Để hội làng ngày càng cuốn hút
BẮC GIANG - Mỗi dịp xuân về, nhiều thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh lại tưng bừng mở hội. Tại nhiều lễ hội đã khôi phục nghi lễ truyền thống, trò chơi dân gian thể hiện nét văn hóa đặc trưng, tạo sức hấp dẫn, thu hút nhân dân và khách thập phương tham gia.
Đậm sắc màu văn hóa truyền thống
Mùng 4 và 5 Tết vừa qua, người dân 8 tổ dân phố (thuộc làng Giã cổ), thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) náo nức dự hội đình, chùa Giã. Sau lễ dâng hương, lễ tế truyền thống tưởng nhớ hai vị thần Cao Sơn - Quý Minh và những người có công, lễ hội sôi nổi với phần thi kéo co, nấu cơm niêu, bịt mắt bắt vịt, đập niêu đất, bóng chuyền hơi.
![]() |
Trò chơi bịt mắt bắt vịt trên cạn tại lễ hội đình, chùa Giã, thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) thu hút nhiều người tham gia, cổ vũ. |
Ở cuộc thi nấu cơm niêu, mỗi đội gồm một đôi nam - nữ gánh niêu cơm vừa đi vừa nấu cơm trong thời gian do Ban tổ chức quy định. Chị Nguyễn Thị Thúy Lan ở tổ dân phố Hòa Sơn, giành giải Nhất chia sẻ: “Dù phần thưởng không lớn nhưng hầu như năm nào tôi cũng tham gia lễ hội và thi thổi cơm để góp phần tạo không khí vui tươi và giữ gìn phong tục đẹp”. Trò chơi bịt mắt bắt vịt trên cạn thu hút nhiều thanh, thiếu niên tham gia. Trong vòng tròn được quây bằng tấm phên tre thả 2 con vịt, mỗi lần có 3 người chơi, chỉ cần bắt được 1 con là được thưởng. Tiếng cổ vũ, tiếng cười không ngớt khiến không khí thêm rộn rã.
Ông Lương Thái Long, Phó Ban Quản lý di tích, Trưởng Ban tổ chức lễ hội đình, chùa Giã cho biết: “Mong muốn tạo dấu ấn với nhân dân và du khách, hằng năm, chúng tôi duy trì những nghi lễ truyền thống và trò chơi dân gian trong lễ hội. Qua đó mọi người cùng hòa mình vào không khí vui tươi, rèn luyện thêm những phẩm chất, kỹ năng phục vụ học tập và lao động, cuộc sống”.
Hằng năm trên địa bàn tỉnh diễn ra gần 800 lễ hội, tập trung vào mùa xuân và phần lớn do cấp xã, thôn tổ chức. Một số địa phương có nhiều lễ hội như huyện Tân Yên, Lạng Giang và TX Việt Yên. Nhiều lễ hội đã khôi phục được những nghi lễ đặc sắc, trò chơi dân gian độc đáo. |
Thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), hằng năm trên địa bàn tỉnh diễn ra gần 800 lễ hội, tập trung vào mùa xuân và phần lớn do cấp xã, thôn tổ chức. Một số địa phương có nhiều lễ hội như huyện Tân Yên, Lạng Giang, TX Việt Yên. Nhiều lễ hội đã lưu giữ, khôi phục được nghi lễ đặc sắc, trò chơi dân gian độc đáo tạo sức hấp dẫn, thu hút nhân dân và du khách thập phương. Đơn cử như nghi lễ rước Thánh tại lễ hội đền Dành; tế ngựa tại hội đình Vồng (Tân Yên); rước nước tại lễ hội Tiên La (TP Bắc Giang); rước kiệu, múa sinh tiền tại hội Thổ Hà (TX Việt Yên); tục giã bánh giầy dâng lễ tại hội đền Tiên La, xã Đức Giang (TP Bắc Giang); hội làng Dương Quan Hạ, xã Dương Đức (Lạng Giang)…
Đặc biệt, tại lễ hội tổ dân phố Tân Phượng, phường Tân Mỹ (TP Bắc Giang) nhiều năm nay đã khôi phục tục tế ông Lang với việc các gia đình, dòng họ, tổ chức, đơn vị nuôi lợn đen (gọi là ông Lang để tỏ lòng thành kính) cúng vị thần tên là Hoàng Phó Lang, vị quan thời Lê có công khai hoang, xây dựng làng. Ngày hội, các gia đình, dòng họ rước “ông Lang” ra nghè và đền trong tiếng chiêng, trống rộn ràng và làm lễ tế trang trọng cầu mong thần thánh phù hộ cho dân làng bình an, mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, làm ăn phát đạt.
Sau khi dâng cúng, các "ông Lang" được mang thịt khao làng và một phần chia cho các gia đình thụ lộc. Chính nhờ nét đặc sắc này mà lễ tế “ông Lang” có sức hút rất lớn. Con em địa phương dù làm ăn nơi xa và khách thập phương dịp này cũng về thắp hương dâng lễ, có ý thức gìn giữ phong tục địa phương; khích lệ, động viên lớp trẻ chăm chỉ học hành, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của quê hương.
Tăng sức hấp dẫn cho hội làng
Hội làng là dịp người dân thể hiện lòng thành kính, tưởng nhớ người có công với nước, với dân thông qua nghi lễ thờ cúng thần thánh, đồng thời để vui chơi giải trí sau một năm vất vả mưu sinh. Bên cạnh ý nghĩa tâm linh, hướng về nguồn cội, lễ hội giúp mọi người gắn bó với nhau hơn nhờ các hoạt động cộng đồng. Trong lễ hội, người dân địa phương có trách nhiệm đóng góp sức người, sức của, cùng nhau tham gia trình diễn, sáng tạo, thưởng thức và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Hội làng được chia ra hai phần: Phần lễ trang trọng, tôn nghiêm; phần hội vui nhộn, sôi nổi.
![]() |
Các gia đình, hội, nhóm, cơ quan tại tổ dân phố Tân Phượng, phường Tân Mỹ (TP Bắc Giang) rước "ông Lang" về nghè làm lễ tế trong hội làng. |
Hằng năm, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), các huyện, TX, TP chỉ đạo việc tổ chức lễ hội xuân bảo đảm an toàn, phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và phong tục tập quán tốt đẹp của địa phương. Theo ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL, các cấp, ngành đã chỉ đạo, hướng dẫn đơn vị ở cơ sở tổ chức hội làng gắn với truyền thống, khai thác giá trị, bản sắc văn hóa để bảo tồn và phát huy, đem đến không khí, niềm vui mới cho người dân, cộng đồng; người dân được sinh hoạt và thưởng thức văn hóa truyền thống của dân tộc. Việc tổ chức lễ hội cần chọn lọc, tiết kiệm song vẫn bảo đảm trang trọng, hiệu quả, giảm chi phí từ ngân sách và tăng cường huy động xã hội hóa.
Tại huyện Lạng Giang dịp đầu xuân diễn ra nhiều lễ hội truyền thống. Ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Để việc tổ chức nghi lễ và các trò chơi trong ngày hội đa dạng nhưng lành mạnh, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn hướng dẫn thôn, tổ dân phố phối hợp với ban quản lý di tích đề ra các quy định cụ thể, không để xảy ra hoạt động biến tướng. Lực lượng chức năng địa phương thường xuyên kiểm tra, kịp thời ngăn ngừa vi phạm.
Đánh giá của Sở VHTTDL, những năm gần đây, nhất là dịp Xuân Ất Tỵ 2025, các địa phương trong tỉnh quan tâm phát huy vai trò tự quản của cộng đồng, huy động hiệu quả nguồn lực xã hội hóa cho việc tổ chức lễ hội; bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp; khôi phục các nghi lễ, trò chơi dân gian tạo nên bản sắc riêng. Các trò chơi đều mang ý nghĩa rèn luyện sức khỏe, khuyến khích tinh thần thượng võ, tăng cường sự đoàn kết xóm làng, đồng thời thể hiện nét tài hoa, khéo léo của người nông dân. Cùng với nhân dân trong vùng, đông đảo du khách thập phương cũng hòa mình vào không gian lễ hội sôi động, đậm sắc màu. Qua đó ý thức giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa của người dân được nâng lên rõ rệt. Nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp được khơi dậy, góp phần vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở.
Ý kiến bạn đọc (0)