Phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu, nâng chất lượng khám, điều trị
BẮC GIANG - Đáp ứng nhu cầu khám, điều trị của người dân, nhiều kỹ thuật y khoa chuyên sâu, hiện đại được áp dụng trong các cơ sở khám, chữa bệnh (KCB). Người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng cao, chăm sóc sức khỏe toàn diện, giảm tỷ lệ ca bệnh chuyển tuyến.
Bổ sung hơn 11,6 nghìn kỹ thuật
Bình quân mỗi năm, toàn tỉnh có khoảng 3-4 nghìn người được phát hiện mắc ung thư, đa số ở giai đoạn muộn. Để nâng cao hiệu quả sàng lọc, phát hiện, điều trị, thời gian qua, Bệnh viện Ung bướu tỉnh quan tâm phát triển kỹ thuật mới, chuyên sâu ở các lĩnh vực như: Phẫu thuật cắt toàn bộ tuyến giáp bằng dao siêu âm; phẫu thuật cắt đoạn trực tràng nối máy; đốt u tuyến giáp bằng vi sóng; truyền hóa chất qua buồng truyền; hóa xạ trị triệt căn trong ung thư…
Kíp mổ tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh phẫu thuật cắt nửa lưỡi, vét hạch cổ cho bệnh nhân ung thư. |
Mới đây, dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia đầu ngành ở Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Ung bướu tỉnh triển khai kỹ thuật sinh thiết ung thư tiền liệt tuyến. Bác sĩ Lê Thị Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Ung thư tiền liệt tuyến rất phổ biến, là nguyên nhân gây tử vong thứ năm trong số các bệnh ung thư ở nam giới. Triển khai thành công kỹ thuật này đã khẳng định năng lực chuyên môn của đơn vị trong chẩn đoán ung thư sớm”.
Theo Sở Y tế, năm 2024, công tác phát triển kỹ thuật mới tiếp tục được các cơ sở y tế triển khai thực hiện, đặc biệt là những kỹ thuật cao, hiện đại. Trong năm, Sở Y tế phê duyệt mới, phê duyệt bổ sung 11.675 kỹ thuật. Ngoài các cơ sở y tế công lập, các bệnh viện tư nhân cũng quan tâm đào tạo nâng cao trình độ tay nghề cho đội ngũ, bố trí kinh phí nâng cấp trang thiết bị để triển khai các kỹ thuật mới.
Mới đây, Bệnh viện Đa khoa Hùng Cường, thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) đưa kỹ thuật tiêm phong bế chọn lọc rễ thần kinh dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp vi tính vào điều trị cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm. Đây là phương pháp sử dụng máy chụp cắt lớp vi tính để xác định chính xác vị trí lỗ liên hợp nơi rễ thần kinh đi ra, từ đó tiêm corticosteroid nhằm mang lại hiệu quả điều trị cao nhất và nhanh nhất cho bệnh nhân.
Với sự hỗ trợ của các bác sĩ Bệnh viện Việt Đức, từ tháng 4/2024, Bệnh viện Đa khoa Anh Quất (cơ sở 1), thị trấn Cao Thượng (Tân Yên) được chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nội soi cắt đoạn đại trực tràng. Đến nay đã có 5 bệnh nhân được phẫu thuật thành công, sức khỏe sau mổ ổn định, ra viện và sinh hoạt bình thường. Bác sĩ Nguyễn Văn Thoa, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Đa khoa Anh Quất (cơ sở 1) cho biết: “Phẫu thuật nội soi cắt đoạn đại trực tràng thuộc danh mục kỹ thuật của tuyến T.Ư. Đây là phương pháp can thiệp mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh so với phương pháp phẫu thuật truyền thống với tỷ lệ biến chứng phẫu thuật rất thấp. Để triển khai kỹ thuật này, cùng với cử cán bộ đi đào tạo, chúng tôi đầu tư gần 3 tỷ đồng mua máy khâu nối tự động và hệ thống dao siêu âm”.
Thêm nguồn lực để phát triển kỹ thuật chuyên sâu
Đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân, những năm qua, Sở Y tế đã thực hiện nhiều chính sách thu hút, khuyến khích đào tạo để bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao. Thực hiện Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 9/7/2020 của HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút nguồn nhân lực y tế tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, ngành Y tế đã hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn cho 56 cán bộ, bác sĩ.
Đối với kỹ thuật mới, chuyên sâu, từ năm 2023 đến nay, Sở Y tế cử 150 bác sĩ, điều dưỡng đi đào tạo tại các bệnh viện tuyến T.Ư; hơn 100 trường hợp được đào tạo tại các bệnh viện tuyến tỉnh. Chất lượng đội ngũ cán bộ, bác sĩ nâng lên, nhiều kỹ thuật mới được triển khai góp phần nâng cao hiệu quả công tác khám chữa bệnh (KCB). Năm 2024, tổng số lượt KCB tại các cơ sở y tế đạt gần 4,6 triệu lượt, tăng 4,3% so với năm 2023; tổng số lượt điều trị nội trú hơn 382 nghìn lượt, tăng 10,7% so với năm 2023; công suất sử dụng giường bệnh trung bình toàn tỉnh là 102,7%, tăng 9,6% so với năm 2023.
Năm 2025, ngành Y tế quan tâm phát triển một số kỹ thuật mới, chuyên sâu, trong đó tập trung triển khai kỹ thuật ghép màng nuôi cấy tế bào các loại trong điều trị vết thương mạn tính, phẫu thuật u tầng trước nền sọ, siêu âm trong lòng mạch vành, ứng dụng y học hạt nhân trong chẩn đoán, điều trị ung thư, các kỹ thuật về y học cổ truyền... |
Nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngày 1/7/2024, Sở Y tế có kế hoạch phát triển chuyên môn, phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ danh mục kỹ thuật thực hiện theo phân tuyến trung bình toàn tỉnh đạt tối thiểu 82%, trong đó tỷ lệ danh mục kỹ thuật vượt tuyến đạt 21%. Cụ thể hóa kế hoạch này, các cơ sở KCB tập trung phát triển chuyên môn kỹ thuật, ưu tiên phát triển các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao; tăng cường ký kết, triển khai các biên bản thỏa thuận hợp tác với các bệnh viện đầu ngành, trường đại học trong và ngoài nước.
Căn cứ nguồn nhân lực, nhu cầu thực tế, các bệnh viện, trung tâm y tế cũng xây dựng kế hoạch phát triển kỹ thuật chuyên sâu. Điển hình như Bệnh viện Ung bướu tỉnh đang lựa chọn nhà thầu cung ứng các thiết bị phục vụ chẩn đoán, điều trị ung thư bằng y học hạt nhân trị giá hơn 40 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2025, bệnh viện sẽ triển khai kỹ thuật này, khi đó các trường hợp sau phẫu thuật ung thư tuyến giáp sẽ không phải chuyển tuyến trên để xạ hình xương, xạ hình tuyến giáp.
Bệnh viện Đa khoa Anh Quất (cơ sở 1) có biên bản hợp tác với Trường Đại học Y khoa Osaka Metropolitan (Nhật Bản). Theo đó, từ giữa năm 2024, bệnh viện cử 4 bác sĩ sang Trường Đại học Y khoa Osaka Metropolitan đào tạo, tiếp nhận kỹ thuật sàng lọc và điều trị ung thư gan sớm; kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Dự kiến quý I năm 2025, bệnh viện sẽ triển khai hai kỹ thuật này.
Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Trong năm 2025, ngành tiếp tục phát triển một số kỹ thuật mới, chuyên sâu, trong đó tập trung triển khai kỹ thuật ghép màng nuôi cấy tế bào các loại trong điều trị vết thương mạn tính, phẫu thuật u tầng trước nền sọ, siêu âm trong lòng mạch vành, phẫu thuật nội soi cắt toàn bộ tuyến giáp kèm nạo vét hạch trong ung thư tuyến giáp bằng dao siêu âm, ứng dụng y học hạt nhân trong chẩn đoán, điều trị ung thư, các kỹ thuật về y học cổ truyền… Để thực hiện mục tiêu, cùng với nguồn lực hỗ trợ của tỉnh, ngành sẽ tiếp tục hợp tác và nhận chuyển giao công nghệ từ tuyến trên, liên kết đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề cho đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế”.
Ý kiến bạn đọc (0)