Thực hiện nghiêm quy định dạy thêm, học thêm
BẮC GIANG - Từ ngày 14/2/2025, Thông tư số 29/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm (Thông tư số 29) có hiệu lực với nhiều điểm mới nhằm tăng cường hiệu quả quản lý. Thực hiện Thông tư này, ngành Giáo dục Bắc Giang siết chặt quản lý hoạt động dạy thêm, học thêm theo đúng quy định.
Cam kết thực hiện đúng quy định
Hiện nay, tất cả các trường học trên địa bàn tỉnh dừng hoạt động dạy thêm trong nhà trường cho học sinh đại trà. Các trường chỉ bồi dưỡng kiến thức không thu tiền cho học sinh cuối cấp, học sinh giỏi và phụ đạo cho các em có học lực chưa đạt. Trường Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên (thành phố Bắc Giang) có hơn 1,6 nghìn học sinh. Từ tháng 2/2025, nhà trường chỉ dạy thêm cho 3 nhóm: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề chưa đạt, học sinh chuẩn bị tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố, học sinh lớp 9 và giảm thời lượng phụ đạo cho các em từ 3 tiết xuống còn 2 tiết/tuần/môn theo quy định.
![]() |
Giờ học Ngữ văn của cô và trò Trường Trung học cơ sở Ngô Sĩ Liên (thành phố Bắc Giang). |
Thầy Nguyễn Minh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường sử dụng nguồn tiết kiệm chi để trả thù lao dạy thêm trong trường cho giáo viên, đồng thời yêu cầu giáo viên ký cam kết thực hiện đúng quy định về dạy thêm, học thêm. Khi giáo viên muốn dạy thêm ngoài nhà trường phải đăng ký kinh doanh, công khai thông tin về môn học, địa điểm, thời gian, hình thức dạy thêm và báo cáo với hiệu trưởng về môn học, hình thức giảng dạy, thời gian, địa điểm dạy thêm”.
Theo ý kiến của phần lớn phụ huynh, quy định về dạy thêm, học thêm đã hạn chế được tình trạng học sinh không muốn cũng phải đi học thêm, nhất là các buổi chiều ở trường đối với cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Phụ huynh cũng đồng tình với quy định không tổ chức dạy thêm các môn văn hóa đối với học sinh tiểu học bởi các em đã học 2 buổi/ngày ở trường. Việc cấm dạy thêm có thu tiền trong nhà trường và cấm giáo viên dạy thêm học sinh của mình là cần thiết, nhằm bảo đảm tính khách quan, ngăn chặn các hiện tượng không công bằng, tiêu cực và bảo đảm nguyên tắc tự nguyện trong tổ chức dạy thêm, học thêm. Nếu học sinh có nhu cầu thì đăng ký học thêm ngoài nhà trường, lựa chọn giáo viên theo yêu cầu tại các trung tâm uy tín. Qua đó góp phần tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà giáo trong hoạt động dạy thêm.
Quy định mới về dạy thêm, học thêm đã đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi của nhiều nhà giáo hiện nay là được quyền làm thêm một cách chính đáng khi thực hiện đăng ký kinh doanh, đáp ứng đầy đủ các quy định. Cô Đào Thị Minh Hường, giáo viên môn Hóa học, Trường Trung học phổ thông Hiệp Hòa số 1 cho biết: “Trước đây, giáo viên có thể nắm bắt được lực học của từng em để phụ đạo cho phù hợp trong các buổi dạy thêm. Nay thực hiện quy định không dạy thêm, trong giờ học chính khóa, tôi luôn chú trọng nâng cao chất lượng bài giảng, đổi mới phương pháp truyền đạt để học trò tiếp thu kiến thức hiệu quả nhất, bảo đảm không học thêm cũng đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông 2018”.
Thời điểm này, nhiều giáo viên đang làm thủ tục đăng ký dạy thêm tại các trung tâm ngoài nhà trường theo quy định. Một số tổ chức, cá nhân đã đăng ký kinh doanh và bổ sung ngành nghề kinh doanh liên quan đến lĩnh vực giáo dục để tổ chức dạy thêm. Toàn tỉnh có gần 1 nghìn doanh nghiệp, tổ chức đăng ký kinh doanh cung cấp hoạt động giáo dục. Đây là điều kiện thuận lợi để học sinh thực sự có nhu cầu học thêm lựa chọn các cơ sở, giáo viên uy tín.
Đổi mới phương pháp dạy, bám sát nội dung chương trình
Hiện nay, chương trình các môn học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định thời lượng dạy học cụ thể đối với từng khối lớp. Trách nhiệm của nhà trường là phải tổ chức thực hiện chương trình, bảo đảm cho học sinh tiếp nhận đầy đủ kiến thức, phát triển năng lực và phẩm chất theo yêu cầu của chương trình trong khung thời lượng năm học. Đối với những học sinh chưa đạt yêu cầu, nhà trường, giáo viên có trách nhiệm phụ đạo để học sinh đạt yêu cầu của chương trình. Việc tổ chức ôn thi cho học sinh cuối cấp cũng thuộc trách nhiệm của nhà trường, được đưa vào kế hoạch giáo dục để thực hiện.
![]() |
Sau khi cho học sinh nghỉ học thêm trong nhà trường, Ban Giám hiệu Trường Trung học cơ sở Vũ Xá (Lục Nam) chỉ đạo giáo viên trong giờ giảng tăng cường ôn tập, giao bài tập, hướng dẫn học sinh tự học. |
Trường Trung học phổ thông Giáp Hải (thành phố Bắc Giang) có hơn 1,3 nghìn học sinh, chủ yếu có lực học trung bình, khá. Theo quy định, dịp này, nhà trường chỉ dạy 3 nhóm học sinh: Cuối cấp, học sinh có kết quả học tập môn học chưa đạt ở học kỳ I, học sinh giỏi. Để nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là đối với học sinh lớp 12, nhà trường yêu cầu giáo viên hướng dẫn học sinh phát huy năng lực tự học, thường xuyên kiểm tra, đánh giá khả năng tiếp thu của các em để có phương án phụ đạo kịp thời, hiệu quả.
Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các nhà trường nghiên cứu, thực hiện nghiêm Thông tư số 29, quan tâm phát huy hiệu quả nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí hiện có của nhà trường để tổ chức dạy thêm, học thêm bảo đảm phù hợp, đúng quy định. |
Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đặt ra, nhất là khi thực hiện Thông tư số 29, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Bắc Giang chỉ đạo các trường tăng cường kiểm soát chất lượng giảng dạy chính khóa, đáp ứng chuẩn đầu ra của từng cấp học, môn học. Yêu cầu giáo viên tập trung đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực cá nhân của người học, chú trọng rèn phương pháp tự học cho các em, tăng cường các hoạt động xã hội, nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức liên môn vào thực tế. Nhà trường phối hợp với gia đình hướng dẫn học sinh quản lý thời gian, trang bị kỹ năng mềm, tham gia văn nghệ, thể thao nhằm phát triển toàn diện, hạn chế tình trạng các em ở nhà buổi chiều lạm dụng việc xem ti vi, điện thoại, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, Sở yêu cầu các nhà trường nghiên cứu, thực hiện nghiêm túc Thông tư số 29, trong đó phát huy hiệu quả nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kinh phí hiện có của nhà trường để tổ chức dạy thêm, học thêm bảo đảm phù hợp, đúng quy định. Yêu cầu các trường xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, trong đó quy định mức chi tổ chức dạy thêm, học thêm. Bố trí giáo viên có năng lực, tâm huyết giảng dạy học sinh cuối cấp, bám sát nội dung chương trình, cấu trúc đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ tháng 3/2025, Sở Giáo dục và Đào tạo tập trung thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Trong đó tập trung cao kiểm soát các hoạt động dạy thêm trực tuyến bảo đảm đúng quy định.
Để giảm tải áp lực học thêm, nhiều ý kiến cho rằng, ngành Giáo dục cần tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học, coi trọng phát triển năng lực và phẩm chất người học, đổi mới hình thức kiểm tra, ra đề thi theo hướng học gì thi nấy, không tạo áp lực quá lớn về thi cử, khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục.
Ý kiến bạn đọc (0)