Sớm đưa Cụm công nghiệp Bãi Ổi vào hoạt động
BẮC GIANG - Làng nghề Bãi Ổi, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang) nổi tiếng với nghề làm đồ mộc. Nhiều hộ nhờ đó mà có của ăn, của để, vươn lên làm giàu song hoạt động sản xuất, kinh doanh tại đây đang gây ra những hệ lụy cần có giải pháp khắc phục.
Theo lãnh đạo xã Dĩnh Trì, làng nghề có hơn 150 hộ làm nghề mộc, trong đó riêng Hợp tác xã (HTX) Mộc Bãi Ổi có 54 thành viên, tổng doanh thu đạt hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, hiện nay các xưởng sản xuất, kinh doanh đồ mộc nằm xen kẽ trong khu dân cư gây khói bụi, tiếng ồn, nước thải, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân sinh sống khu vực lân cận. Để khắc phục tình trạng này, Cụm công nghiệp (CCN) Bãi Ổi đã được thành lập với diện tích 12 ha thuộc địa bàn thôn Bãi Ổi nhằm hình thành khu tập trung cho sản xuất đồ gỗ.
Các ngành nghề thu hút đầu tư vào CCN bao gồm: Chế biến gỗ, gỗ mỹ nghệ, cơ khí chế tạo máy, linh kiện điện tử, các ngành công nghiệp phụ trợ. UBND TP Bắc Giang làm chủ đầu tư CCN. Theo ông Lương Tiến Thành, Giám đốc HTX Mộc Bãi Ổi, dù CCN này đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật từ khoảng tháng 6 năm 2019 nhưng chưa được đưa vào sử dụng hiệu quả. Theo điều chỉnh quy hoạch mới vào tháng 11/2023, CCN thu hẹp ngành nghề, chỉ cho phép sử dụng vào mục đích trưng bày, chế biến lâm sản, đồ gỗ nội thất. Nhiều năm qua, khu vực này vẫn để không trong khi nhu cầu di dời nhà xưởng của các hộ sản xuất mộc ra khỏi khu dân cư rất lớn.
Trước thực tế trên, nhiều ý kiến đề xuất cần có giải pháp sớm đưa CCN Bãi Ổi vào hoạt động, khai thác, sử dụng hiệu quả quỹ đất, hạ tầng. Đề nghị lãnh đạo TP Bắc Giang thành lập tổ công tác giám sát tiến độ và kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hút đầu tư vào CCN này.
Việc thu hút các xưởng sản xuất đồ gỗ vào CCN, di dời ra khỏi khu vực đông dân cư sẽ giúp cải thiện chất lượng không khí, giảm tiếng ồn và nguy cơ ô nhiễm nguồn nước. CCN sẽ là nơi tập trung sản xuất chuyên nghiệp, giúp các thành viên trong HTX cũng như các hộ sản xuất, kinh doanh đồ gỗ nội thất có động lực mở rộng quy mô, tăng doanh thu. Để thu hút các dự án cần tạo môi trường thuận lợi để các cơ sở sản xuất áp dụng công nghệ mới, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Nghiên cứu, xem xét miễn, giảm thuế, hỗ trợ vốn vay ưu đãi ban đầu cho các cơ sở sản xuất khi mới chuyển vào CCN để xây dựng nhà xưởng. Cải thiện hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ, bảo đảm CCN có hệ thống xử lý nước thải, thu gom chất thải rắn đạt chuẩn; xây dựng các tuyến đường giao thông thuận lợi, kết nối CCN với các khu vực xung quanh. Như vậy sẽ góp phần khai thác hiệu quả CCN đã được đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực.
Ý kiến bạn đọc (0)