Khủng hoảng nhân đạo khiến trên 1 triệu người Haiti phải tha hương
Ngày 14/1, Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) công bố số liệu thống kê mới nhất phản ánh ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nhân đạo không ngừng gia tăng tại Haiti, khiến trên một triệu người dân nước này buộc phải rời bỏ nhà cửa trong năm vừa qua.
Báo cáo của IOM nhấn mạnh rằng con số 1.041.000 người Haiti tha hương trong năm 2024 đã gấp ba lần con số ghi nhận năm trước đó (315.000 người). Phần lớn những người này phải di dời nhiều lần, hơn một nửa số người bị buộc phải di cư là trẻ vị thành niên.
Người dân chạy trốn khỏi khu vực xảy ra đụng độ ở Port-au-Prince, Haiti ngày 20/3/2024. Ảnh minh họa |
IOM ghi nhận lượng người phải rời bỏ nhà cửa lớn nhất ở thủ đô Port-au-Prince, tăng 87% so với cùng kỳ năm ngoái do bạo lực không ngừng gia tăng, tội phạm có vũ trang hoành hành, các dịch vụ cơ bản sụp đổ và tình hình lương thực bấp bênh.
Tổng Giám đốc IOM Amy Pope nhấn mạnh rằng 83% người tha hương phải sống nhờ vào tình cảm đùm bọc của cộng đồng sở tại, trong khi số còn lại đang tạm trú ở một trong 108 trại tị nạn tạm bợ, với điều kiện sinh hoạt khắc nghiệt và thiếu thốn.
Bà Amy Pope đã kêu gọi cộng đồng quốc tế “chọn đoàn kết thay vì thờ ơ” trước “cuộc khủng hoảng sâu sắc” mà Haiti đang trải qua. Bà nêu bật tầm quan trọng phải giải quyết các nguyên nhân gốc rễ gây ra bạo lực và bất ổn tại Haiti.
Người phát ngôn của IOM Kennedy Okoth Omondi nhấn mạnh rằng đây là cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong suốt chiều dài lịch sử của Haiti. Các cộng đồng Haiti tiếp nhận người di dời đang phải chịu áp lực lớn vì nguồn lực của họ cũng hạn chế. Số lượng các trại tị nạn tạm bợ đã tăng lên nhanh chóng, từ 73 lên 108 trong một năm trở lại đây. IOM và các tổ chức nhân đạo khác chỉ hỗ trợ được một phần trong số này.
Ông Omondi lưu ý rằng các trại tị nạn nêu trên “là những không gian cực kỳ chật chội, không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ thiết yếu như nước uống, vệ sinh, thực phẩm và chăm sóc y tế”.
IOM cho rằng mức độ di cư trong nước là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy cộng đồng quốc tế phải tăng cường nỗ lực để ổn định tình hình an ninh ở Haiti và cung cấp thêm nguồn lực tài chính và nhân lực cho Phái bộ Hỗ trợ An ninh Đa quốc gia (MMAS).
Ý kiến bạn đọc (0)