Cúm mùa tiếp tục tăng, nhiều ca biến chứng trở nặng
Cúm mùa tiếp tục lan rộng và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi hàng chục ca bệnh được ghi nhận mỗi ngày tại các bệnh viện phía Bắc, nhiều trường hợp diễn tiến nghiêm trọng.
Hôm 17/2, ThS.BS Đinh Thị Bích Thục, Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện E, nói từ tháng 1 đến nay, khoa tiếp nhận khoảng 250 bệnh nhân cúm. Sau Tết, tình hình dịch càng trở nên nghiêm trọng, trung bình mỗi ngày có 10 người đến khám và điều trị vì cúm, cao điểm lên tới gần 40 ca/ngày.
Trong số đó, hơn 50% được chẩn đoán mắc cúm A hoặc cúm B và nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị nội trú. Hiện, khoa điều trị nội trú cho hơn 20 người bệnh mắc cúm các loại.
![]() |
Bệnh viện Nhi Trung ương cũng ghi nhận số lượng người tiêm vaccine cúm gia tăng. |
"Không chỉ người già, trẻ nhỏ hay người có bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường, hô hấp mãn tính mà ngay cả người trẻ khỏe mạnh cũng có nguy cơ gặp biến chứng nghiêm trọng nếu chủ quan trước cúm mùa", bác sĩ Thục nhấn mạnh.
Tại Khoa Bệnh Nhiệt đới và can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, số bệnh nhân cúm trong tháng 1 cao gấp 6 lần so với tháng 12/2024. Bệnh viện Nhi Trung ương, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng ghi nhận tình trạng tương tự.
Không chỉ ở Hà Nội, nhiều địa phương khác cũng ghi nhận cúm mùa gia tăng. Tại Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, hàng chục bệnh nhân cúm A nhập viện trong tình trạng nặng, nhiều người phải thở oxy, đặc biệt là người cao tuổi có bệnh nền. Đơn cử, bệnh nhân 68 tuổi ở Vĩnh Phúc, mắc cúm A trên nền bệnh lý tăng huyết áp, suy thận, bệnh phổi mãn tính, hiện rất nguy kịch và cần hỗ trợ hô hấp.
Cũng trong ba tuần sau Tết, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh ghi nhận số ca bệnh cúm tăng mạnh với trung bình 30 trường hợp mỗi ngày. Khoảng 30-40% trong số này là người mắc bệnh nền như ung thư, suy miễn dịch phải nhập viện do các triệu chứng diễn tiến nặng.
Các bác sĩ giải thích rằng sự gia tăng số ca nhiễm cúm mùa hiện nay liên quan đến điều kiện thời tiết bất thường. Mùa Đông - Xuân với khí hậu lạnh, ẩm ở miền Bắc là môi trường lý tưởng để virus cúm phát triển và phát tán. Cùng với đó, các hoạt động giao thương, lễ hội đầu năm làm tăng mật độ tiếp xúc, dẫn đến nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Cúm mùa là bệnh lý nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do virus cúm gây ra. Vius dễ lây lan qua các giọt bắn nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, nói chuyện. Các triệu chứng thường gặp bao gồm sốt cao, đau mỏi cơ, đau đầu, ho khan, nghẹt mũi và mệt mỏi. Dù phần lớn bệnh nhân có thể tự hồi phục trong vài ngày, một số trường hợp có thể gặp biến chứng nặng như viêm phổi, suy hô hấp, hoặc bội nhiễm vi khuẩn - thậm chí đe dọa tính mạng, đặc biệt ở người già, trẻ nhỏ và người bệnh nền.
Bác sĩ CKII Lương Xuân Kiên, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho biết virus cúm có khả năng biến đổi liên tục, tạo ra các chủng mới mỗi năm vượt khỏi khả năng kiểm soát của hệ miễn dịch. Điều này làm việc phòng ngừa và điều trị trở nên khó khăn hơn, tăng nguy cơ tử vong ở các trường hợp nặng.
"Việc tự ý sử dụng thuốc kháng sinh hoặc kháng virus như Tamiflu mà không có chỉ định từ bác sĩ sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm, ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị", bác sĩ Kiên cảnh báo.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các virus cúm có khả năng phát triển kháng thuốc nếu thuốc bị sử dụng không hợp lý. Một nghiên cứu cho thấy, tại các khu vực xảy ra dịch cúm lớn, tỷ lệ kháng thuốc Oseltamivir đã tăng từ dưới 1% lên đến 18% chỉ sau vài năm. Đây là lời cảnh tỉnh về việc phải sử dụng thuốc hợp lý, bảo đảm đúng liều lượng và chỉ khi có chỉ định từ bác sĩ.
Để phòng tránh cúm mùa, các bác sĩ khuyến cáo người dân cần chủ động giữ ấm cơ thể, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên với xà phòng. Đồng thời, thực hiện vệ sinh cá nhân như súc miệng, rửa mũi bằng nước muối ấm mỗi ngày. Hạn chế tiếp xúc với người bệnh hoặc môi trường đông người. Ngoài ra, tiêm vaccine phòng cúm định kỳ hàng năm là biện pháp hiệu quả để bảo vệ bản thân.
Khi có triệu chứng nhiễm cúm như sốt cao, ho, sổ mũi, đau đầu hoặc mệt mỏi kéo dài, người dân cần kịp thời đến các cơ sở y tế để được thăm khám, chẩn đoán và điều trị đúng cách, tránh những biến chứng nguy hiểm.
Ý kiến bạn đọc (0)