Góp sức bảo vệ môi trường
BẮC GIANG - Phát huy vai trò xung kích của tuổi trẻ, thời gian qua, tổ chức Đoàn các cấp trên địa bàn tỉnh đã thành lập và nhân rộng nhiều mô hình thanh niên tham gia bảo vệ môi trường, phòng, chống rác thải nhựa và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhiều hoạt động thiết thực
Khác với trước đây, hiện nay, đường làng, ngõ xóm tại xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) trở nên sạch sẽ, thoáng mát hơn. Có được môi trường sống trong lành như vậy nhờ đóng góp không nhỏ của lực lượng thanh niên địa phương. Trước kia, tình trạng người dân vứt rác thải sinh hoạt khá phổ biến. Khắc phục tình trạng này, Đoàn xã đã thành lập đội thanh niên tình nguyện về tuyên truyền, thu gom và xử lý rác thải. Hằng tuần, các chi đoàn tổ chức chương trình “Ngày Chủ nhật xanh” thu hút sự tham gia của đoàn viên, học sinh và người dân. Đoàn xã còn tiến hành thu gom, phân loại rác thải, phế liệu từ các hộ gia đình và xây dựng hàng chục bể rác công cộng; phát quang bụi rậm.
![]() |
Đoàn viên xã Quế Nham (Tân Yên) vận động tiểu thương tại chợ Rào chống rác thải nhựa. |
Năm 2024, Huyện đoàn Tân Yên xây dựng thành công 3 mô hình “Chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa” tại các xã, thị trấn: Cao Thượng, Quế Nham và Song Vân. Mục tiêu của mô hình là nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường. Để triển khai mô hình, Huyện đoàn phát tặng 200 làn nhựa, 400 túi vải sử dụng nhiều lần, 312 hộp nhựa đựng thực phẩm cho tiểu thương và người dân. Bên cạnh đó, đoàn thanh niên địa phương còn tái chế 40 lốp xe thành bảng tuyên truyền, tổ chức đổi 350 cây xanh lấy rác thải, thu gom 900 kg phế liệu và phát hơn 1 nghìn tờ rơi tuyên truyền.
Huyện đoàn còn phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện hướng dẫn người dân phân loại rác tại nguồn, từng bước thay đổi thói quen sử dụng túi nilon, cốc nhựa dùng một lần bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường như: Cốc giấy, túi giấy, ống hút giấy... Qua đó lan tỏa lối sống xanh tới cộng đồng, góp phần xây dựng chợ dân sinh văn minh, sạch đẹp. Bà Nguyễn Thị Vương, tiểu thương tại chợ Rào, xã Quế Nham, chia sẻ: “Tôi buôn bán ở đây hơn 10 năm. Trước kia, tôi thường dùng túi nilon để gói hàng. Từ khi được tuyên truyền và nhận túi vải, hộp đựng thực phẩm từ các cháu thanh niên, tôi bắt đầu thay đổi thói quen sử dụng. Qua đó vừa tiết kiệm chi phí, vừa giữ quầy hàng sạch sẽ”.
Tại thị xã Việt Yên, nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, Thị đoàn đã vận động đoàn viên thanh niên triển khai các mô hình khởi nghiệp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Năm 2022, khi biết anh Dương Đức Mão ở thôn Hạ Lát, xã Tiên Sơn cùng một số người dân có kế hoạch trồng cây xanh trên các ngọn đồi để hạn chế xói mòn, Thị đoàn đã phối hợp với các đơn vị liên quan hỗ trợ anh thực hiện mô hình “Trồng rừng kinh tế”, qua đó trồng hơn 7 ha quế, bồ đề, keo, bạch đàn… Anh Mão được hỗ trợ cây giống, tập huấn kỹ thuật chăm sóc. Đến nay, mô hình đã được nhân rộng ra các xã: Tiên Sơn, Trung Sơn, Nghĩa Trung, Minh Đức…
Nhân rộng các mô hình hiệu quả
Phát huy tinh thần xung kích của thanh niên gắn với các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, tổ chức Đoàn các cấp đã triển khai nhiều mô hình như: Tuyến đường “Sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh - an toàn”; chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa; đội hình tình nguyện xây dựng đô thị hiện đại, đô thị thông minh; các dự án “Rừng cây thanh niên lập nghiệp”, “Vườn ươm thanh niên”, “Vườn cây cộng đồng”; các phong trào “5 xanh”, “Chống rác thải nhựa”, “Đổi rác lấy cây xanh”, “Hành trình thứ hai của lốp xe”; tổ chức “Ngày Chủ nhật xanh” định kỳ hằng tuần và cuối tháng.
Phát huy tinh thần xung kích của thanh niên gắn với các phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, tổ chức Đoàn các cấp đã triển khai nhiều mô hình như: Tuyến đường “Sáng - xanh - sạch - đẹp - văn minh - an toàn”; chợ dân sinh giảm thiểu rác thải nhựa; đội hình tình nguyện xây dựng đô thị hiện đại, đô thị thông minh; các dự án “Rừng cây thanh niên lập nghiệp”, “Vườn cây cộng đồng”; các phong trào “5 xanh”, “Chống rác thải nhựa”, “Đổi rác lấy cây xanh”... |
Một số đơn vị tiêu biểu có cách làm hiệu quả như: Thành đoàn Bắc Giang; Thị đoàn Việt Yên; các huyện đoàn: Tân Yên, Yên Thế, Hiệp Hòa, Lục Nam, Sơn Động. Trước bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng rõ nét, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đẩy mạnh triển khai Dự án “Cứu trợ biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, kinh tế xanh, bảo đảm môi trường bền vững”. Năm 2024, đoàn thanh niên toàn tỉnh đã trồng mới gần 530 nghìn cây xanh (tăng 114 nghìn cây so với năm 2023). Điển hình như Huyện đoàn Lục Ngạn đã đăng ký nhiệm vụ trọng tâm với Huyện ủy về nội dung trồng cây xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo đó, Huyện đoàn phân bổ chỉ tiêu, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị cấp xã thực hiện, đồng thời thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc, đánh giá việc thực hiện của cấp cơ sở trong các cuộc giao ban hằng tháng. Quá trình thực hiện gắn với việc hỗ trợ phát triển kinh tế cho thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện, trong đó ưu tiên người dân tộc thiểu số. Năm 2024, các cấp bộ đoàn toàn huyện đã hỗ trợ được 45 mô hình cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, trồng mới gần 172 nghìn cây xanh với tổng giá trị làm lợi khoảng 420 triệu đồng, thu hút hơn 1.500 đoàn viên, thanh niên tham gia.
Theo anh Bùi Văn Hoàng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, ngoài các giải pháp trên, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức nhằm nâng cao nhận thức, hình thành thói quen sống xanh cho đoàn viên, thanh niên. Bên cạnh đó, xây dựng các mô hình mới, sáng tạo gắn với nhu cầu thực tế của địa phương như: Tái chế rác thải; vườn rau sạch thanh niên; trồng cây phân tán; tuyên truyền và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp xanh, ứng dụng công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả, kịp thời khen thưởng, động viên các gương điển hình góp phần lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong toàn xã hội. Đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, giám sát và kết nối cộng đồng bảo vệ môi trường. Việc phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức xã hội cũng được coi trọng nhằm huy động nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để thanh niên phát huy vai trò xung kích trong tổ chức các hoạt động bảo vệ môi trường, tình nguyện gắn với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ý kiến bạn đọc (0)