Đức thành lập sư đoàn phòng thủ mới để ứng phó với khả năng xảy ra chiến tranh
Theo hãng tin DW của Đức, ngày 11/1, quân đội Đức xác nhận sẽ thành lập một sư đoàn bộ binh phòng thủ nội địa chuyên bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và các cơ sở quân sự chủ chốt trong nước để ứng phó cho khả năng xảy ra chiến tranh.
Theo kế hoạch, sư đoàn mới sẽ được thành lập vào giữa tháng 3, được bố trí khoảng 6.000 quân và sẽ tiếp tục được tăng quy mô quân số trong thời gian tiếp đó. Sư đoàn bộ binh mới với nhiệm vụ phòng thủ nội địa sẽ chính thức được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của quân đội kể từ tháng 4.
Quân đội Đức cho biết sư đoàn phòng thủ nội địa sẽ chịu trách nhiệm bảo vệ các cảng, cơ sở đường sắt và điểm vận chuyển hàng hóa cũng như tuyến đường ống. Ngoài ra, lực lượng này cũng sẽ bảo vệ các tuyến đường triển khai quân, cầu, trung tâm vận tải và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.
Binh sĩ Đức tham gia cuộc tập trận chung Đức - Litva mang tên "Cơn bão Griffin" tại Pabrade, Litva, ngày 26/6/2023. |
Với chức năng, nhiệm vụ như trên, sư đoàn phòng thủ sẽ giữ một vai trò đặc biệt quan trọng nếu các lực lượng còn lại của quân đội Đức được triển khai tới các quốc gia ở sườn phía Đông của NATO, chẳng hạn như Ba Lan hoặc các quốc gia vùng Baltic.
Sư đoàn này cũng đóng vai trò như một căn cứ hoạt động và trung tâm của NATO. Do đó, sư đoàn sẽ được giao nhiệm vụ đảm bảo sự an toàn đối với tài sản không chỉ với Đức mà còn với cả khối liên minh quân sự NATO trong thời điểm khủng hoảng hoặc xung đột xảy ra. Ngoài ra, sư đoàn cũng có thể được huy động để hỗ trợ trong trường hợp ứng phó với các tai nạn quy mô lớn, hoạt động tấn công khủng bố hoặc đại dịch trong tương lai.
Ngày 11/1, người phát ngôn của quân đội Đức cho biết sư đoàn này sẽ chỉ huy lực lượng của mình và các lực lượng khác nếu cần thiết như là một phần trong hoạt động bảo vệ lãnh thổ quốc gia cũng như trong thực hiện các nhiệm vụ chung của quân đội Đức tại khu vực.
Quân đội Đức hay còn được gọi là Bundeswehr hiện có hơn 260.000 nhân sự, gồm có 3 lực lượng chính gồm lục quân, hải quân, không quân, cũng như các cơ sở y tế và hỗ trợ khác. Hiện tại, quân đội Đức có 3 sư đoàn chiến đấu.
Việc bổ sung sư đoàn thứ 4 theo kế hoạch có nhiệm vụ phòng thủ sẽ đánh dấu sự tăng cường đáng kể năng lực cho Bundeswehr. Mặc dù động thái này ban đầu bị hoãn lại sau khi chính phủ liên minh Đức sụp đổ vào tháng 11/2024, nhưng công tác chuẩn bị cho việc thành lập sư đoàn mới được cho là vẫn đang khẩn trương triển khai.
Việc thành lập sư đoàn mới được dự đoán là Đức có thể huy động các sư đoàn quân đội còn lại đang có để triển khai tới biên giới bên ngoài NATO theo yêu cầu của NATO như một biện pháp răn đe hoặc để chống lại hành động xâm lược, chống phá từ bên ngoài.
Vào tháng 4/2024, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius đã ký nghị định Osnabruck – được đánh giá là bước tiến đáng kể trong việc điều chỉnh cơ cấu tổ chức của Bundeswehr. Với nghị định Osnabruck, Bundeswehr đã trải qua 4 lần tái cấu trúc kể từ khi thành lập. Ông Boris Pistorius đã ra lệnh tổ chức lại quân đội Đức để tăng cường năng lực phòng thủ bằng thông qua một bộ chỉ huy tác chiến thống nhất.
Việc thành lập sư đoàn bộ binh trên phù hợp với nghị định Osnabruck đã được ban hành, nhằm mục đích giúp nước Đức sẵn sàng chiến đấu nhất là kể từ sau cuộc chiến Nga – Ukraine. Khi cuộc chiến trên nổ ra, Bộ trưởng Quốc phòng Đức đã đề cập đến tình hình đã thay đổi và nhu cầu phải tồn tại về mặt quân sự trong một cuộc chiến tranh phòng thủ.
Mặc dù hiện tại, Đức đã có các đơn vị phòng thủ nội địa, nhưng các đơn vị này không phải là lực lượng sẵn sàng chiến đấu khi gồm lực lượng dự bị, chịu sự kiểm soát của bộ chỉ huy từ các bang. Động thái mới nhất này sẽ khiến lực lượng phòng thủ nội địa trở thành một lực lượng bán sẵn sàng chiến đấu, đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của quân đội. Sư đoàn này sẽ bao gồm cả lực lượng sẵn sàng chiến đấu và lực lượng quân dự bị.
Ý kiến bạn đọc (0)