Bắc Giang: Bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng giám sát, điều trị bệnh bạch hầu
BẮC GIANG - Để kịp thời cập nhật kiến thức chuyên môn cho cán bộ y tế tham gia khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh bạch hầu, chiều 9/7, Sở Y tế Bắc Giang tổ chức hội nghị trực tuyến với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, TP hướng dẫn công tác phòng, chống, giám sát, cách ly, chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu.
Tại hội nghị, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh thông tin, năm 2023, cả nước ghi nhận 56 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại 3 tỉnh: Điện Biên, Hà Giang và Thái Nguyên. Từ đầu năm đến nay, tại các địa phương ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh, trong đó Hà Giang (3 ca), Nghệ An (1 ca) và Bắc Giang (1 ca).
Các đại biểu dự tại điểm cầu Sở Y tế. |
Tại tỉnh Bắc Giang, ngày 7/7, trên địa bàn huyện Hiệp Hòa ghi nhận một ca dương tính với bệnh bạch hầu. Đây là ca bệnh bạch hầu đầu tiên ghi nhận trên địa bàn tỉnh trong 27 năm gần đây (ca bệnh bạch hầu cuối cùng được ghi nhận vào năm 1997) và là ca xâm nhập từ địa phương khác về địa bàn.
Ngay sau khi xuất hiện ca bệnh, CDC tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Hiệp Hòa tiến hành truy vết, xác định có 15 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh. Đến nay, 8/15 mẫu gửi giám định bệnh bạch hầu có kết quả âm tính, 7 mẫu còn lại chưa có kết quả do mới gửi.
Theo đại diện CDC tỉnh, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nhóm B, lây qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh và người lành mang vi khuẩn. Bệnh cũng có thể lây khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh; lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu.
Đại diện CDC tỉnh thông tin về tình hình dịch bệnh bạch hầu và các giải pháp đã triển khai sau khi phát hiện ca bệnh tại xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa). |
Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2 đến 5 ngày với các biểu hiện lâm sàng chủ yếu như: Sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau, tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidal hoặc thành sau họng. Bệnh nhân cũng có thể bị viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn.
Để phòng bệnh, tiêm vắc-xin là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất. Do đó các địa phương, gia đình cần thực hiện tốt việc tiêm vắc-xin bạch hầu trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Cụ thể tiêm mũi 1 vắc-xin 5 trong 1 khi trẻ được 2 tháng tuổi; mũi 2 và 3 tiêm sau mũi 1 lần lượt 1 và 2 tháng; tiêm mũi 4 khi trẻ được 18 tháng tuổi.
Khi nghi ngờ mắc bệnh, bệnh nhân phải đeo khẩu trang và cách ly ngay tại cơ sở y tế; tiến hành điều trị đặc hiệu ngay cả khi chưa có kết quả xét nghiệm.
Chia sẻ về biểu hiện lâm sàng và phương pháp điều trị, bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết, vi khuẩn bạch hầu nhạy cảm với các yếu tố vật lý, hóa học. Dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp, vi khuẩn sẽ bị chết sau vài giờ. Ở nhiệt độ 58 độ C vi khuẩn sống được 10 phút, ở phenol 1% và cồn 60 độ có thể sống được 1 phút.
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết chia sẻ về phương pháp điều trị bệnh bạch hầu. |
Về nguyên tắc điều trị, sau khi phát hiện, cách ly ca bệnh cần sử dụng kháng độc tố bạch hầu (SAD) và kháng sinh càng sớm càng tốt để ngăn chặn các biến chứng, giảm tử vong. Quá trình điều trị cần theo dõi, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các biến chứng nhất là viêm cơ tim. Cùng đó sử dụng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu, liều lượng phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh, không phụ thuộc vào lứa tuổi và cân nặng.
Ngoài ra, quá trình điều trị cần hỗ trợ tuần hoàn, mở khí quản khi bệnh nhân khó thở; nếu có sốc nên sử dụng thuốc vận mạch để bảo đảm huyết áp trung bình ≥ 65mmHg và Lactat máu < 2 mmol/l. Nếu bệnh nhân có rối loạn nhịp tim có thể dùng máy tạo nhịp tạm thời Pacemaker ngoài da hoặc qua tĩnh mạch cảnh.
Kết luận hội nghị, đồng chí Từ Quốc Hiệu, Phó Giám đốc Sở Y tế nhấn mạnh, dù là ca xâm nhập từ địa bàn khác về song các cơ sở y tế không được chủ quan bởi dịch có khả năng lây lan nhanh.
Đồng chí Từ Quốc Hiệu kết luận hội nghị. |
Đồng chí đề nghị, ngay sau hội nghị, các cơ sở y tế trong và ngoài công lập trên địa bàn tổ chức hướng dẫn cán bộ, bác sĩ, nhất là người làm việc trực tiếp tại bộ phận khám bệnh về giám sát, cách ly, chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu.
Quá trình khám bệnh, nếu phát hiện người bệnh có triệu chứng sốt, ho, các bác sĩ cần khám họng, sàng lọc bệnh bạch hầu, tránh bỏ sót bệnh. Khi phát hiện ca bệnh dương tính phải thực hiện khai báo trên hệ thống y tế dự phòng toàn quốc trong 24 giờ để các địa phương, cơ sở y tế nắm bắt, có giải pháp phòng ngừa.
CDC tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, TP rà soát lại đối tượng tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh bạch hầu, kịp thời tiêm bổ sung cho đối tượng còn sót, chưa tiêm đủ các mũi. CDC tỉnh chủ động nguồn vắc-xin phân bổ cho các địa phương khi có nhu cầu.
Khối điều trị tại các cơ sở y tế cần chủ động vật tư, thuốc, hóa chất, sẵn sàng tiếp nhận, điều trị cho người dân. Các đơn vị y tế dự phòng phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh bạch hầu. Người dân khi có các dấu hiệu nghi nhiễm bệnh bạch hầu hoặc các dịch bệnh truyền nhiễm khác cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Tin, ảnh: Sỹ Quyết
Ý kiến bạn đọc (0)