Bức tranh không hoàn hảo
BẮC GIANG - Quả là một rừng mây tuyệt mỹ! Ngân thốt lên vui sướng khi vừa đặt đồ nghề xuống. Ngân đã từng nghe nhiều đến nơi này, nhưng mọi lời miêu tả không bằng một vài giây đắm mình trong cảnh sắc tuyệt diệu này.
Cô hít hà thật sâu rồi rộn ràng vẽ, như thể đang sợ vẻ đẹp trước mắt sẽ tan biến. Ngân yêu tranh màu nước và những bức vẽ của cô bao giờ cũng đầy hào hứng, rực rỡ, dù tâm trạng cô đang bấn loạn, thậm chí tinh thần khủng hoảng. Cô gái trong tranh bước ra từ rừng mây trắng đang dần hình thành.
Minh họa: Hiền Nhân. |
Ngân đã tưới đẫm cảm xúc lên đó bằng sự kìm nén dữ dội. Chỉ hôm qua thôi, cô đến bản Hon thì trời vừa nhập nhoạng tối và nặng nề bước vào khu homestay nhỏ. Đó là nơi cô đã nhờ một người bạn đặt giúp trong lúc ngẫu hứng. Ăn uống qua quýt, cô đi nằm trong tâm trạng trống rỗng. Dự định của chuyến đi này chỉ để cho khuây khỏa, cô giam mình vào một vùng không gian để quên nỗi tủi sầu. Sáng ra, mọi thứ đã khác, thiên nhiên không cho cô cơ hội để buồn.
* * *
Chuyện của bố và mẹ đã gieo vào lòng cô những hạt mầm đau thương. Hai người thường cãi vã nhau với mức độ nghiêm trọng tăng dần. Ngân đã cố hòa giải bằng tâm tình của một cô gái yêu gia đình nhưng chưa thành. Ban đầu chỉ là những quan điểm vênh nhau, không tìm được tiếng nói chung của bố và mẹ, sau đó là sự thay đổi đến chóng mặt của bố, một người đa tình, lắm tài lẻ.
Bố là họa sĩ cá tính mà cô được thừa hưởng những tố chất ấy. Nhưng có lúc, có thể nói là bố đã nương theo cảm xúc bản thân, để rồi trượt dài trong mớ bòng bong tình tiền tréo ngoe thời hiện đại. Còn mẹ, sau quãng thời gian cam chịu, đã vùng lên. Mẹ nhủ phải đòi sự công bằng cho cuộc sống mình. Nếu trước kia, chuyện tình của bố mẹ chỉ bình thường như bao cặp đôi khác thì đã đi một nhẽ, đằng này, hai người đã viết lên một câu chuyện thật đẹp, khiến bao người ngưỡng mộ. Mà tình càng sâu, đổ vỡ càng đau.
Ngân đâu chỉ buồn vì chuyện của bố mẹ. Cô yêu và hy vọng nhiều ở mối tình với Kiên. Khi hai người chuẩn bị làm đám cưới thì vì sự bất đồng chính kiến mà đường ai nấy đi. Cô đã khóc rất nhiều và ân hận vì đã không kiềm chế, làm Kiên nổi giận. Cô xin lỗi, nói với Kiên là muốn hàn gắn mối tình này. Nhưng Kiên cương quyết rũ bỏ lời cô. Ngân không thể ngờ chỉ vài mâu thuẫn vụn vặt mà mọi thứ đã đi quá xa. Thái độ của Kiên quả là không bình thường. Ngân nghĩ. Tình cờ, cô thấy Kiên và người tình cũ của gã đèo nhau trên phố. Khớp nối các sự kiện, cho cô một kết luận: Kiên đã cố tình đùa bỡn với tình cảm của cô. May cho cô là gã đã dừng lại. Nếu gã để gia đình cô mời mọc, tính toán cỗ bàn cho đám cưới thì còn khổ ải gì hơn.
Đau đớn chất chồng, Ngân lao đầu vào vẽ. Vẽ si mê. Vẽ đến bải hoải. Cô vẽ khuôn mặt mình với nhiều góc cạnh. Bức nào cũng hun hút một ánh mắt sâu và khuôn miệng như muốn nói nhiều điều. Cô chào bán trên các hội nhóm. Thông tin lan theo cấp số nhân. Tranh chân dung cô khá đắt hàng. Dù giá không cao, nhưng vẽ xong bức nào là có người mua luôn. Ngân chìm trong thế giới sắc màu, với tầng tầng lớp lớp nỗi niềm nhân tình.
Bố cô hỏi: “Con định bán mặt mình đến bao giờ?”. Ngân không trả lời thẳng vào câu hỏi của bố. Cô thưa: “Con muốn đi tìm sự bình yên”... Từ ngày bố và mẹ ly thân, bố ở hẳn dưới xưởng vẽ và vui thú với người tình của ông. Mẹ và Ngân ở ngôi nhà chính. Ngân thương mẹ vì luôn phải cố gắng che giấu cảm xúc mình. Đến trường, mẹ vẫn phải thể hiện mình là một cô giáo đầy lạc quan, có một tổ ấm viên mãn và đang dạy tốt, sẵn sàng chia sẻ khó khăn với đồng nghiệp. Có lần, tâm sự với mẹ, Ngân nói: “Mẹ và bố mỗi người nhường nhau một chút, chắc mọi sự đã chẳng đến nỗi”.
Mẹ thở dài: “Bố con là người hiếu thắng. Ông ấy cứ một niềm cho rằng, mình có tài thì được quyền sở hữu thêm những người phụ nữ. Đó là điều không thể chấp nhận”. Ngân không thể bênh người này, phê phán người kia bởi cả bố và mẹ đều quan trọng. Cô muốn mọi chuyện lại được trở về như ngày xưa với vùng ấm êm thật sự, nên tận dụng mọi cơ hội để hòa giải mối bất hòa giữa hai người, nhưng vẫn chưa thành.
* * *
Không gian xóm núi đã rộn ràng khách. Vài cặp đôi dập dìu chụp ảnh bên những dáng cây, nếp nhà sàn. Ngân đã có một bức tranh khá ưng ý. Buổi trưa ở homestay có vài người ngồi ăn một mình. Chắc họ cũng như Ngân, đang chạy trốn điều gì đó. Buổi tối, Ngân muốn khám phá căn bếp của chủ nhà, nên xin được ngồi ở đó nướng ngô. Chủ nhà là một người đàn ông còn khá trẻ, vui vẻ và biết chơi ghita. Bếp lửa nhà sàn trở thành sân khấu của những khúc ca ngẫu hứng, được đệm đàn bởi ông chủ khu du lịch nhiều nỗi niềm. Ông chủ là người dưới xuôi, cũng trốn mối tình sâu đậm nhưng nhiều nước mắt về vùng núi này. Đất và người hào sảng giúp anh nguôi ngoai. Anh đã bén duyên với cô gái bản rồi ở lại gây dựng bản du lịch đầu tiên tại nơi này.
- Đúng là tình yêu làm đất lạ hóa quê hương, anh nhỉ?
Lời của Ngân khiến Thản - chủ homestay cười tít. Anh tự hào khoe mình đã thật yêu thiên nhiên vùng cao. Người vợ của anh hiện tại chu đáo, hòa nhã, nhân hậu, gánh vác cùng anh mọi công việc và sinh hai đứa con đẹp như tranh vẽ.
- Cơn gió nào đã đưa cô gái như em đến đây? Vùng này không nổi tiếng, nhưng ai đã biết thì đều tin rằng, ở đây có “vườn mây như ý”. Ý rằng, ai đến đây mà đứng trước rừng mây, nhìn ra thung lũng thành tâm cầu khấn về đường tình duyên, sẽ được như ý.
Ngân cười:
- Ý anh muốn hỏi là, có phải em đến đây cầu tình duyên? Em cũng không biết nữa. Lòng em rối bời, nhưng thật ấn tượng với rừng mây cũng như thiên nhiên.
Tiếng đàn mỗi lúc phiêu hơn trong màn đêm, hơi sương tràn vào khu bếp. Vài vị khách một ngồi nghe. Tiếng đàn, tiếng hát làm mọi người gần nhau. Ngân tự hỏi, có phải mỗi người đến đây chung một điểm: Ôm trong mình sự trống rỗng?. Thản cho Ngân mượn xe máy chạy đây đó. Những ngày khám phá rừng núi và thả mình trong khu homestay, với câu chuyện của Thản cho Ngân hiểu rằng, lúc nào mỗi người cũng phải đối mặt thử thách. Mỗi bản thể đều ôm chứa một câu chuyện, song con người luôn có xu thế muốn làm tổn thương nhau. Ở vùng núi xa xôi, con người quá bé nhỏ trước thiên nhiên và có những số phận không thể khổ ải hơn, thế mà họ vẫn tin ở phía ngày mai. Chuyện của Ngân chẳng là gì so với họ, thế thì hà cớ gì cô lại không thể tìm một lối thoát?.
* * *
Ý tưởng bức tranh gia đình được khơi lên. Thực ra, Ngân đã nghĩ đến từ rất lâu rồi, nhưng ý tưởng mãi chẳng rõ hình hài. Giờ đây, cô có thể tự tin trải lòng mình lên đó. Bức tranh có bố, mẹ và cô trong khung trời mùa thu kỳ diệu, giàn hoa giấy hồng đỏ quyện hòa. Mái tóc mẹ cô thật đẹp. Ngày xưa, bố cô vẫn thường khen, suốt thời thanh xuân ông mê đắm mái tóc gội bằng những thứ quả và lá cây cỏ đồng nội. Này là đôi mắt trong veo như giếng nước.
Đôi mắt đã làm đắm lòng bố Ngân, để chàng họa sĩ năm đó phải quyết tâm chinh phục bằng được. Mẹ Ngân có nụ cười sáng tươi chẳng cây cọ nào tả hết. Ngân phải yêu lắm nụ cười mẹ nên mới có thể đưa cảm xúc tận cùng vào đó. Cô may mắn được thừa hưởng khuôn miệng xinh, nụ cười tươi như hoa của mẹ. Nụ cười mà khi cơm còn lành, canh còn ngọt, bố vẫn bảo, hai mẹ con giống nhau y đúc. Bố tự hào vì lúc nào cũng được đắm chìm trong tổ ấm với hai khuôn mặt xinh tươi.
Nhưng điều gì đã làm bố thay đổi mau chóng? Ngân phải đòi bố về cho mẹ. Bức tranh này, ai nhìn vào cũng thấy niềm hạnh phúc viên mãn của ba người. Bố cô, với khuôn mặt sáng, mái tóc bồng bềnh nghệ sĩ cũng gặt hái được khá nhiều thành tựu trong sự nghiệp hội họa. Cây cọ của Ngân ngân rung những nhịp điệu của tâm hồn, đang mong mỏi về niềm hạnh phúc trìu mến mà đúng ra cô phải được hưởng. Cô chăm sóc từng chút một cho bức tranh bằng sự nhạy cảm của cô gái khao khát tình yêu.
Bất kể lúc nào, hình bóng của bức tranh cũng quấn riết cô. Nó là tất cả những gì cô có. Tranh hoàn thành, bằng một sự tính toán kỹ lưỡng, cô đã tạo dựng một đường chéo xiên, dứt khoát như chẳng có gì hối tiếc. Đường chéo xiên giống ai đó đang xé tranh làm đôi, một nửa là cô và mẹ, còn nửa bên kia là bố. Bây giờ, bức tranh giống một khung hình tuyệt đẹp bị xé đôi, tàn nhẫn, xót xa. Ai nhìn vào cũng thấy thương tâm. Ngân đặt bức tranh ở nơi mà bố cô dễ nhìn thấy.
Ông giật mình khi chứng kiến bức tranh đẹp, đang bị xé đôi. Tim ông quặn lại, đầu óc choáng váng. Ông hiểu dụng ý của con gái. Ông tự hỏi, tại sao nó có thể nghĩ ra chiêu này? Bức tranh nhắc nhở ông về hình bóng kỷ niệm bên tình yêu đẹp. Tình yêu ấy đã cho ông một người vợ tảo tần.
Ông khóc trước mặt Ngân làm cô con gái cũng trào nước mắt theo. Ngân dẫn bố lại gần tranh.
- Ngân ơi, bố xin lỗi. Bố đã sai, con ạ. Bố đã có một tình yêu đẹp. Con làm thế này, ý trách bố đã xé đôi hạnh phúc gia đình?
- Bố có thể sửa lại bức tranh.
- Ý con là, bố phải làm lại? Bố không có quyền tước đi hạnh phúc của hai mẹ con.
Hai bố con nhìn nhau. Nụ cười đã trở lại trên bờ môi và hai khóe mắt Ngân. Sau cơn mưa trời lại sáng. Người bố biết, bức tranh chỉ là cái nhìn thấy được. Ông tinh tế để nhận ra rằng, cô con gái, với sự nhạy cảm của mình, đang thôi thúc bố mẹ làm lành, hàn gắn tình cảm.
Dưới nếp nhà có giàn hoa giấy lớn và khoảng sân rộng, chim chóc múa ca trên tán khế và những thân cau. Cô gái tỉ mỉ chỉ cho ông bố tự chỉnh sửa bức tranh. Mẹ cô đang nấu ăn trong bếp. Ngôi nhà hôm nay có tiệc. Mùi ấm cúng tỏa khắp nơi.
Ý kiến bạn đọc (0)