Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Xuân Trường: Nỗ lực không ngừng vì sức khỏe người bệnh
BẮC GIANG - Hơn 16 năm làm việc trong ngành Y cũng là thời gian bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Xuân Trường (sinh năm 1982), Phó trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) gắn bó với chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh. Với phương châm "nỗ lực mỗi ngày vì sức khỏe người bệnh", anh không ngừng học tập, nâng cao y đức, tiên phong áp dụng kỹ thuật mới trong can thiệp mạch máu não, mở ra cơ hội cho người bệnh.
Vun đắp ước mơ
Sinh ra trong gia đình có mẹ là bác sĩ, từ nhỏ Nguyễn Xuân Trường sớm biết đến những công việc của người thầy thuốc. Hình ảnh các bác sĩ khoác áo blouse tất bật cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân mà anh được chứng kiến trong mỗi lần cùng mẹ đi trực đã vun đắp ước mơ trở thành bác sĩ.
![]() |
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Xuân Trường. |
Niềm mong ước thành hiện thực khi năm 2002, anh thi đỗ chuyên ngành bác sĩ đa khoa của Trường Đại học Y Thái Nguyên. Lựa chọn được ngành học phù hợp, anh chuyên tâm vào từng bài giảng, tích lũy kiến thức. Cuối năm 2008, anh về công tác tại Khoa Thăm dò chức năng (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Từ những ngày đầu, bác sĩ Nguyễn Xuân Trường sớm khẳng định được năng lực chuyên môn, được đồng nghiệp, người bệnh đánh giá cao.
Để nâng cao trình độ, anh nỗ lực học tập, hoàn thành khóa học bác sĩ chuyên khoa I chuyên ngành chẩn đoán hình ảnh tại Đại học Y Hà Nội; tham gia khóa đào tạo tiếp nhận kỹ thuật chẩn đoán điều trị ung thư (can thiệp điều trị bội nhiễm u gan, u xơ tử cung, u phổi, u thận) tại Bệnh viện Bạch Mai, kỹ thuật can thiệp mạch máu não tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Từ năm 2015, anh được bổ nhiệm làm Phó trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh.
Những ngày mới theo học ngành Y, anh ước mơ trở thành bác sĩ ngoại khoa giỏi. Vậy nhưng khi được tiếp cận với công việc chẩn đoán hình ảnh, anh ngày càng đam mê, gắn bó bởi chẩn đoán hình ảnh được xem như cuộc khảo sát đầu tiên để kiểm tra cơ thể bệnh nhân, từ đó cung cấp những dữ kiện đầu tiên giúp các bác sĩ lâm sàng có hướng xử trí phù hợp.
"Để nâng tầm chẩn đoán hình ảnh, quá trình thực hiện nhiệm vụ, tôi cùng đồng nghiệp không ngừng học tập, nâng cao trình độ. Từ việc chỉ đơn thuần đưa ra kết quả chẩn đoán bệnh thông qua hình ảnh chụp, chiếu, siêu âm, chúng tôi - những kỹ thuật viên chẩn đoán hình ảnh trực tiếp triển khai nhiều kỹ thuật khó tại phòng can thiệp mạch máu não", bác sĩ Nguyễn Xuân Trường chia sẻ.
Tiên phong ứng dụng kỹ thuật ít xâm lấn
Chiều muộn ngày cuối tuần, tại hành lang khu vực can thiệp mạch máu não, người thân, bạn bè của bà Nguyễn Thị Trung (56 tuổi), trú tại xã Trung Sơn (thị xã Việt Yên) nén lòng chờ đợi. Ánh mắt họ lo lắng nhìn nhau và cùng cầu mong cho người thân bình an. Bên trong phòng phẫu thuật, bác sĩ Nguyễn Xuân Trường cùng đồng nghiệp mặc bộ áo chì nặng gần 5 kg để chống tia bức xạ vẫn đang tập trung quan sát hình ảnh trên máy để di chuyển dụng cụ vào mạch não mỏng manh của bệnh nhân. Chỉ một sai sót nhỏ, mạch máu vỡ là bệnh nhân sẽ tử vong.
![]() |
Sau mỗi ca can thiệp, bác sĩ Nguyễn Xuân Trường (đứng bên trái) đều trực tiếp theo dõi quá trình hồi phục của người bệnh. |
Theo bệnh án, bà Trung đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám với triệu chứng đau đầu kèm đau mỏi vai gáy. Qua chụp cắt lớp vi tính mạch máu não, các bác sĩ phát hiện một túi phình động mạch cảnh. Nhận thấy vị trí, kích thước và hình thái túi phình có nguy cơ vỡ cao, bác sĩ Nguyễn Xuân Trường lập tức “kích hoạt” quy trình cấp cứu, tiến hành hội chẩn cùng chuyên gia Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Rất nhanh chóng, quyết định can thiệp đặt stent thay đổi dòng chảy để điều trị các túi phình mạch máu não cho bệnh nhân được đưa ra. Sau hơn 2 giờ, bác sĩ Trường cùng các đồng nghiệp đã đặt thành công stent, bệnh nhân dần hồi tỉnh.
Với tôi, công tác chuyên môn chỉ có điểm khởi đầu bởi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, các mặt bệnh cũng ngày càng phức tạp. Vì vậy, tôi cũng như các đồng nghiệp phải luôn nỗ lực tiếp thu kỹ thuật mới để giúp người dân được thụ hưởng những dịch vụ y tế chất lượng ngay tại cơ sở”.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Trường
|
Theo lời bác sĩ Trường, đặt stent chuyển dòng là biện pháp can thiệp chủ động giúp hạn chế dòng chảy của máu vào túi phình giúp túi phình giảm kích thước dần dần và mất hẳn, giảm tối đa nguy cơ vỡ. Đây là kỹ thuật khó và chuyên sâu, yêu cầu độ chính xác tuyệt đối, chỉ thực hiện được tại các bệnh viện có trang thiết bị hiện đại và đồng bộ. Đây là một trong số ca can thiệp kéo dài, căng thẳng mà anh cùng đồng nghiệp đã triển khai.
Bác sĩ Trường kể, sau thời gian dài chuẩn bị, cử một kíp tham gia lớp đào tạo và được cấp chứng chỉ về can thiệp mạch máu não do các chuyên gia, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trực tiếp hướng dẫn, ngày 2/4/2024 đánh dấu bước tiến mới trong công tác chuyên môn của Bệnh viện Đa khoa tỉnh khi lần đầu tiên thực hiện cấp cứu tái thông mạch, khôi phục dòng chảy mạch máu não cho một bệnh nhân 66 tuổi. Đây là thủ thuật ít xâm lấn được thực hiện bằng cách sử dụng ống thông đồng trục và siêu dây dẫn (có gắn camera và vật liệu chuyên dụng) đưa vào lòng mạch máu não.
Từ ca đầu tiên, đến nay, bác sĩ Nguyễn Xuân Trường cùng ê kíp can thiệp của Bệnh viện đã thực hiện thành công hơn 40 ca can thiệp mạch máu não, mỗi một ca bệnh lại có những đặc điểm, thử thách khác nhau. Ví như trường hợp nam bệnh nhân 32 tuổi ở xã Cẩm Lý (Lục Nam) bị đột quỵ xuất huyết não do vỡ túi phình động mạch thông trước. Nhờ phán đoán chính xác tình trạng, đưa ra phương án tối ưu, chỉ trong khoảng 1 giờ, ê kíp đã đưa các dụng cụ can thiệp từ động mạch đùi lên đoạn mạch não bị tổn thương, tiếp cận túi phình động mạch thông trước và thực hiện cầm máu túi phình bằng kỹ thuật nút coil dưới hệ thống chụp mạch số hóa xóa nền. Hay như chỉ trong 30 phút, kíp can thiệp mạch máu não và gây mê hồi sức của Bệnh viện đã kịp thời tiến hành lấy huyết khối động mạch máu giữa bên phải của bệnh nhân nữ 51 tuổi ở xã Nghĩa Trung (thị xã Việt Yên) hai lần đột quỵ não liên tiếp trong một ngày, giúp bệnh nhân qua cơn nguy kịch.
"Thời gian tới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp tục cử bác sĩ Nguyễn Xuân Trường cùng ê kíp can thiệp mạch máu não của Bệnh viện đi học tập, tiếp nhận những kỹ thuật khó hơn, chuyên sâu trong can thiệp mạch máu não như: Điều trị ổ dị dạng, thông động, tĩnh mạch màng cứng; thông động mạch cảnh xoang hang; đặt stent động mạch chủ... Khi những kỹ thuật này được triển khai, cơ bản các ca đột quỵ sẽ không phải chuyển tuyến" - bác sĩ Vũ Thanh Giang, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết.
Chỉ có điểm khởi đầu
Những năm qua, bác sĩ Nguyễn Xuân Trường luôn tích cực tìm tòi, nghiên cứu khoa học, áp dụng những kỹ thuật mới, chuyên sâu vào thực hiện nhiệm vụ, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Đến nay, anh cùng đồng nghiệp triển khai thành công các kỹ thuật can thiệp mạch máu não, đặc biệt là trong điều trị đột quỵ não cấp như: Kỹ thuật can thiệp lấy huyết khối động mạch não dưới hướng dẫn của chụp mạch máu số hóa xóa nền; kỹ thuật nong và đặt stent hẹp động mạch nội sọ; kỹ thuật nong và đặt stent chuyển hướng dòng chảy với các túi phình lớn cổ rộng...
![]() |
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao danh hiệu "Công dân Bắc Giang ưu tú" cho bác sĩ Nguyễn Xuân Trường. |
Nói về những kỷ niệm làm nghề, anh chia sẻ: "Trước Tết Nguyên đán vừa rồi, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi chúc Tết từ gia đình bệnh nhân Nguyễn Văn Lâm (66 tuổi) ở xã Nghĩa Hưng (huyện Lạng Giang). Đây là bệnh nhân đầu tiên tôi thực hiện can thiệp do bị nhồi máu não. Qua điện thoại, tôi biết bệnh nhân hồi phục tốt, sức khỏe ổn định. Với những người làm nghề Y, đó là món quà ý nghĩa nhất".
Trong nghiên cứu khoa học, anh giành giải Ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang lần thứ 10 năm 2023 với đề tài "Đánh giá hiệu quả điều trị nút mạch hóa chất trong điều trị ung thư biểu mô tế bào gan tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ tháng 8/2018-12/2021". Ghi nhận những cống hiến, đóng góp của anh, năm 2024, anh vinh dự là 1 trong 9 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng danh hiệu “Công dân Bắc Giang ưu tú”.
“Tôi rất xúc động khi được trao tặng danh hiệu cao quý này. Đây là niềm tự hào, đồng thời cũng gắn với trách nhiệm phải làm gì tốt hơn nữa để chăm sóc sức khỏe người dân, góp phần xây dựng quê hương... Công tác chuyên môn của các y, bác sĩ chỉ có điểm khởi đầu bởi khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển, các mặt bệnh cũng ngày càng phức tạp. Vì vậy, tôi cũng như các đồng nghiệp liên tục tiếp thu kỹ thuật mới để giúp người dân địa phương được thụ hưởng những dịch vụ y tế chất lượng ngay tại cơ sở”, bác sĩ Nguyễn Xuân Trường nói.
Ý kiến bạn đọc (0)