Cây xoài Bạc Liêu hơn 340 tuổi với truyền thuyết hổ ba chân
Cây xoài di sản hơn 340 tuổi tại xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu gắn với truyền thuyết hổ ba chân, thu hút du khách đến chiêm ngưỡng.
Tọa lạc tại ấp Biển Tây B, cây xoài cổ thụ thuộc quản lý của Ban trị sự miếu Huỳnh Thiên Thượng Đế và hiện ra hoa, cao hơn 15 m, tán rộng khoảng 300 m2, phủ bóng mát cả một khu vực. Với đường kính gần 2 m, gốc xoài phải 5-6 người lớn ôm mới kín.
![]() |
Cây xoài cổ hiện đang ra hoa, xanh tốt. |
Theo Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu, năm 1680, các lưu dân Trung Quốc thời nhà Minh không phục nhà Thanh đã di cư đến các vùng ven biển miền Tây như Hà Tiên, Rạch Giá thuộc tỉnh Kiên Giang; tỉnh Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu.
Gia đình cha mẹ ông Lý Kỳ Kia cũng nằm trong hoàn cảnh đó, đến vùng đất Ấp Biển Tây B, xã Vĩnh Trạch Đông ngày nay định cư và đã thấy cây xoài lớn hơn một người ôm.
Nơi đây là vùng ven biển nước mặn nhưng ở dưới gốc cây xoài có mạch nước ngọt ngầm giúp cho cây xanh tốt quanh năm. Người dân cũng đào hố để lấy nước ngọt sinh hoạt. Đến nay, cây xoài này có tuổi thọ khoảng 344 năm.
Cuối thế kỷ 17, nơi đây là rừng rậm, cỏ dại mọc hoang sơ, có một con cọp (hổ) được người dân tôn là thần hổ và cứ đến ngày 28/7 âm lịch người dân cúng cho con vật một con heo sống ở gần gốc cây xoài để cầu bình an. Về sau thấy con hổ mất một chân do mắc bẫy, nên người dân cúng cho hổ một con heo đã được mổ sẵn.
Ông Trần Chí Quang, 72 tuổi, một trong những người chăm sóc cây xoài, cho biết thường xuyên dẫn khách tham quan cây xoài và kể họ nghe về truyền thuyết hổ ba chân.
Theo ông, khi còn nhỏ ông thường nghe bà ngoại kể về truyền thuyết này. Lúc đó, con hổ thường đi săn vật nuôi của dân, bắt người, nên các vị lớn tuổi trong làng lập ngôi miếu thờ dưới gốc cây xoài.
Các năm sau người dân đều cúng lễ vật, hổ vẫn đến mang heo vào rừng, cuộc sống người dân ổn định. Tuy nhiên, có một năm khi dân mang heo đến cúng, hổ chưa đến nhận thì một người dân đến trộm.
Ngay trong đêm, con hổ tìm đến nhà, đi vòng quanh gầm gừ giận dữ. Kẻ trộm lo sợ nên đi mua con heo khác mang đến gốc xoài trả lại cho hổ. Từ đó, người dân địa phương không còn thấy hổ xuất hiện bắt heo nữa.
Sau này không còn thấy con hổ xuất hiện, người dân nơi đây không cúng nguyên con heo mà chỉ cúng một đầu heo luộc chín. Việc cúng lễ vật cho thần hổ đã trở thành tín ngưỡng dân gian của người dân địa phương, được tổ chức thường niên gần gốc cây xoài.
Năm 2015, chính quyền xã Vĩnh Trạch Đông và Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam lấy da cây xoài về phân tích và công nhận là Cây di sản Việt Nam. Đây là cây xoài cổ thụ có tuổi thọ lớn nhất vùng Đồng bằng sông Cửu Long, được TP Bạc Liêu chăm sóc, bảo tồn, phục vụ khách du lịch đến tham quan.
![]() |
Thân cây xoài phải 5-6 người ôm mới xuể. |
Từ khi địa phương công bố cây xoài đã sống trên 300 năm và lắp đặt biển chỉ dẫn đường đến cây xoài, nhiều du khách đã tìm đến. Những chuyện thêu dệt mang tính kỳ bí được truyền tai nhau nhiều hơn. Một số người tự gán cây xoài có khả năng "chữa bệnh", từ đó khách thập phương tìm đến cạo vỏ đem về nấu nước uống.
"Họ nói vỏ cây xoài có khả năng chữa bệnh xương khớp, rồi đến cạo vỏ mang về làm cây yếu dần. Thấy cây có biểu hiện suy yếu nên chúng tôi mới cấm, không cho cạo nữa", ông La Văn Lự, một trong những người được giao chăm sóc cây xoài, cho biết.
Cũng theo ông Lự, thời điểm cây xoài được công nhận cây di sản, du khách đến tham quan, check in rất đông, nhất vào dịp lễ Tết, có lúc cả nghìn người. Theo thời gian, du khách đến tham quan thưa dần, lúc cao điểm khoảng 100 người mỗi tháng.
Dù đã hơn 300 năm, nhưng hằng năm cây vẫn ra hoa đều và sai trái, có mùa thu hoạch đến vài trăm ký. Trái xoài to bằng quả cóc, dính với nhau thành từng chùm nên người dân nơi đây gọi là xoài cóc. Lúc còn xanh, trái có vị chua nhiều nhưng khi chín lại ngọt và thơm.
Ý kiến bạn đọc (0)