nhớ là chuyện bình thường. Hà tự dằn lòng mình như vậy, mong hạ cơn nóng giận trong người. Hà thương mẹ không để đâu cho hết. Nhưng có phải "một người già bằng ba trẻ nhỏ" nên bảo mẹ chả bao giờ nghe. Phải hằng ngày đối diện với các hành động kỳ quặc, lẩm cẩm, lặp đi lặp lại khiến Hà không thể không có phút giây phát điên. Thỉnh thoảng Hà gọi điện, than vãn với chị gái, nào là mẹ lúi húi cả ngày ở vườn rau, dù mưa phùn hay nắng chang chang, vì mấy cọng rau có khi người ngã vật ra lúc nào ốm không biết.
Minh họa: Hiền Nhân. |
Lúc bình tĩnh, Hà nhỏ nhẹ, thủ thỉ rằng giờ mẹ chỉ cần ngồi nghỉ ngơi, muốn trò chuyện cho khuây khỏa thì có thể loanh quanh sang hàng xóm nói chuyện hoặc ngắm vườn cây, xem ti vi, lướt điện thoại…, thiếu gì thứ để mẹ tìm vui, đừng đụng tay chân vào bất kỳ việc gì trong nhà vì đã có con cháu làm rồi, mẹ không phải lo gì hết. Nhưng mà người lam làm như mẹ làm sao chịu nổi khi để tay chân thừa thãi, nào là “tao không nấu cơm thì làm sao có bữa ngon”, “tao không trồng rau thì lấy đâu rau sạch”… Đại loại là việc gì trong nhà cũng nhất định phải mẹ làm nó mới trơn tru, hoàn hảo được. Có lẽ, vì cái tính ôm đồm, “sướng không chịu nổi” ấy mà Hà cảm thấy mẹ vất vả từ trẻ đến giờ.
Hồi đình làng mới chỉ là căn nhà cấp bốn bé xíu, cũ kỹ, chênh vênh giáp cánh đồng, mẹ đã chăm nom, làm nhiều việc lặt vặt ở đó khi có thời gian rảnh. Phía trước đình bốn mùa gió thổi, còn lại bao quanh toàn cây cối um tùm. Mẹ và các bác, các cô… gom sức, sửa sang tường mới, ngói đỏ, cây cối được phát quang đãng, hoa hồng, hoa đại trồng lên đẹp đẽ. Mỗi đầu năm, con cháu trong làng đi xa về gần đều ra đình làng thắp hương.
Dần dà làng xóm đổi mới, kinh tế phát triển, tuy đình đã được sửa sang nhưng vẫn chỉ là căn phòng bé đã xuống cấp. Cách đây hai năm mẹ nhen nhóm ý định quyên góp tiền, vận động con cháu ủng hộ và xin sự phê duyệt của chính quyền cho xây đình to rộng, khang trang hơn. Mẹ vẫn bảo, đình là biểu tượng, là lịch sử, là hồn cốt, ước vọng của cả làng đặt vào đó, nên việc xây dựng trang hoàng rất cần thiết.
Việc giữ quỹ xây đình, mẹ được ban quản lý xây đình giao trọng trách, mọi người bảo, trước bà Xoan làm kế toán, giờ không đảm nhiệm thì ai gánh vác nổi. Chính quyền nhất trí, lại còn giao và khích lệ mẹ đứng lên quyên góp. Làm dâu mấy chục năm ở cái làng này, thành người của làng, lúc nào mẹ cũng đau đáu việc xây dựng văn hóa, đời sống, nền nếp của xóm làng, ai chả biết. Ấy thế nên mọi người đề nghị, mẹ gật đầu ngay mà chả cân nhắc được, mất gì.
Hà sửng sốt khi biết chuyện. Việc quên nồi nấu trên bếp của mẹ cứ ám ảnh, khiến Hà đinh ninh mẹ bị lẫn. Mà từng ấy tuổi rồi, giờ đi nài nỉ từng nhà vận động mọi người đồng lòng, quyên góp ủng hộ ư? Trời ơi, việc ấy là việc của chính quyền, sao mẹ lại nhận làm. Tự nhiên buộc vào thân, thu gom xong, tiền tỷ giữ trong tủ, con cháu đi học, đi làm hết, thân già ở nhà một mình, đứa nào nó có ý xấu, nó vào nhà khua khoắng cái thì tiền mất tật mang. Nhẹ hơn, nhỡ mẹ tính toán sai lệch, không những phải đền, có khi còn mang tiếng ra. Tiền luôn khiến người ta nảy sinh ý nghĩ không hay. Nhà thì thiếu thốn gì đâu.
Vì quá lo lắng, Hà phản đối kịch liệt. Nói mãi không làm mẹ lung lay, Hà quyết định triệu tập cả anh chị em về nhà để họp. Rào rào bàn kế trong nhóm zalo, nhưng trước mặt mẹ đứa nào đứa nấy thỏ thẻ. Anh cả đại diện, phân tích thiệt hơn với mẹ, nói mẹ làm gì giúp đình cũng được, còn việc giữ quỹ chi tiêu để người khác. Một là giờ có tuổi, lẫn cẫn, hai là không nên dây dưa đến tiền nong, dính đến tiền sẽ vô cùng mệt.
Mẹ mới nghe thấy đã giãy nảy lên, tuôn một tràng giáo huấn. Nào là ai cũng chỉ lo cho bản thân mình, gói gọn trong gia đình mình thì còn gì xóm làng, thấy việc khó là đùn đẩy, sao thành những việc chung. Con người sống phải biết ơn, biết làm đẹp, xây đắp quê hương, xứ sở… Mẹ lẫn cẫn mà nuôi được từng đấy đứa thành người ư? Mình không làm gì khuất tất thì sao phải sợ, ai cũng sợ thì lấy ai làm. Mấy đứa cúi lặng, im thin thít.
Từ hôm đó, Hà không nhắc lại việc này, dù lòng đầy lợn cợn, chưa xuôi.
***
Các anh chị đều ở xa. Hà phận gái, nhưng làm việc gần nhà, khi lập gia đình thì quyết định về ở cùng mẹ nên việc gì cũng đến tay. Hàng xóm láng giềng hay họ hàng có cỗ, mẹ bắt sang từ sớm chuẩn bị bát đĩa, nhặt rau cỏ... cùng mọi người. Thật Hà chả hiểu nổi, mẹ muốn làm việc chung thì cứ làm, đằng này cứ lôi Hà vào, ngày đi làm mệt thì chớ, nay nhờ mua cái này mai nhờ việc khác phục vụ công việc xây đình.
Công nhận chính quyền họ khôn khi chọn mẹ. Mẹ đứng lên nói có uy tín thật và có tâm thật. Mẹ làm tất tật, từ việc gọi điện, đến tận nhà, rồi mày mò nhóm facebook, zalo… kêu gọi lớp lớp con cháu các thế hệ của làng chung tay, ủng hộ. Nhiều lúc đọc được Hà phát ngại. Thế mà giờ mái đình đã trọn vẹn, sừng sững trước mắt mọi người. Và cũng chưa thấy mẹ bị điều tiếng gì, ngoài lời cảm ơn của dân làng.
Hôm rồi, mẹ gọi cả bốn anh chị em, nói sắp khánh thành đình rồi, tùy tâm ủng hộ. Cất nóc xong thì tiền thu được năm vừa qua đã cạn. Mà khánh thành đình, lấy gì mà mua sắm đồ đạc bên trong, cũng phải tươm tất tí chứ. Mẹ vừa than, vừa nhìn xa xăm ngẫm ngợi. Gớm, mẹ suy nghĩ hơn cả khi con gái làm nhà. Từ hôm đó, tận dụng lấy được ở nhà cái gì là lấy tuốt, để mang ra đình cho mọi người dùng. Từ chiếu, bát, đĩa, lọ hoa… Nói chung là tâm trí mẹ giờ đặt ở đình, chứ không còn ở nhà nữa rồi.
Tiếng gọi ơi ới ngoài cổng, chủ nhà chưa ra, đã thấy bàn tay vòng vào trong, tự mở dây khóa lạch cạch.
“Hà à, cô có nhà không em ơi?”
Giọng khách hớn hở, dù chủ nhà chưa rõ mặt ai đâu. Hà hơi cau mày:
“Mẹ em đi vắng rồi? Có việc gì thế ạ?”
Chưa kịp ra đến cổng thì khách mở xong cổng nhà. Giờ Hà mới nhìn rõ, là anh Khoa thầu xây dựng ở làng bên.
Vừa đúng lúc, mẹ về. Hai người hồ hởi gặp nhau cô cô cháu cháu. Từ lúc đình làng được xây đến bây giờ, gần như ngày nào cũng có người gọi cửa nhà Hà.
Anh Khoa đến nhà trình bày với mẹ, có ý chỉ lấy tiền nguyên liệu, còn tất cả anh em trong đội đã thống nhất, tự nguyện bỏ công sức ra xây dựng đình làng. Thôi thì người có của góp của, người có công góp công.
Mấy anh thợ xây quanh năm đầu tắt mặt tối, làm được mấy đồng mà còn ủng hộ đình làng vậy, thế mà Hà cứ cằn nhằn, tính toán suốt. Hà tự thấy ái ngại vì những ý nghĩ nhỏ nhen của bản thân. Thực ra, các anh ấy mất cả gần năm trời làm, chứ dễ gì đâu. Chắc xen kẽ cả công trình khác nữa nên vẫn bảo đảm được thu nhập.
Ngày khánh thành đình làng, nhà nhà người người hớn hở, khăn áo xúng xính, vui sướng ra mặt về đình tham dự. Giây phút cụ già nhất làng lên đọc nguồn gốc, lịch sử của làng, giọng cụ run run xúc động khiến người nghe không nén được cảm xúc. Trong không khí linh thiêng, im phăng phắc, hồi trống vang lên, lồng ngực Hà bỗng nhiên xốn xang theo. Đúng là cái tinh thần yêu làng, yêu nước nó vẫn luôn cuồn cuộn trong sâu thẳm mỗi con người. Đúng khoảnh khắc, nó bùng lên, bản thân mới hiểu mình hơn. Hà chen giữa đám đông, vào chỗ các bác đang ghi công đức, thỏ thẻ bảo ghi giúp cháu thêm 2 triệu, mặc dù hôm trước đã theo lời kêu gọi của mẹ ủng hộ đình làng 5 triệu để mua sắm đồ rồi.
***
Thoáng cái đã cuối năm. Bạn từ xa về quê ăn Tết ghé thăm nhà Hà, cứ tấm tắc khen từng góc nhỏ. Hoa lay ơn nở rực vườn. Rau mướt xanh mơn mởn. Bưởi thì lủng lẳng trĩu cành. Nhìn từ cổng vào, ngôi nhà của Hà quả thật đang ngợp sắc xuân, tràn đầy sự sống mát lành. Bạn Hà trầm trồ khen khuôn viên đẹp đẽ và rất phục vợ chồng Hà khi chăm chút được nhà cửa như vậy. Lòng vui vui, Hà cười gượng bảo do mẹ làm cả đấy, chứ hai vợ chồng lấy đâu thời gian.
Tiễn bạn xong, Hà vội chạy ra đình, vì mẹ có dặn cắt mấy bó hoa, mang ra đình để cắm trưng bày các ban thờ. Đến sân đình đã nghe thấy tiếng các ông, các bà đang họp tổng kết năm cũ và chuẩn bị cho năm mới. Hà khẽ gật chào mọi người, rồi rón rén bước vào trong, sắp xếp, lau dọn, cắt tỉa từng bông hoa.
“Chúng ta không quyết tâm, nhất trí cao thì còn lâu công trình mới hoàn thành, đẹp đẽ như thế này. Tết này, con cháu về quê ngắm đình làng tha hồ tự hào” - ông Phúc tự hào nói.
“Thật, đợi đủ tiền thì mấy đời nữa cũng chả có đình làng khang trang như thế này” - bà Liên chêm nếm vào.
Mẹ của Hà ngồi gật gù, nhâm nhi chén trà, mỉm cười mãn nguyện. Mẹ vừa tổng kết lại số tiền quỹ đình còn trong năm qua cho mọi người nghe. Hơn bảy mươi tuổi mà mẹ phân tích rành rẽ mọi khoản thu chi khiến ai nấy đều hết sức nể phục. Ông Phúc bảo, biết việc là lẽ đương nhiên, nhưng quan trọng, chả mấy người đủ tâm huyết, tấm lòng với làng như bà Xoan, dù bà chỉ là dâu của cái làng này.
Hà vừa cắm những bông hoa dơn vào bình để đặt trên ban thờ của đình, vừa nghe các ông, các bà bàn bạc, lòng dấy lên sự nể phục mẹ và mọi người, đúng là hoàn thành việc xây dựng lên cái đình khang trang như thế này không đơn giản. Quả thật, không có người nhóm lửa thì nồi cơm làm sao có thể chín.
Hà ngước nhìn ra ngoài sân đình, những bông hoa đại xòe căng như những ngôi sao sáng trắng trên cây đại nhiều năm tuổi, ngan ngát khắp sân. Những bông hoa mùa xuân đã nở thắm thiết, tươi non trên mái đình làng như trả ơn bàn tay người. Đàn chim tự động kéo nhau về khoảng trời bình yên và cất lên những âm thanh trong trẻo…
Ý kiến bạn đọc (0)