Bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Bắc Giang khuyến cáo: Người dân nên từ bỏ thuốc lá hoàn toàn
BẮC GIANG - Trước tính chất độc hại của thuốc lá đối với sức khỏe, Bệnh viện Ung bướu Bắc Giang đã tích cực triển khai chương trình phòng, chống tác hại của thuốc lá tại bệnh viện. Thực tế cho thấy bệnh ung thư có liên quan đến thói quen hút thuốc lá của nhiều người.
Tích cực truyền thông, ngăn ngừa tác hại
Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thị Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Công tác truyền thông và các biện pháp nhằm giảm thiểu, ngăn ngừa tác hại của thuốc lá luôn được Ban Giám đốc và các khoa, phòng quan tâm thực hiện. Bệnh viện đã kiện toàn ban chỉ đạo phòng, chống tác hại của thuốc lá, tổ chức các buổi tập huấn về tác hại của thuốc lá cũng như phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực này cho toàn thể viên chức, người lao động trong bệnh viện. Các biện pháp này bảo đảm để đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế hiểu rõ hơn về tác hại cũng như thực hiện đúng luật phòng chống tác hại của thuốc lá”.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Huyền kiểm tra sức khỏe bệnh nhân ung thư phổi đang được điều trị tại bệnh viện. |
Các biển cấm hút thuốc được gắn tại hành lang nơi tập trung đông người qua lại, kết hợp tổ công tác xã hội của bệnh viện phát loa tuyên truyền cho người bệnh, người nhà người bệnh hiểu được tác hại của thuốc lá. Bệnh viện đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ, đưa tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chí thi đua của viên chức, người lao động; thường xuyên giám sát việc thực hiện môi trường không khói thuốc trong bệnh viện. Đồng thời, thực hiện nghiêm quy định cấm quảng cáo, khuyến mãi, tài trợ của các công ty sản, xuất, kinh doanh sản phẩm thuốc lá; không bày bán thuốc lá trong khuôn viên hoặc căng tin bệnh viện.
Đối với các khoa có người bệnh, lãnh đạo khoa thường xuyên lồng ghép các buổi họp hội đồng người bệnh kết hợp tuyên truyền cho người bệnh và người nhà người bệnh nắm được tác hại của việc hút thuốc lá đồng thời gắn các biển cấm hút thuốc trong buồng bệnh và hành lang của khoa. Những việc làm đó cũng góp phần giảm đáng kể người bệnh và người nhà người bệnh hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện. Tất cả vì một môi trường không khói thuốc.
Tuy nhiên, do hút thuốc với nhiều người đã trở thành một thói quen lâu năm nên việc từ bỏ thuốc lá không hề dễ dàng. Theo bác sĩ tại bệnh viện, vẫn còn một số người bệnh và người nhà người bệnh lén hút thuốc trong khuôn viên bệnh viện mà chưa thật sự từ bỏ được. Sau các đợt điều trị tại bệnh viện, không ít người vẫn tái hút thuốc khi trở về gia đình. Điều này ít nhiều cũng làm ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả điều trị.
80% bệnh nhân ung thư phổi từng hút thuốc lá lâu năm
Qua theo dõi tình hình bệnh nhân, các bác sĩ cho biết, tỷ lệ chung về mắc ung thư ngày một gia tăng và bệnh nhân ung thư có xu hướng ngày càng trẻ hóa. Tại bệnh viện Ung bướu tỉnh Bắc Giang, số bệnh nhân điều trị nội trú tăng hằng năm. Năm 2021 là 8.987 lượt, năm 2022 là 13.641 lượt, năm 2023 có 14.737 lượt, riêng 9 tháng đầu năm 2024 đã có 12.266 lượt bệnh nhân; công suất sử dụng giường bệnh luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch giao.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trưởng Khoa Nội I của bệnh viện cho biết, các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng hút thuốc lá là nguyên nhân gây ra một số bệnh ung thư, trong khói thuốc lá chứa hơn 7 nghìn hóa chất, trong đó có khoảng 70 hóa chất có thể gây bệnh ung thư, 80% nguyên nhân đẫn tới ung thư phổi, 75% nguyên nhân dẫn tới ung thư vòm, thanh quản - hạ họng là có hút thuốc, ngoài ra phụ nữ có thai hít phải khói thuốc lá là một trong các nguyên nhân dẫn tới sinh non, trẻ nhẹ cân hoặc trẻ mắc dị tật sau sinh, những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cao gấp 20 lần những người không hút thuốc.
Theo thống kê số bệnh nhân thường xuyên điều trị tại khoa hằng ngày (bình quân 110 người) trong đó số lượng người mắc ung thư phổi chiếm khoảng 20-25% tổng số bệnh nhân, một tỷ lệ khá cao so với các loại bệnh ung thư khác.
Ông Đào Văn Đ. (SN 1965) ở xã Ngọc Sơn (Hiệp Hòa) đang phải truyền hóa chất điều trị ung thư phổi cho biết vào tháng 11/2023 khi thấy bị ho, mệt mỏi nhiều, cân nặng sút 6 kg, ông đến Bệnh viện Ung bướu Bắc Giang khám. Các bác sĩ cho biết ông đã mắc ung thư phổi giai đoạn 4, di căn phổi đối bên và di căn tuyến thượng thận. Trước đó, ông Đ từng hút thuốc lá hơn 20 năm, mỗi ngày khoảng 1 bao (20 điếu). Khi bị bệnh ông đã bỏ thuốc, tuy vậy hậu quả đối với sức khỏe thì đã quá nghiêm trọng. Qua 6 đợt điều trị nay sức khỏe của ông đã dần ổn định hơn, lên được 6 kg, trở về cân nặng ban đầu.
Cùng buồng bệnh với ông Đ, ông Trần Văn Q. (SN 1956) ở xã Hồng Giang (Lục Ngạn) bị ung thư hạ họng - thanh quản, tái phát tại chỗ sau xạ trị nay phải truyền hóa chất. Ông Quang cho biết đã hút thuốc lá từ năm khoảng 19 - 20 tuổi, lúc nhiều có ngày ông hút cả bao; sau này ông hút cả thuốc lá lẫn thuốc lào cho đến khi phát hiện bệnh.
Phải cắt dây thanh quản, vĩnh viễn mất khả năng giao tiếp bằng lời nói, ông Nguyễn Ngọc L. (SN 1964) ở xã Nam Dương (Lục Ngạn) cũng nằm viện điều trị hóa chất nhiều đợt theo phác đồ của bác sĩ. Ông được người nhà sắm cho chiếc điện thoại thông minh, mỗi khi cần trao đổi với mọi người ông phải dùng bút viết lên màn hình cảm ứng. Ông L. cũng từng hút cả thuốc lá lẫn thuốc lào khoảng 30 năm trước khi phát hiện bệnh.
Xây dựng môi trường sống trong lành vì sức khỏe
Theo các bác sĩ, tại đây, nhiều bệnh nhân cho biết họ cũng nhận thức được thuốc lá có hại cho sức khỏe, song vì khi còn trẻ, thể chất và sức chống chịu bệnh tật còn tốt nên hầu như họ không nhận ra những thay đổi tiêu cực của cơ thể.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thị Thanh Huyền nhấn mạnh, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào cũng đều chứa chất độc hại. Theo tổ chức này, hằng năm trên thế giới có khoảng 8 triệu ca tử vong liên quan đến hút thuốc lá, trong đó có khoảng 1 triệu ca do hút thuốc lá thụ động. Những người hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư phổi cao gấp 20 lần so với những người không hút thuốc. Những người hít phải khói thuốc lá (hút thuốc lá thụ động) cũng chịu các tác nhân gây ung thư tương tự như những người trực tiếp hút thuốc. Trước những tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe, người dân nên từ bỏ thuốc lá hoàn toàn vì sức khỏe của bản thân và gia đình cũng như những người xung quanh, xây dựng môi trường sống trong lành, giảm tác nhân gây bệnh tật.
Ý kiến bạn đọc (0)