Giảm nghèo bền vững: Tập trung nguồn lực, về đích đúng hạn
BẮC GIANG - Để hoàn thành mục tiêu kết thúc giai đoạn 2021-2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 1%, nhất là duy trì yếu tố bền vững trong công tác giảm nghèo, cấp ủy, chính quyền các cấp, sở, ngành liên quan tiếp tục phối hợp triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, tập trung nguồn lực để ưu tiên hỗ trợ sản xuất trên cơ sở đổi mới cơ chế, trợ giúp có điều kiện, có đối ứng, tạo sinh kế ổn định để người nghèo vươn lên.
Trao quyền chủ động cho người nghèo
Theo phân bổ kế hoạch vốn đầu tư phát triển, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh được phân bổ gần 324,5 tỷ đồng; trong đó nguồn ngân sách trung ương là hơn 279,4 tỷ đồng, còn lại là ngân sách tỉnh. Bám sát phương châm “xóa” cơ chế cho không sang hỗ trợ một phần, UBND tỉnh xây dựng, triển khai kế hoạch thực hiện hằng năm trên cơ sở ưu tiên nguồn lực cho hỗ trợ sản xuất. Từ năm 2021-2024, toàn tỉnh triển khai 230 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo (tổng kinh phí hỗ trợ hơn 123,2 tỷ đồng từ ngân sách trung ương) với gần 4,5 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia. Có vốn, cây, con giống, lại được trang bị thêm kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, đa phần hộ nghèo đều có động lực phấn đấu, chủ động vươn lên giảm nghèo bền vững.
![]() |
Tham gia dự án chăn nuôi bò từ chương trình giảm nghèo, gia đình chị Hoàng Thị Thế, thôn Tiến Bộ, xã Tiến Thắng (Yên Thế) đã thoát nghèo năm 2023. |
Xã Kim Sơn (Lục Ngạn) thoát khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn năm 2020. Năm 2024, xã còn 51 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 8,25%. Ông Vi Văn Tính, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nếu hộ nghèo không tự ý thức vươn lên thì không ai có thể làm thay được. Do đó, phát huy kết quả đạt được của giai đoạn trước, bên cạnh lồng ghép các nguồn lực, Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã ưu tiên kinh phí hỗ trợ người nghèo phát triển mô hình sản xuất phù hợp”. Đến nay, nhiều mô hình phát huy hiệu quả, mang lại nguồn thu đáng kể, giúp người dân thoát nghèo như: Chăn nuôi ngựa, trâu ở thôn Đồng Láy; trồng táo, cam đường Canh ở thôn Đồng Rãng.
Đặc biệt, từ năm 2020, xã xây dựng mô hình điểm “Tổ cộng đồng giúp nhau thoát nghèo” ở thôn Đồng Láy với 18 thành viên tham gia. Trong đó, có 14 hộ nghèo; còn lại là các hộ có điều kiện kinh tế khá, giàu, có kiến thức thực tế trong chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi. Sau khi hộ nghèo được cấp cây, con giống, các thành viên trong tổ sẽ phân công nhau thường xuyên nắm bắt tình hình sản xuất, hỗ trợ thêm vốn nếu hộ có nhu cầu; chia sẻ kinh nghiệm giúp hộ nghèo phát huy hiệu quả nguồn sinh kế ban đầu. Ông Ngô Văn Khày, thôn Đồng Láy chia sẻ: “Trước đây, việc sản xuất của gia đình gặp khó khăn do không có vốn, kỹ thuật. Từ khi tham gia dự án chăn nuôi ngựa thương phẩm, được thành viên trong tổ hỗ trợ nhiều nên gia đình có thêm thu nhập để thoát nghèo”.
Hoàn thành chỉ tiêu, hạn chế tái nghèo
Giai đoạn 2021-2025, cùng với chiều thu nhập, việc đo lường nghèo đa chiều dựa trên các tiêu chí về mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản có thêm tiêu chí việc làm (giai đoạn 2016-2020 có các chiều: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh môi trường, thông tin). Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo giảm nghèo tỉnh, việc xác định chiều thiếu hụt - nguyên nhân dẫn tới cái nghèo của hộ dân là giải pháp quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hằng năm. Bởi từ đó sẽ nắm bắt được nhu cầu để có giải pháp, phương thức trợ giúp phù hợp, trao cơ hội cho người nghèo vươn lên.
![]() |
Từ nguồn phân bổ của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hạ tầng giao thông ở xã Đồng Vương (Yên Thế) được cải thiện đáng kể. |
Năm 2024, huyện Sơn Động còn hơn 2,1 nghìn hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,2%, giảm 5,33% so với năm 2023. Theo bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện, xác định chiều thiếu hụt việc làm là tiêu chí đặc biệt quan trọng trong giảm nghèo đa chiều, năm 2024, từ nguồn vốn được phân bổ, huyện dành hơn 3 tỷ đồng thực hiện Dự án 4 “Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững”. Kết quả tổ chức được 12 lớp dạy nghề cho gần 400 lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo; tổ chức 4 phiên giao dịch việc làm, cung cấp thông tin cho hơn 4 nghìn lao động địa phương.
Năm 2025, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,9%; các xã đặc biệt khó khăn còn 6,8% (năm 2024 là 9,25%). Để hoàn thành mục tiêu, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, xóa bỏ hoàn toàn tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người nghèo. |
Còn tại huyện Yên Thế, toàn huyện còn 246 hộ đang sống trong ngôi nhà/căn hộ thuộc loại không bền chắc hoặc có diện tích bình quân đầu người dưới 8 m2/người. Để về đích đúng hẹn với mục tiêu kết thúc giai đoạn giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 1,25% (năm 2024 là 1,94%), huyện quan tâm phân bổ hợp lý các nguồn lực; đồng thời, huy động các nguồn xã hội hóa hỗ trợ người nghèo theo chiều thiếu hụt, nhất là cải tạo nhà ở.
Năm 2025, tỉnh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 0,9%; các xã đặc biệt khó khăn còn 6,8% (năm 2024 là 9,25%). Để hoàn thành mục tiêu, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi nhận thức, xóa bỏ hoàn toàn tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người nghèo. Phân bổ hợp lý các nguồn lực đầu tư từ trung ương và ngân sách tỉnh cho vùng nghèo, hộ nghèo trên cơ sở ưu tiên thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số; kiểm tra, giám sát, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án. Huy động, lồng ghép các nguồn lực nhằm hỗ trợ hộ nghèo sản xuất; tăng cường xã hội hóa, trợ giúp người nghèo tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ xã hội cơ bản, hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững và đa chiều, hạn chế tái nghèo.
Ý kiến bạn đọc (0)