Đầu tư hạ tầng, nâng chất lượng y tế vùng khó khăn
BẮC GIANG - Cùng với các nguồn vốn hỗ trợ, các địa phương trong tỉnh huy động nhiều nguồn lực đầu tư sửa chữa, xây mới trạm y tế tại địa bàn đặc biệt khó khăn. Cơ sở vật chất khang trang, chất lượng cán bộ nâng lên giúp đồng bào được chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Địa chỉ tin cậy của đồng bào
Phúc Sơn là xã đặc biệt khó khăn với hơn 2,2 nghìn nhân khẩu, cách trung tâm huyện Sơn Động hơn 30 km. Trước đây lượng bệnh nhân đến Trạm Y tế xã Phúc Sơn khám không nhiều, trung bình mỗi ngày 5-6 trường hợp, chủ yếu là người già, trẻ nhỏ và bệnh nhân điều trị ngoại trú. Nguyên nhân một phần do Trạm được xây dựng từ năm 2008 đã xuống cấp, tường bong tróc, nền sụt lún, thiếu một số trang thiết bị y tế. Tháo gỡ khó khăn này, từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á, năm 2024, Trạm Y tế xã Phúc Sơn được đầu tư 2,7 tỷ đồng để sửa chữa với các hạng mục chính gồm: Sơn, lát nền, thay cửa, làm mái khu vực chờ của người bệnh… Ngoài ra, Trạm được đầu tư hơn 300 triệu đồng để mua sắm một số trang thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh như: Máy siêu âm màu xách tay, máy châm cứu, hệ thống tủ lạnh bảo quản vắc -xin…
![]() |
Bác sĩ Trạm Y tế xã Phú Nhuận (Lục Ngạn) kiểm tra huyết áp cho người dân. |
Cơ sở vật chất được đầu tư, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân được nâng lên. Hiện trung bình mỗi ngày, Trạm tiếp nhận, điều trị 10-12 lượt người bệnh, tăng gấp đôi so với trước đây, nhiều ca khó, phức tạp được xử lý ngay từ tuyến xã. Bác sĩ Nguyễn Hữu Sỹ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phúc Sơn cho biết: “Nếu trước đây, người bệnh đến Trạm Y tế chủ yếu khám, lấy thuốc điều trị ngoại trú thì nay nhiều trường hợp bị đau bụng bất thường, đau xương khớp cũng đến Trạm để được thăm khám. Mới đây, từ kết quả siêu âm bằng máy mới được trang bị, chúng tôi phát hiện 2 trường hợp có dấu hiệu viêm ruột thừa, hướng dẫn chuyển lên Trung tâm Y tế huyện kịp thời”.
Toàn tỉnh còn 22 xã đặc biệt khó khăn, trong đó huyện Sơn Động có 12 xã, huyện Lục Ngạn 9 xã và huyện Yên Thế 1 xã. Cùng đó, toàn tỉnh có 244 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Đến nay, 100% trạm y tế có bác sĩ, nữ hộ sinh theo quy định. |
Thống kê của Ban Dân tộc tỉnh, hết năm 2024, toàn tỉnh còn 22 xã đặc biệt khó khăn, trong đó huyện Sơn Động có 12 xã, huyện Lục Ngạn 9 xã và huyện Yên Thế 1 xã. Cùng đó, toàn tỉnh có 244 thôn, bản đặc biệt khó khăn. Để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2025, UBND huyện Sơn Động dành hơn 57,3 tỷ đồng xây mới trạm y tế tại các xã đặc biệt khó khăn gồm: Yên Định, An Lạc, Hữu Sản và Thanh Luận.
Đến nay, trạm y tế các xã Yên Định và An Lạc đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; 2 trạm còn lại đã khởi công, dự kiến hoàn thành trong năm nay. Từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh dành hơn 19,3 tỷ đồng xây dựng, phát triển y tế cơ sở tại khu vực này. Năm 2024, UBND tỉnh đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp 22 trạm y tế thuộc chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn sử dụng vốn vay của Ngân hàng Phát triển châu Á.
Ông Lục Văn Phương (sinh năm 1954), dân tộc Cao Lan, thôn Thuận B, xã Phú Nhuận (Lục Ngạn) cho biết: “Trước đây, tôi cũng như nhiều bà con trong thôn chỉ đến Trạm Y tế xã khi gặp tai nạn trong quá trình lao động hoặc bị bệnh nặng. Từ khi Trạm Y tế được xây dựng khang trang, mỗi khi đau đầu, chóng mặt, tôi lại đến để bác sĩ đo huyết áp, nhiệt độ, hướng dẫn cách tự chăm sóc sức khỏe bản thân”.
Thêm nguồn lực cho y tế vùng khó
Theo thống kê của Sở Y tế, hiện nay, cơ sở vật chất tại các trạm y tế nói chung, trạm y tế tại các xã đặc biệt khó khăn nói riêng cơ bản đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của người dân. 100% trạm y tế có bác sĩ, nữ hộ sinh theo quy định. Cùng với đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế tối thiểu, nhiều trạm y tế được hỗ trợ trang thiết bị hiện đại như: Máy siêu âm, máy đo độ bão hòa oxy kẹp tay, máy đo huyết áp điện tử... Cơ sở vật chất được đầu tư, trang thiết bị đồng bộ, hiện đại, chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân tại tuyến cơ sở được nâng lên.
Ghi nhận tại Trạm Y tế xã Đồng Vương (Yên Thế), sau khi được đầu tư cải tạo, sửa chữa (năm 2022), Trạm đã mang diện mạo mới với đầy đủ các phòng chức năng. Nhờ đó, chất lượng khám, chữa bệnh trên địa bàn xã được cải thiện. Trong năm 2024, Trạm Y tế xã khám cho gần 2 nghìn lượt người, điều trị ngoại trú cho hơn 500 lượt bệnh nhân, vượt chỉ tiêu được giao. Tại Trạm Y tế xã Phú Nhuận, nhờ cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ cán bộ đủ về số lượng, đáp ứng yêu cầu chuyên môn theo quy định nên 5 năm gần đây, 100% phụ nữ có thai trên địa bàn xã được quản lý thai nghén, sinh con tại cơ sở y tế; 100% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm đầy đủ các mũi vắc-xin theo quy định của Bộ Y tế. Các hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiêm chủng mở rộng, phòng, chống lao được triển khai đồng bộ.
Mặc dù vậy, qua đánh giá, ở nhiều địa phương vẫn còn những trạm y tế xây dựng từ lâu, xuống cấp; thiếu bác sĩ chuyên khoa, máy móc, thiết bị hiện đại; chất lượng khám, chữa bệnh còn bộc lộ hạn chế, tỷ lệ dịch vụ khám, chữa bệnh được triển khai trên thực tế còn thấp so với tổng số dịch vụ được phê duyệt… Trước thực tế này, UBND huyện Sơn Động giao Trung tâm Y tế huyện xây dựng Đề án nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh trên địa bàn giai đoạn 2025-2030.
Theo đó, trong giai đoạn này, huyện ưu tiên các nguồn vốn để đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trạm y tế, bảo đảm 100% trạm có đủ cơ số trang thiết bị y tế cơ bản phục vụ hoạt động chuyên môn. Tập trung đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ viên chức trạm y tế theo hình thức đào tạo tại chỗ, bảo đảm các trạm có đủ số lượng viên chức làm việc, có trình độ chuyên môn phù hợp theo đề án vị trí việc làm. Tại huyện Lục Ngạn, năm 2025, UBND huyện dành nguồn lực hỗ trợ trạm y tế hai xã: Phú Nhuận, Đồng Cốc củng cố cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị để hoàn thành bộ tiêu chí quốc gia về y tế.
Ông Vi Thanh Quyền, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: “Các chính sách được triển khai giúp đồng bào được chăm sóc sức khỏe ngay tại địa phương. Tuy nhiên, so với các địa bàn khác, chất lượng dịch vụ y tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn, cần thêm nhiều nguồn lực hơn nữa. Trước mắt, chúng tôi phối hợp với ngành Y tế tiếp tục triển khai, hoàn thành các dự án trong giai đoạn 2021-2025; khi có kế hoạch phân bổ vốn cho giai đoạn tiếp theo, chúng tôi sẽ tham mưu UBND tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó có dự án về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số".
Ý kiến bạn đọc (0)