Bảo đảm an sinh, giảm nghèo bền vững
BẮC GIANG - Với phương châm “Không để ai bị bỏ lại phía sau”, việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh được gắn với công tác bảo đảm an sinh xã hội. Không chỉ nhận hỗ trợ từ các chính sách chung, người nghèo còn được trợ giúp an cư, sinh kế sản xuất, mua thẻ bảo hiểm y tế (BHYT)... để từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Hỗ trợ phù hợp
Theo kết quả rà soát sơ bộ năm 2024, toàn tỉnh còn hơn 8,3 nghìn hộ nghèo, chiếm 1,73%, giảm hơn 4,2 nghìn hộ, tương ứng giảm 0,9% so với năm 2023, vượt 0,07% so với mục tiêu đề ra. Hộ cận nghèo còn hơn 12,7 nghìn hộ, chiếm 2,65%, so với năm 2023, giảm 0,75%. So với năm 2021 (đầu giai đoạn), toàn tỉnh giảm hơn 16,3 nghìn hộ nghèo; bình quân mỗi năm giảm 1,18%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra. Tỉnh duy trì kết quả không phát sinh hộ nghèo là người có công với cách mạng.
Đại diện Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh ủng hộ "Thùng quỹ nhân đạo". |
Trao đổi với ông Nghiêm Xuân Tuấn, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) được biết, để có kết quả này, cùng với thay đổi phương thức hỗ trợ từ “cho không” sang có điều kiện, việc xác định “chiều” thiếu hụt - nguyên nhân dẫn tới nghèo của các hộ là giải pháp quan trọng. Bởi từ đó sẽ nắm bắt được nhu cầu để có giải pháp, phương thức trợ giúp phù hợp, trao cơ hội cho người nghèo vươn lên.
Sự chung tay của cộng đồng đã giúp kết quả giảm nghèo của tỉnh ngày càng bền vững, tỷ lệ tái nghèo bình quân mỗi năm ở mức thấp (0,3%). Số hộ nghèo do thiếu hụt các dịch vụ cơ bản chỉ chiếm khoảng 2% tổng số hộ nghèo; hộ nghèo là người dân tộc thiểu số, thuộc diện bảo trợ xã hội đều giảm mạnh. |
Đơn cử như chị Trần Thị Hiện (SN 1991), ở thôn Tiên Lý, xã Yên Định (Sơn Động) tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo vào năm 2023. Được biết, năm 2014, khi mới lập gia đình, điều kiện kinh tế của hai vợ chồng rất khó khăn. Thiếu vốn, kiến thức nên diện tích vải thiều, sắn trồng lâu năm trên đất cằn không mang lại lợi nhuận. Với ý chí vươn lên, năm 2016, qua tư vấn của cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, vợ chồng chị làm thủ tục vay 50 triệu đồng với lãi suất ưu đãi dành cho hộ nghèo từ ngân hàng chính sách xã hội (CSXH).
Có vốn, chị mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại nuôi gà. Từ 400 con gà thương phẩm, đến nay, trung bình mỗi năm, mô hình chăn nuôi của gia đình duy trì ổn định hơn 4 nghìn con/lứa, thu lãi gần 100 triệu đồng. “Ban đầu khi quyết định vay vốn, vợ chồng tôi cũng lo lắm vì chẳng biết làm ăn có thuận không để trả nợ. Nhưng chẳng lẽ lại chịu nghèo mãi nên tôi vẫn quyết tâm gây dựng mô hình. May mắn nhờ vốn vay ưu đãi, đến nay, gia đình tôi đã bớt khó khăn, có điều kiện lo cho các con ăn học”, chị Hiện phấn khởi nói.
Cùng với nâng cao thu nhập, việc hỗ trợ người nghèo tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe được cấp ủy, chính quyền và ngành chức năng tích cực triển khai. Tháng 12/2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 60/2021/NQ-HĐND hỗ trợ thêm 20% mức đóng BHYT theo quy định (ngoài mức hỗ trợ 70% mức đóng của T.Ư) cho người chưa tham gia BHYT thuộc hộ cận nghèo (áp dụng cho giai đoạn 2022 - 2025). Đến nay, tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh đạt hơn 99,3%. Tổng số thẻ BHYT đã phát hành cho người thuộc hộ cận nghèo là hơn 75,9 nghìn thẻ; tổng số tiền ngân sách nhà nước đóng, hỗ trợ đóng là hơn 52 tỷ đồng. Qua đó kịp thời san sẻ khó khăn với người nghèo, người yếu thế trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Đình Tiến (SN 1959), hộ cận nghèo ở thôn Dùm, xã Nghĩa Phương (Lục Nam) mắc bệnh suy thận mạn tính nhiều năm nay. Sức khỏe của ông giảm sút, không có khả năng lao động, lại phải đi viện lọc máu định kỳ khiến cuộc sống của gia đình càng thêm khó khăn. Ông Tiến chia sẻ: "Nhờ được hỗ trợ mua thẻ BHYT nên gánh nặng viện phí khi khám, chữa bệnh đỡ phần nhiều. Nếu không được Nhà nước hỗ trợ, có lẽ người nghèo như chúng tôi phải bỏ dở lịch trình điều trị”.
Chia sẻ khó khăn, hạn chế tái nghèo
Trên "mặt trận" giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã tích cực vào cuộc, huy động nguồn lực chăm lo cho người nghèo. Điển hình như các phong trào, cuộc vận động: Xây nhà đại đoàn kết của MTTQ; "Mái ấm công đoàn" của Liên đoàn Lao động tỉnh; “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” của Hội Chữ thập đỏ; đoàn thanh niên các cấp phối hợp tặng xe đạp, quần áo, sách vở cho học sinh nghèo vượt khó...
Chị Vi Thị Mạnh, dân tộc Nùng, thôn Hợp Thành, xã Phú Nhuận (Lục Ngạn) được hỗ trợ xây dựng mô hình kinh tế, vươn lên thoát nghèo. |
Phát động phong trào “Mỗi chi hội chung tay giúp ít nhất một hộ khó khăn do cựu chiến binh làm chủ thoát nghèo bền vững” từ năm 2019, Hội Cựu chiến binh tỉnh ưu tiên duy trì hiệu quả nguồn ủy thác vốn vay ưu đãi.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh cho biết, năm 2024, Hội phối hợp với ngân hàng CSXH cho hơn 15,6 nghìn hội viên vay vốn; các cấp hội cho gần 4,3 nghìn hội viên vay lãi suất thấp từ quỹ hội để phát triển kinh tế. Điển hình như Hội Cựu chiến binh huyện Tân Yên xây dựng được 30 mô hình “Trao sinh kế giúp hội viên thoát nghèo” cấp xã. Theo đó, đơn vị đã phát động cán bộ, hội viên đóng góp kinh phí và vận động các nguồn xã hội hóa (bình quân 15 triệu đồng/mô hình) để hỗ trợ hội viên khó khăn tiền mua trâu, bò.
Mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 về giảm nghèo bền vững là đến cuối giai đoạn, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 1%. Các cấp, ngành, địa phương đang tập trung mọi nguồn lực để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm cuối nhiệm kỳ.
Ông Dương Ngọc Chiên, Giám đốc Sở LĐTBXH cho biết, giai đoạn này, định hướng của tỉnh là giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập cho người dân. Vì vậy, để hoàn thành mục tiêu đề ra, Sở tham mưu triển khai các giải pháp: Tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo và trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong thực hiện công tác giảm nghèo; đề xuất xây dựng các chương trình, kế hoạch, chính sách đặc thù trên cơ sở gắn với mục tiêu giảm nghèo, ưu tiên cho vùng khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội.
Căn cứ vào điều kiện thực tế từng địa phương lựa chọn triển khai, nhân rộng các mô hình giảm nghèo phù hợp, từng bước nâng cao thu nhập cho người nghèo. Huy động mọi nguồn lực trong cộng đồng để hỗ trợ theo từng mức độ thiếu hụt, giúp người nghèo tự lực vươn lên, hạn chế tái nghèo.
Ý kiến bạn đọc (0)