Xã Trí Yên (Yên Dũng): Nỗ lực giảm nghèo, nâng thu nhập cho người dân
BẮC GIANG - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Đảng ủy, UBND xã Trí Yên (Yên Dũng) đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng dân cư. Từ đây, nhiều chương trình, mô hình giảm nghèo được thực hiện có hiệu quả.
Nhiều cách làm, mô hình hay
Từ năm 2023 đến nay, xã Trí Yên được phân bổ khoảng 400 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững để thực hiện các tiểu dự án hỗ trợ bò nái sinh sản và đào tạo, dạy nghề cho người dân.
Hộ gia đình chị Phạm Thị Phượng, thôn Sơn Thượng được hỗ trợ mua bò sinh sản. |
Hộ gia đình chị Phạm Thị Phượng, thôn Sơn Thượng là một trong số các hộ được thụ hưởng từ tiểu dự án. Đầu năm 2024, vợ chồng chị Phượng được hỗ trợ 16 triệu đồng để mua bò sinh sản. Sau thời gian chăm sóc, bò đã đẻ một lứa, bán được 11 triệu đồng. Hằng ngày, chị Phượng làm nông nghiệp, chồng chị làm thêm nghề cơ khí, cuộc sống dần vơi bớt khó khăn. Mới đây, gia đình anh chị đã ra khỏi diện cận nghèo.
Ngoài thực hiện các tiểu dự án theo Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, cấp ủy, chính quyền xã Trí Yên còn quan tâm tuyên truyền, vận động người dân quan tâm liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín; đưa giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào trồng trọt, chăn nuôi; ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào các khâu; phát triển thương mại dịch vụ. Nổi bật là hoạt động sản xuất tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp công nghệ cao Trí Yên. Sản phẩm chính của HTX là dưa lưới, dưa chuột, cà chua… trồng trong nhà màng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Bình quân mỗi tháng, đơn vị cung cấp từ 20-30 tấn nông sản cho các cửa hàng, siêu thị ở trong và ngoài tỉnh, giải quyết việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.
Xã có hơn 1,3 nghìn hộ, trong đó hơn 100 hộ duy trì nghề làm tương truyền thống, mỗi năm sản xuất từ 45 -50 nghìn lít. Sản phẩm này được xây dựng thương hiệu, truy xuất nguồn gốc, ngày càng có chỗ đứng trên thị trường. Cùng đó, người dân xã Trí Yên tích cực tìm kiếm cơ hội việc làm tại các nhà máy, công ty, năng động buôn bán, làm dịch vụ, xuất khẩu lao động, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người năm 2024 đạt 61 triệu đồng.
Chung tay giảm nghèo
Ông Nguyễn Văn Điển, Chủ tịch UBND xã Trí Yên cho biết, xác định Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững là chương trình quan trọng nhằm bảo đảm an sinh xã hội, Đảng ủy, UBND xã đã ban hành các quyết định, kế hoạch cụ thể lãnh đạo, chỉ đạo công tác này từng năm và giai đoạn. Đảng ủy, UBND xã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; phân công cụ thể cán bộ các ngành, đoàn thể phụ trách từng hộ nghèo, cận nghèo để nắm tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu cần được hỗ trợ, từ đó đề xuất phương pháp cụ thể, hiệu quả.
HTX Nông nghiệp công nghệ cao Trí Yên sản xuất dưa trong nhà lưới. |
Đơn cử như Hội LHPN xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tích cực tham gia các phong trào như “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Phụ nữ làm kinh tế giỏi”. Thông qua đó xuất hiện nhiều điển hình như: Chị Vũ Thị Hồng (thôn Nam Bắc Thành); chị Dương Thị Toán, Nguyễn Thị Hải (thôn Long Sơn), chị Nguyễn Thị Vinh (thôn Tân Phượng)… Hội Nông dân xã đẩy mạnh thực hiện phong trào thi đua "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; làm cầu nối với Phòng Giao dịch ngân hàng chính sách xã hội huyện, giúp 163 hội viên nông dân được vay vốn để thực hiện các dự án phát triển kinh tế.
Nhờ các nguồn lực hỗ trợ, sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là người dân hưởng ứng, thời gian qua, công tác giảm nghèo của xã Trí Yên đạt kết quả cao, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Năm 2024, xã có 13 hộ nghèo và cận nghèo tự nguyện làm đơn xin thoát nghèo. Toàn xã có 1.330 hộ thì hiện chỉ còn 11 hộ nghèo, chiếm 0,83% (giảm 0,74% so với năm 2023, vượt mục tiêu huyện giao). Số cận nghèo còn 16 hộ, chiếm 1,2% (giảm 1,86% so với năm 2023).
Năm 2025, xã Trí Yên phấn đấu nâng thu nhập bình quân đầu người ước đạt 62 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm còn 0,8%; đào tạo nghề và tạo việc làm mới cho 40 người; hỗ trợ ít nhất 20 người xuất khẩu lao động; duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất kinh tế hiệu quả.
Nhằm đạt mục tiêu trên, địa phương đề ra nhiều giải pháp. Theo đó, tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, gắn với xây dựng nông thôn mới; mở rộng vùng trồng lúa hàng hóa tập trung, xây dựng cánh đồng mẫu, tăng diện tích cây trồng có giá trị; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, trong đó tăng quy mô đàn lợn và gia cầm, chú trọng các biện pháp phòng, chống dịch; nâng cao năng suất, hiệu quả nuôi trồng thủy sản.
Đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại và ngành nghề nông thôn; tạo điều kiện duy trì phát triển các HTX; tập trung huy động nguồn lực để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống; tiếp tục nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình giảm nghèo, hỗ trợ người nghèo phát triển sản xuất.
Ý kiến bạn đọc (0)