'Liệt sĩ' trở về sau 45 năm lưu lạc
Năm 1987, ông Trần Văn Mỹ ở xã Tấn Mỹ, huyện Chợ Mới (An Giang) hay gặp một chàng trai gầy gò, rách rưới, vẻ mặt hiền lành đến chợ xin ăn nên thương cảm, nhận về nuôi.
Thấy chồng dắt người lạ về, bà Huỳnh Thị Hằng giãy nảy, trách chồng hành động xốc nổi. Nhưng nghe ông Mỹ kể chàng trai lang thang ngoài chợ, có vẻ mất trí nhớ, hiền khô, bà Hằng thấy tội nghiệp, xuôi theo chồng.
![]() |
Ông Tòng trong nhà bố mẹ nuôi, đầu tháng 4/2025. Ảnh: Gia đình cung cấp. |
Kể từ hôm đó, cặp vợ chồng 7 con có thêm một đứa con nuôi. Bằng chút ký ức sót lại, chàng thanh niên nói mình tên là Tòng, quê Thanh Hóa, đi bộ đội chiến đấu ở Campuchia. Hỏi tuổi tác, quê quán, đơn vị hay người thân anh chỉ biết cười, lắc đầu.
Những ngày mới về, Tòng liên tục lên cơn sốt rét. Ông Mỹ dùng bài thuốc nam, sao vàng thuốc lá, hạ thổ rồi nấu cho uống, mãi mới dứt.
Trí nhớ của Tòng chập chờn, lúc tỉnh lúc quên. Anh đi chăn bò cho bố nuôi thì mất dây thừng, đi cắt cỏ vào rẫy người ta, bị đánh, ông Mỹ phải ra mặt xin lỗi.
![]() |
Bà Huỳnh Thị Hằng (bìa trái), mẹ nuôi, trò chuyện với gia đình cha mẹ đẻ ông Tòng từ Thanh Hóa vào, tối 11/4. |
Dẫu vậy, Tòng hiền lành, chịu thương chịu khó nên các anh chị em trong nhà đều thương. ''Mấy lần ảnh đi lạc, ba tui đi kiếm khắp nơi còn mấy chị em ngồi nhà khóc hoài, chỉ sợ mất anh Tòng'', chị Kim Nam, con gái thứ tư của ông Mỹ, bà Hằng kể.
Cuộc sống nghèo khó nhưng ấm áp của cả gia đình cứ thế trôi đi. Ông Mỹ nhiều lần tìm cách làm giấy tờ tùy thân hay xin thêm tên Tòng vào sổ hộ khẩu nhà mình nhưng không được vì không có gì chứng minh thân thế.
Các anh chị em trưởng thành, lần lượt lấy vợ, gả chồng. Tòng vẫn ở vậy bên bố mẹ nuôi và người chú không vợ con. Ngày ông Mỹ mất, anh ngẩn ngơ suốt mấy tháng.
Cách đây mấy năm người chú qua đời, bà Hằng đi làm ở Bình Dương, Tòng ở nhà một mình nhang khói cho cha nuôi. Hằng ngày, người đàn ông ấy đạp xe đi làm thuê, làm mướn, chiều về lủi thủi tự cơm nước.
''Lúc nào ảnh ở nhà, bàn thờ ba tui cũng có nhang đang cháy'', chị Kim Nam nói.
Lớn lên, các cháu đều quý ông Tòng. Người đòi đón ông về ở cùng, người cho tiền, ông đều từ chối. Thỉnh thoảng có mấy đồng tiền làm thuê dành dụm được ông gửi cho những đứa cháu ở xa. Ông tính cẩn thận, gọn gàng, lại siêng năng nên chẳng phiền đến ai.
Cuộc sống yên ổn bên gia đình cha mẹ nuôi giúp sức khỏe ông Tòng dần hồi phục, trí nhớ cũng có lúc tốt hơn, dù vẫn lẫn lộn. Thỉnh thoảng, ông lại thức giấc giữa đêm đòi đi cấy hoặc tự ý lấy xe đạp ra đường.
Mấy năm nay, khi tuổi nhiều lên, ông Tòng có biểu hiện nhớ gia đình ruột thịt hơn. Bỗng một ngày gần đây, trí nhớ của ông ùa về. Ông nói tên mình là Nguyễn Thế Long, nhà gần chợ Đai, mẹ tên Cúc, anh tên Kim, quê ở xã Quảng Hải, Quảng Xương, Thanh Hóa, gần biển.
Minh Vương (19 tuổi), cháu nuôi của ông, quyết tâm tìm lại cội nguồn cho bác. Chàng trai liên hệ các kênh tìm người thân trên mạng xã hội, đồng thời tìm kiếm thông tin về xã Quảng Hải, Quảng Xương, Thanh Hóa. "Tôi nhắn tin cho công an xã nhờ tìm hiểu, xác minh", Vương kể.
Chiều 9/4, đọc được tin nhắn nhờ tìm thông tin về ông Nguyễn Thế Long, anh Hoàng Chiến, Trưởng Công an xã Quảng Hải lập tức tra cứu thông tin. Qua đoạn video Minh Vương gửi, anh xác định có một người tên Nguyễn Thế Long trong hồ sơ dữ liệu liệt sĩ, gia đình sinh sống ở địa phương.
Gia đình liệt sĩ xem video, khớp nối thông tin và xác nhận ông Tòng là người thân. Ông Long sinh năm 1959, nhập ngũ và đi chiến đấu ở chiến trường Campuchia từ năm 1976. Tháng 2/1980, giấy báo tử gửi về nói ông Nguyễn Thế Long đã hy sinh.
"Gia đình đang vào An Giang đón ông Long về trong vài ngày tới. Chúng tôi sẽ hỗ trợ làm lại giấy tờ và thăm khám sức khỏe để ông được hưởng mọi quyền lợi", Trưởng Công xã cho biết
Anh Thế Hải, 41 tuổi, con trai người anh cả của ông Long đang sống ở Hà Nội cho biết gia đình bất ngờ đến nỗi ban đầu không tin ông có thể trở về. Đại gia đình người ở quê, người ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh lập tức lên kế hoạch vào An Giang.
Sáng ngày 11/4, họ cùng đến Bình Dương gặp mẹ nuôi ông Long trước khi đến An Giang đoàn tụ. "Gia đình tôi từng nhiều lần đi tìm hài cốt chú không được hóa ra vì chú còn sống", anh Hải nói.
Sau cuộc gọi với người thân, ký ức của ông Tòng được phục hồi ngày càng nhiều. Giờ ông đã có thể tả vanh vách ngôi nhà gỗ gần biển của cha mẹ, nhớ cả tên anh chị em. Khi được hỏi ''có muốn về quê không'', ông lúc gật đầu, lúc lại hẹn đến Tết. Tối 10/4, ông đã bàn với các cháu sẽ tháo chiếc xe đạp, bỏ thùng mang về Thanh Hóa, làm ai cũng bật cười.
Nhờ video này mà anh Minh Vương đã giúp ông Tòng tìm lại được gia đình.
Ông chưa về, nhưng các con cháu, anh chị em ở An Giang đã thấy nhớ thương.
''Các cháu tui nói sẽ cử vài đứa đi cùng bác Tòng để đỡ bỡ ngỡ mấy ngày đầu về quê hương. Nếu ở quê không hợp, ảnh muốn vô An Giang chúng tôi luôn chào đón'', chị Kim Nam nói.
Ý kiến bạn đọc (0)