Góp phần xây đắp và gắn kết tình hữu nghị Việt - Trung
Hoạt động giao lưu quân y nói riêng, giao lưu quốc phòng biên giới nói chung giữa hai nước chắc chắn sẽ góp phần xây đắp và gắn kết hơn nữa tình hữu nghị Việt-Trung trên tuyến biên giới. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn khi có mặt tại buổi khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân hai nước khu vực biên giới Việt Nam - Trung Quốc ngày 12/4.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc, do điều kiện địa hình miền núi, dân cư phân tán, đồng bào là người dân tộc Tày, Nùng khá đông, thêm tâm lý “ngại bệnh viện” và chưa có nhiều kiến thức về chăm sóc sức khỏe nên nhiều người dân trên địa bàn huyện không thực hiện thường xuyên, định kỳ việc thăm khám để phòng ngừa bệnh tật. Sự chần chừ đó có thể làm tăng các nguy cơ bệnh tật trầm trọng hơn. Trong bối cảnh đó, chương trình khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí trong khuôn khổ Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam- Trung Quốc lần thứ 9 là hoạt động đầy ý nghĩa và thiết thực, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đối với sức khỏe của người dân, tạo cơ hội cho nhân dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng cao; được đội ngũ y sĩ, bác sĩ có chuyên môn cao trực tiếp thăm khám, hướng dẫn điều trị.
![]() |
Đoàn quân y Việt Nam và Trung Quốc cùng đại biểu dự khai mạc chương trình khám, chữa bệnh. |
Nhờ công tác truyền thông rộng rãi từ trước, sáng 12/4, tại địa điểm khám, chữa bệnh ở UBND thị trấn Đồng Đăng, hàng trăm người dân trên địa bàn huyện Cao Lộc đã tới xếp hàng chờ được khám, chữa bệnh. Số lượng người đến khá đông ngay từ đầu giờ sáng khiến một số bàn thăm khám ban đầu bị ùn tắc. Ngay sau đó, ban tổ chức nhanh chóng bổ sung bàn khám và đội ngũ y sĩ, bác sĩ, huy động cán bộ, nhân viên phục vụ và các tình nguyện viên, đồng thời tăng cường điều phối, sắp xếp, phân loại bệnh nhân. Với tổng cộng 16 bàn khám lâm sàng, 6 phòng khám cận lâm sàng, gồm các chuyên khoa: Nội khoa, ngoại khoa, sản, nhi, tai-mũi-họng, mắt, tiết niệu, X-quang, điện tim, xét nghiệm sinh hóa, xét nghiệm huyết học..., các y sĩ, bác sĩ đoàn quân y Trung Quốc và Việt Nam đã làm việc với tinh thần nỗ lực cao nhất, phục vụ tận tình bà con tới khám, chữa bệnh.
Kết thúc ngày khám, chữa bệnh đầu tiên, tổng cộng đã có 786 lượt người đến thăm khám tại điểm khám, chữa bệnh ở UBND thị trấn Đồng Đăng, hàng trăm cơ số thuốc cũng được phát miễn phí tới tay bà con.
Nhìn nhận về quá trình thực hiện công tác khám, chữa bệnh ngày đầu tiên trong chương trình phối hợp giữa lực lượng Quân y của Việt Nam và Trung Quốc, Đại tá Lưu Trường Thanh Hưng, Phó giám đốc Viện Y học cổ truyền Quân đội, trưởng đoàn quân y Việt Nam cho hay, đợt khám, chữa bệnh lần này có một số nét đặc biệt, trong đó phải kể đến việc đây là lần đầu tiên hai bên cử đoàn quân y sang khám, chữa bệnh trên lãnh thổ của nhau. Việc điều động một lực lượng lớn cán bộ chuyên môn đi thực hiện nhiệm vụ ở khu vực vùng biên và trên lãnh thổ nước bạn đòi hỏi công tác chuẩn bị phải rất chặt chẽ, từ yếu tố con người đến việc vận chuyển, bảo đảm phương tiện, máy móc xét nghiệm hiện đại cùng hàng trăm cơ số thuốc nhằm đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh. Với mong muốn bà con vùng biên giới hai nước được tiếp cận y học hiện đại cùng những phương pháp điều trị tiên tiến, đoàn quân y Việt Nam và đoàn bạn đã nỗ lực ở mức cao nhất để công tác khám, chữa bệnh được triển khai thuận lợi.
![]() |
Các bác sĩ quân y Trung Quốc và Việt Nam phối hợp khám, chữa bệnh cho bà con khu vực biên giới tỉnh Lạng Sơn. |
Nói về các thầy thuốc của Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc sang khám, chữa bệnh tại Việt Nam, Đại tá Lưu Trường Thanh Hưng cho biết: "Các y sĩ, bác sĩ Trung Quốc làm việc với thái độ rất chuyên nghiệp và nghiêm túc, thể hiện ở việc luôn có mặt trước giờ hẹn, chuẩn bị kỹ lưỡng, đầy đủ trang thiết bị phục vụ công việc, có tác phong chuẩn mực và đầy đủ tư chất của người làm nghề y. Trong quá trình thực hiện, các y sĩ, bác sĩ quân y Trung Quốc luôn thăm khám kỹ lưỡng, kết hợp hỏi han bệnh nhân một cách thân thiện nhưng cũng rất tỉ mỉ, rồi sau đó trao đổi chi tiết với các y sĩ, bác sĩ quân y Việt Nam để thống nhất biện pháp điều trị đối với từng trường hợp. Sau mỗi buổi khám, chữa bệnh, hai đoàn đều có tổ chức họp ngắn rút kinh nghiệm và thống nhất nội dung làm việc tiếp theo. Nhờ đó, công tác phối hợp khám, chữa bệnh giữa đoàn quân y hai nước diễn ra suôn sẻ, hiệu quả, để lại ấn tượng tốt, đầy thiện cảm về hình ảnh người chiến sĩ áo trắng trong lòng người dân nơi vùng biên".
Ý kiến bạn đọc (0)