Bắc Giang: Nhiều trường hợp nhập viện do bị xoắn tinh hoàn
BẮC GIANG - Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang tiếp nhận 3 trường hợp bị xoắn tinh hoàn, có trường hợp phải cắt bỏ tinh hoàn do bị xoắn trong thời gian dài dẫn đến hoại tử.
Khoảng 16 giờ ngày 10/2, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân Bàn Công H. (15 tuổi), trú tại thị trấn Tây Yên Tử (Sơn Động) nhập viện cấp cứu trong tình trạng sưng, đau tinh hoàn phải.
![]() |
Sau 3 ngày phẫu thuật tháo xoắn tinh hoàn, sức khỏe của H. ổn định, dự kiến xuất viện đầu tuần tới. |
Qua thăm khám, các bác sĩ xác định tinh hoàn phải của bệnh nhân treo cao, mất phản xạ da bìu, nhận định bị xoắn tinh hoàn giờ thứ 7, chỉ định phẫu thuật tháo xoắn, cố định tinh hoàn phải giúp máu lưu thông. Sau 3 ngày phẫu thuật, sức khỏe của H. ổn định, dự kiến xuất viện đầu tuần tới.
Giữa tháng 1/2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng thực hiện ca phẫu thuật cấp cứu tháo xoắn tinh hoàn cho anh Nguyễn Văn N. (29 tuổi), trú tại xã Hoàng Vân (Hiệp Hòa) bị xoắn tinh hoàn giờ thứ 3.
Trước đó, ngày 2/1/2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận bệnh nhân Lưu Xuân B. (13 tuổi), trú tại xã Đồng Lạc (Yên Thế) nhập viện trong tình trạng đau tinh hoàn dữ dội, da bìu cứng chắc. Theo người nhà cháu B., gần 1 tháng trước khi nhập viện, B. có biểu hiện đau tinh hoàn nên gia đình đưa đến cơ sở y tế gần nhà khám, điều trị nhưng không đỡ. Thấy tình trạng sưng đỏ tinh hoàn ngày càng tăng, gia đình mới đưa con đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, được chẩn đoán xoắn tinh hoàn ngày thứ 25. Do đã bị hoại tử, các bác sĩ buộc phải phẫu thuật cắt bỏ tinh hoàn.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Trung Hiếu, Khoa Ngoại thận - Tiết niệu - Nam học (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), xoắn tinh hoàn có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi song thường gặp trước hoặc trong tuổi dậy thì; khi thời tiết lạnh dẫn đến kích thích cơ bìu co thắt hoặc có các bất thường về cấu trúc của tinh hoàn.
Một số dấu hiệu điển hình của xoắn tinh hoàn như: Đau đột ngột, dữ dội một bên bìu; đỏ và sưng bìu; một bên tinh hoàn cao hơn bên còn lại; sốt, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt, đi tiểu nhiều… Tinh hoàn có khả năng bảo tồn, phục hồi hoàn toàn nếu được xử lý xoắn trong 6 giờ đầu, 70% trước 10 giờ và sau 10 giờ chỉ còn 10%. Nếu nhập viện sau 24 giờ sẽ không còn khả năng bảo tồn tinh hoàn.
“Trong năm 2024, chúng tôi cũng tiếp nhận, điều trị cho 33 trường hợp bị xoắn tinh hoàn, trong đó có 7 trường hợp bị hoại tử tinh hoàn do nhập viện sau 24 giờ. Để tránh những hậu quả đáng tiếc, khi bị đau vùng bìu hoặc bụng dưới không rõ nguyên nhân, nam giới cần đến cơ sở y tế để được khám, cấp cứu sớm nhằm bảo tồn chức năng sinh sản. Với trẻ nhỏ, cha mẹ nên thường xuyên kiểm tra vùng bìu. Nếu phát hiện sưng, đau, trẻ có biểu hiện quấy khóc, da bìu phù nề, sốt hoặc thấy một bên tinh hoàn trống cần nghĩ ngay đến xoắn tinh hoàn và đưa con nhập viện sớm”, thạc sĩ, bác sĩ Lê Trung Hiếu khuyến cáo.
Ý kiến bạn đọc (0)