Sắc mới Vân Sơn
BẮC GIANG - Đặt chân tới xã Vân Sơn - một vùng đất phía Đông Bắc huyện Sơn Động với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống - ai nấy đều cảm nhận được nhịp sống mới trẻ trung, tràn đầy khát vọng. Đã qua rồi cái thời đất đỏ bám đầy chân, nhà cửa lụp xụp nơi bản làng heo hút... Giờ đây, Vân Sơn đổi thay từng ngày nhờ sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự sát sao của chính quyền và trên hết là sự đồng lòng, bền chí của người dân.
Từ những đôi bàn tay trắng đến mùa màng no ấm
Lãnh đạo UBND xã Vân Sơn tự tay lái xe đưa tôi tới thôn Gà vào một buổi chiều muộn. Những cột đèn bên đường bê tông phẳng lỳ, soi rõ lối đi vào từng nóc nhà. Chưa đầy 30 phút, chúng tôi đã đến điểm dân cư xa nhất xã. Cách đây vài năm, chuyện này còn là giấc mơ xa vời. Giao thông thuận lợi đã mở đường cho những mô hình kinh tế phát triển. Có lẽ câu chuyện của ông Đặng Văn Học - một đảng viên dân tộc Dao, từng làm công an viên 18 năm - giúp tôi mường tượng hình ảnh Vân Sơn ngày ấy.
Nhiều tuyến đường ở Vân Sơn được nâng cấp. |
Ông kể: Người Dao có tập tục di canh di cư. Các cụ nhà mình ở huyện Bình Liêu (Quảng Ninh), đến đời bố mình thì ở xã Mẫu Sơn, huyện Cao Lộc (Lạng Sơn); sau đó chuyển về xã Phong Minh (Lục Ngạn), năm 1969 thì về Thạch Sơn, đến năm 1981 về định cư tại thôn Gà, xã Vân Sơn. Khi được hỏi đã quyết định định cư ở đây chưa, ông Học cười sảng khoái và nói: “Chốt rồi, không đi đâu nữa. Ở đâu cũng phải làm, phải ăn thôi”. Ông còn nhớ mãi những năm tháng khó khăn khi về định cư ở thôn Gà, đất này còn là vùng "trắng" giao thông, "trắng" điện lưới.
Nhờ các chính sách của Nhà nước như: Dự án 327, Chương trình 135, đồi núi ở Vân Sơn được phủ lên một màu xanh mới, những con đường bê tông, đặc biệt đường điện về với thôn Gà, thôn Khả năm 2004 đã nối dài ước mơ của người dân. Thông qua các chương trình mục tiêu, khuyến lâm, khuyến nông, người dân bắt tay vào canh tác keo, bạch đàn và rồi đưa những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. |
“Ngày xưa đi học chỉ đến lớp ba, lớp bốn rồi nghỉ. Đường xa, chân trần đi bộ vài cây số lại thêm đói nghèo nên phải bỏ học phụ giúp gia đình” - ông nói. Nhưng rồi, nhờ các chính sách của Nhà nước như: Dự án 327, Chương trình 135, đồi núi ở Vân Sơn được phủ lên một màu xanh mới, những con đường bê tông, đặc biệt đường điện về với thôn Gà, thôn Khả năm 2004 đã nối dài ước mơ của người dân. Thông qua các chương trình mục tiêu, khuyến lâm, khuyến nông, người dân bắt tay vào canh tác keo, bạch đàn và rồi đưa những cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Ông Học nói như tự hào thay cả bản làng: “Cây keo giờ là “vàng xanh”, không có nó bà con khó mà xây dựng nhà kiên cố, cho con cái học hành đầy đủ”.
Câu chuyện của chị Trần Thị Huyền, người phụ nữ Nùng làm chủ vườn cam 15 ha, lại là một góc nhìn khác. Chị tâm sự: “Trồng cam chẳng dễ. Phải yêu nó, hiểu nó như hiểu chính mình. Tôi dồn hết tiền bạc, công sức cho vườn cam. Nhờ học hỏi, áp dụng kỹ thuật, bình thường mỗi năm cũng thu 100 tấn cam đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, bây giờ thu nhập tiền tỷ”.
Có gia đình hai vợ chồng đều là người Tày chất phác, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi phát triển kinh tế. Gia đình đã thành công từ mô hình nuôi gà 6 ngón - giống gà bản địa đặc sản, giúp cải thiện thu nhập và bảo tồn nguồn gen quý. Từ mô hình nhỏ lẻ đã vươn lên thành lập Hợp tác xã (HTX), được sự giúp đỡ về kỹ thuật của Đại học Thái Nguyên, được Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hỗ trợ đầu tư chuồng trại, máy móc… nhiều sản phẩm của HTX đạt tiêu chuẩn OCOP trở thành câu chuyện no ấm của thôn bản.
Hay như anh Vi Văn Trường, ở xã Đại Sơn, huyện Sơn Động là một trong 6 lao động thường xuyên tại vườn bưởi da xanh được HTX Đồng Cao nuôi cơm ba bữa mỗi ngày và trả thù lao tới trên dưới 10 triệu đồng mỗi tháng. Hiện nay HTX có hai cơ sở với tổng diện tích hơn hai chục héc ta. Hầu hết các khu vườn bưởi được lắp đặt hệ thống tưới nước chủ động, nhiều diện tích được tưới nước tự động bằng công nghệ hiện đại. HTX thuê kỹ sư nông nghiệp chăm sóc vườn bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP. Mô hình này không chỉ mang về nguồn lợi kinh tế mà còn tạo nên một cảnh quan xanh mát, thu hút khách du lịch.
Nhiều hộ gia đình ở Vân Sơn từng điêu đứng vì nghèo khó khi mới từ Lục Ngạn lên đây lập nghiệp với đôi bàn tay trắng. Giờ đây các gia đình đều thuộc diện khá giả, vừa qua đã đầu tư mô hình và sản xuất thành công rượu ngô men lá Đồng Cao và đưa sản phẩm này đạt tiêu chuẩn OCOP.
Một điểm trùng khớp, ấn tượng qua các câu chuyện của người dân nơi đây đều chung một nhận định, đó là 5 năm gần đây chính quyền xã luôn sâu sát cùng người dân, lắng nghe, thấu hiểu những khó khăn, tâm tư nguyện vọng để tập trung giải quyết kịp thời…
Xây tương lai bền vững
Vân Sơn hôm nay không chỉ đẹp bởi những con đường mới, những đồi keo xanh mướt hay vườn cam trĩu quả, mà còn đẹp trong cách người dân gìn giữ hồn cốt văn hóa của mình. Trong căn nhà ấm áp, ông Đặng Văn Học nói với tôi: “Đảng quan tâm đến đồng bào các dân tộc ở đây lắm và Nhà nước cho tiền khôi phục lễ hội, dạy tiếng Dao. Chúng tôi phải giữ gìn, không để con cháu mất gốc”. Giờ đây, mỗi phiên chợ văn hóa là một ngày hội, nơi người dân tự hào bày bán thổ cẩm, trà hoa vàng, mật ong hay gà sáu ngón. Tiếng Dao hòa cùng tiếng Kinh, tiếng Tày, tiếng Nùng tạo nên một cộng đồng đoàn kết, ấm no.
Thu hoạch, phân loại cam tiêu chuẩn OCOP 3 sao tại gia đình chị Trần Thị Huyền. |
Buổi sáng tinh mơ, anh Triệu Tiến Quan sinh năm 1995, là đảng viên trẻ - Phó trưởng thôn kiêm Bí thư Chi đoàn thanh niên thôn Gà đưa tôi đi thăm các mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi. Màu xanh của keo, màu vàng của ngô và sắc cam rực rỡ của những vườn trái trải dài dưới ánh mặt trời cuối đông. Trên những sườn dốc, đồng bào Dao, Tày vẫn miệt mài bên những đám keo, vườn cam, đàn gà. Đâu đó, tiếng máy cải tạo đường vào thôn, tiếng trẻ nhỏ ríu rít bên cô giáo mầm non. Hình ảnh ấy khắc sâu trong tôi, như minh chứng hùng hồn cho tương lai tươi sáng hơn. Anh Triệu Tiến Quan chia sẻ: “Vào Đảng là trách nhiệm, là vinh dự. Tôi muốn góp sức mình để quê hương ngày một đổi mới”. Tôi cảm nhận, những người trẻ tuổi như Quan đang là niềm hy vọng, là nhịp cầu nối để bản sắc và văn minh cùng hòa quyện trong tương lai Vân Sơn.
Ông Hoàng Văn Tân, Bí thư Đảng ủy xã Vân Sơn dành cho tôi thời gian ít ỏi sau những công việc bộn bề cuối năm, nhưng khái quát: Sự thay đổi của Vân Sơn không chỉ nhờ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về kinh tế - xã hội mà còn đến từ tinh thần đoàn kết, đồng lòng của cấp ủy đảng, chính quyền và người dân. Hiện nay Vân Sơn có tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt 11,1%/năm, vượt xa chỉ tiêu 8% mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đề ra. Thu nhập bình quân đầu người từ mức 18,3 triệu đồng năm 2020 đã tăng lên gần 30 triệu đồng vào năm nay…
Khi tôi đặt bút viết về Vân Sơn, câu nói của ông Đặng Văn Học trong một đêm đông tại thôn Gà hiện lên: “Có Đảng chỉ lối, có dân đồng lòng thì quê hương nào cũng phải chuyển mình”. Và Vân Sơn hôm nay - một vùng quê tràn trề sức sống - là minh chứng thuyết phục nhất cho nhận định mộc mạc ấy. Trước thềm xuân Ất Tỵ, một niềm hân hoan lan tỏa khắp các thôn bản khi tại Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Giang lần thứ IV năm 2024 vừa qua, Vân Sơn vinh dự được nhận Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Đây không chỉ là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi mà còn là động lực mới để Vân Sơn vững bước phát triển trên chặng đường phía trước.
Ý kiến bạn đọc (0)