Hồi sinh một dòng chảy tâm linh
BẮC GIANG - Từ dòng sông Thương xuôi về, ngược theo Lục Nam trầm mặc, đoàn khảo sát của tỉnh đã lần theo dấu tích Phật giáo để phác họa hành trình “Con đường Hoằng dương Phật pháp”. Đi qua những ngôi chùa cổ, đền thiêng, cây di sản và di tích lịch sử, hành trình góp phần khơi dậy mạch nguồn thiền học Trúc Lâm, lan tỏa tinh thần nhập thế của đạo Phật Việt và mở ra kỳ vọng phát triển du lịch bền vững từ chính những giá trị văn hóa ngàn đời.
Ý tưởng theo dấu chân Phật hoàng
Chiều xuân trong trẻo, tại bến Tân Ninh (thành phố Bắc Giang), tôi theo con thuyền chở đoàn khảo sát do đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh làm Trưởng đoàn bắt đầu lướt nhẹ trên dòng sông Thương. Tham gia đoàn còn có Hòa thượng Thích Thanh Quyết, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam; lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch và đại diện một số sở, ngành, địa phương. Sự có mặt của các vị chức sắc Phật giáo, chuyên gia văn hóa và nhà quản lý trong cùng một hành trình đã tạo nên một cuộc gặp gỡ đặc biệt giữa tri thức, tâm linh và trách nhiệm phát triển.
![]() |
Hành trình khảo sát trên sông Thương. |
Tiết trời dịu nhẹ, nước sông trong xanh, gió sông mơn man lay động hàng tre hai bên bờ khiến không gian như trở về với một miền tâm linh cổ xưa. Vừa qua gầm cầu Á Lữ - cây cầu nổi bật về kiến trúc và ánh sáng - một thành viên trong đoàn cất lên câu thơ quen thuộc: “Con sông Thương nước chảy đôi dòng/Đôi bờ nghiêng bóng mẹ mong cha về”. Câu thơ như một tiếng vọng từ ký ức - mộc mạc, lắng đọng và đậm chất trữ tình. Sông Thương - dòng sông thuần Việt - là dòng tâm thức, dòng thi ca đã chảy trong hồn người Việt từ bao đời.
Ngay trên sàn thuyền, các thành viên trải rộng bản đồ, thảo luận sôi nổi. Tôi để ý các đồng chí lãnh đạo và Hòa thượng Thích Thanh Quyết rà soát từng điểm mốc như đang vạch lại một con đường cho tương lai. Đó là “Con đường Hoằng dương Phật pháp” - hành trình mà các bậc sư tổ Thiền phái Trúc Lâm từng đi qua, hun đúc tinh thần nhập thế, yêu nước, gắn đạo với đời.
Nói đến con đường ấy, không thể không nhắc đến Phật hoàng Trần Nhân Tông - bậc minh quân kiệt xuất, anh hùng dân tộc và cũng là vị Tổ sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Sau khi hai lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh bại giặc Nguyên – Mông vào các năm 1285 và 1288, ông chủ động nhường ngôi cho con, khoác áo cà sa, lên Yên Tử tu hành. Từ đó, ông truyền bá Phật pháp theo tinh thần nhập thế, đặt nền móng cho một dòng Thiền thuần Việt - kết tinh giữa Nho - Phật - Lão, phù hợp với tâm thức người Việt, gắn đạo lý với quốc gia, dân tộc.
![]() |
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Sơn, Hòa thượng Thích Thanh Quyết và đoàn công tác trong chuyến khảo sát "Con đường Hoằng dương Phật pháp". |
Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng khai sáng là một học thuyết cổ vũ con người sống tỉnh thức, yêu nước, biết buông xả danh lợi, hành đạo giữa đời thường, phụng sự cộng đồng. Chính tinh thần ấy đã lan tỏa từ Yên Tử xuống sông Lục Nam, sông Thương… bén rễ vào từng ngôi chùa cổ dọc theo hành trình hôm nay.
Từ dòng chảy tư tưởng ấy, một ý tưởng mới đã hình thành - tái hiện con đường xưa bằng một tuyến du lịch hiện đại, kết hợp giữa tâm linh, sông nước, lịch sử, văn hóa. Tuyến hành trình bắt đầu từ thành phố Bắc Giang, đi qua các đền, chùa ven sông Thương, sông Lục Nam và kết thúc bằng bộ hành lên non thiêng Yên Tử - nơi khai sáng đạo Phật Trúc Lâm, nơi giao thoa giữa đạo và đời, giữa lịch sử và hiện tại.
Những nếp thiêng bên sông nước
Hai bên bờ sông, những hàng tre rì rào trong gió xuân như chứng nhân của bao thế kỷ. Xen lẫn trong mảng xanh mộc mạc ấy là những mái chùa, đền phủ: Miếu Bà Cô với cây gạo “cô đơn” - cây di sản đỏ rực tháng Ba; đền Nguyễn Huy Tân - gắn với danh nhân và cổ thụ; đình Thanh Cảm, chùa Nguyệt, chùa Vĩnh Nghiêm, đền Tam Giang...
![]() |
Đền thờ Nguyễn Huy Tân, xã Xuân Phú, thành phố Bắc Giang. |
Đặc biệt, ngã ba Phượng Nhãn - nơi hợp lưu giữa sông Thương, sông Lục Nam và dòng Lục Đầu Giang - được ví như cửa ngõ linh mạch của hành trình. Người trong đoàn nói nhỏ: “Ba con sông gặp nhau cũng như ba căn khí trong con người gặp đạo”. Câu nói tưởng như bông đùa lại gợi mở một tầng thiền lý sâu xa: Dòng nước hợp lưu như thân - tâm - ý cùng hội tụ, tạo nên một dòng chảy mới - mạnh mẽ, tỉnh thức và đầy sinh khí.
Chính từ những cuộc đối thoại ấy, tôi cảm nhận sâu hơn về ý tưởng tái hiện con đường xưa - bằng một tuyến du lịch hiện đại, kết hợp giữa tâm linh, sông nước, lịch sử, văn hóa. Ngồi trên thuyền lúc hoàng hôn buông xuống dòng Lục Nam, mặt nước loang sắc trời tím nhạt, tôi nghĩ đến triết lý về nước trong Đạo Đức Kinh của Lão Tử: “Trong ngũ hành, nước nhỏ nhất. Người biết đạo thích cái nhỏ hơn cái nổi. Khi xuất hiện, nước thường lấy đức làm đầu. Không tranh giành, không tư lợi, là đặc điểm nổi bật của nước! Nước luôn làm lợi cho vạn vật mà không cần gì ở vạn vật; nước nguyên ở nơi thấp nhất, ẩm ướt nhất. Vì vậy trong đối nhân xử thế dù bị người khác xử ác, nước vẫn không tranh giành lợi lộc với ai. Nước bao dung, khiêm nhường, nhưng kiên định vượt qua mọi trở ngại. Mọi người chẳng có gì để oán hận với nước”.
Phẩm hạnh ấy, đâu chỉ là của nước mà chính là phẩm hạnh của bậc tu hành, của những người bước đi trong tỉnh thức. Và du lịch tâm linh trên sông - gần với nước - chính là một cách để con người đến gần hơn với cốt lõi của sự an lạc, sự tĩnh tại giữa đời sống đầy biến động.
Cũng ngay trên sàn thuyền, tôi được Hòa thượng Thích Thanh Quyết giảng giải nhiều kiến thức về Phật giáo. Nói về chùa Vĩnh Nghiêm - điểm đến thiêng liêng nhất của hành trình - Hòa thượng nhấn mạnh: “Chùa Vĩnh Nghiêm không chỉ là trường học Phật giáo, mà còn là trung tâm hành chính - đầu não của Thiền phái Trúc Lâm. Đây là nơi các vị Tổ lập giáo lý, đào tạo tăng tài, điều hành Phật sự, truyền bá tư tưởng nhập thế - dân tộc - trí tuệ”. Giá trị ấy được khẳng định qua bộ mộc bản kinh Phật, được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới - kho tàng Phật học, văn hóa và trí tuệ Việt còn nguyên vẹn đến hôm nay.
Mở lối cho một hành trình mới
Trong suốt hành trình, Hòa thượng Thích Thanh Quyết chia sẻ nhiều giá trị sâu sắc về lịch sử Phật giáo và Thiền phái Trúc Lâm, gợi mở tỉnh Bắc Giang nên tổ chức một hội thảo chuyên đề về “Con đường Hoằng dương Phật pháp”. Theo Hòa thượng, đây là một hành trình mang chiều sâu lịch sử, văn hóa và tâm linh, cần được nhìn nhận một cách hệ thống, khoa học và chiến lược.
![]() |
Đoàn khảo sát thảo luận trên bản đồ. |
Hội thảo, nếu được tổ chức, sẽ là nơi quy tụ các nhà nghiên cứu Phật giáo, các học giả lịch sử, nhà quản lý văn hóa, du lịch và các địa phương liên quan để cùng nhau làm rõ vai trò đặc biệt của con đường này trong tiến trình phát triển văn hóa dân tộc. Đó là con đường mà các bậc Tổ sư từng đi hoằng pháp, gắn đạo với đời. Đó cũng là không gian sinh tồn và hội tụ của các giá trị Phật giáo Việt Nam với tín ngưỡng dân gian, nơi tinh thần nhập thế được biểu hiện rõ nét qua từng ngôi chùa, mái đền, nếp làng. "Phải hiểu sâu thì mới gìn giữ đúng và phát triển bền. Đó là cách để phục dựng một con đường xưa bằng cả bước chân thực địa, bằng trí tuệ và tầm nhìn thời đại” – Hòa thượng nói.
Đồng tình với đề xuất của Hòa thượng Thích Thanh Quyết, đồng chí Mai Sơn khẳng định: Việc phục dựng "Con đường Hoằng dương Phật pháp" vừa mang ý nghĩa văn hóa - tâm linh sâu sắc, vừa hứa hẹn tạo ra một sản phẩm du lịch đặc sắc, có sức lan tỏa rộng, không chỉ trong phạm vi tỉnh Bắc Giang mà cả ở tầm quốc gia và quốc tế. Theo đồng chí, để hiện thực hóa ý tưởng này, cần có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều ngành, địa phương, doanh nghiệp và chuyên gia, bởi đây là một hành trình lớn, đòi hỏi sự đầu tư cả về tầm nhìn, quy hoạch và nguồn lực.
Ngồi cạnh đồng chí Mai Sơn trên thuyền, tôi tranh thủ hỏi: Sau chuyến khảo sát này, đồng chí Phó Chủ tịch sẽ ưu tiên chỉ đạo việc nào trước? Đồng chí Mai Sơn nói: “Tôi sẽ chỉ đạo việc quy hoạch tuyến du lịch này theo đúng định hướng Nghị quyết phát triển du lịch của tỉnh. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để mời gọi các nhà đầu tư. Trước mắt, tỉnh sẽ triển khai xây dựng một số bến thuyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác các sản phẩm du lịch đường sông, theo hành trình “Con đường Hoằng dương Phật pháp””.
Sau một buổi chiều, hành trình khảo sát đã khép lại, nhưng một con đường đang thực sự mở ra trong cả không gian địa lý và tư duy phát triển. “Con đường Hoằng dương Phật pháp” hôm nay không còn là ký ức khép kín trong sử sách, mà đang được đánh thức bằng tâm huyết và tầm nhìn mới - để trở thành dòng chảy kết nối lịch sử, văn hóa, tâm linh và động lực phát triển bền vững.
Bắc Giang đang từng bước biến di sản thành sức sống, biến dòng sông thành hành trình, biến một con đường xưa thành sản phẩm của thời đại, để con thuyền chở đạo, chở đời, chở khát vọng hội nhập, vững vàng xuôi ra biển lớn.
Ý kiến bạn đọc (0)