Chung tay đẩy lùi bạo lực học đường
BẮC GIANG - Bạo lực học đường (BLHĐ) xảy ra trong học sinh, thanh thiếu niên bởi ở độ tuổi này, tâm - sinh lý các em có nhiều biến đổi, muốn chứng tỏ bản thân, suy nghĩ bồng bột, dễ bị rủ rê, lôi kéo, chưa biết cách xử lý tình huống mâu thuẫn, va chạm. Quan tâm giáo dục, hướng dẫn các em kiến thức, kỹ năng sống, xây dựng tình bạn đẹp sẽ giúp các em có thêm động lực, tự tin, hỗ trợ nhau trong học tập, tạo môi trường học đường an toàn, phát triển toàn diện cho học sinh.
Trang bị kỹ năng ứng xử
Bên cạnh nâng cao chất lượng dạy và học, Trường THPT Sơn Động số 2 còn chú trọng rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua các giờ sinh hoạt ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nói chuyện chuyên đề. Với mong muốn ngăn chặn, đẩy lùi BLHĐ, trang bị kỹ năng ứng xử cho học sinh, mới đây, nhà trường tổ chức diễn đàn “Xây dựng tình bạn đẹp, nói không với BLHĐ”. Nội dung diễn đàn hướng tới chia sẻ những câu chuyện về tình bạn đẹp trong học đường; phổ biến kiến thức pháp luật; tuyên dương những tấm gương có hành động tham gia giải quyết, phòng, chống BLHĐ. Đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao kỹ năng xử lý tình huống, kỹ năng phòng vệ trước hành vi bạo lực.
Đoàn viên thanh niên TP Bắc Giang đóng tiểu phẩm tuyên truyền phòng, chống BLHĐ. |
Em Lãnh Thế Bình, học sinh lớp 12A1 nói: “Tham gia diễn đàn, em hiểu rằng BLHĐ không chỉ gây đau đớn về thể xác mà còn gây tổn thương tâm lý lâu dài với những người phải trải qua. Qua đó, em tự ý thức về trách nhiệm của bản thân cần lên tiếng để ngăn ngừa các hành vi bạo lực, cùng xây dựng môi trường học đường lành mạnh, đoàn kết”.
Để xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực, thời gian qua, Liên đội Trường THCS Ngô Sĩ Liên (TP Bắc Giang) đã lồng ghép các nội dung “Nói không với BLHĐ” vào các buổi sinh hoạt dưới cờ, thu hút đông đảo các bạn học sinh trong trường hào hứng tham gia. Tại mỗi chương trình, bằng hình thức sân khấu hóa, các em hiểu thêm về vai trò của tình bạn; đồng thời, giáo viên hướng dẫn học sinh thảo luận cách thức xây dựng tình bạn đẹp, cách ngăn ngừa các hình thức BLHĐ, kỹ năng phòng đuối nước, tai nạn thương tích và xâm hại trẻ em. Bên cạnh đó, nhà trường còn thành lập “Tổ tư vấn học đường” để các em có thể chia sẻ tâm tư, nguyện vọng với thầy, cô giáo.
Theo cô giáo Hoàng Huyền Trang, Tổng phụ trách Đội Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Ban Giám hiệu nhà trường đã yêu cầu giáo viên Tổng phụ trách Đội, giáo viên chủ nhiệm xây dựng kế hoạch tuyên truyền nhằm định hướng cho học sinh những giá trị đạo đức tốt đẹp, nêu gương người tốt, việc tốt để các em noi theo. Phát động thực hiện phong trào thi đua “Đôi bạn cùng tiến”, “Bạn giúp bạn” nhằm tăng cường tình đoàn kết, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Với cách làm như vậy, thời gian dài, nhà trường không xảy ra BLHĐ; học sinh chăm ngoan, phấn đấu đạt nhiều thành tích cao trong học tập.
Xây dựng môi trường học tập an toàn
Đồng chí Giáp Xuân Cảnh, Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho rằng ở độ tuổi học sinh, tâm - sinh lý các em có nhiều biến đổi, muốn chứng tỏ bản thân, suy nghĩ bồng bột, dễ bị rủ rê, lôi kéo, chưa biết cách xử lý tình huống nên dễ dẫn tới các vấn đề liên quan tới an ninh trật tự. Vậy nên, việc xây dựng môi trường học tập an toàn luôn được các cấp, ngành, tổ chức Đoàn, Đội và nhà trường đặc biệt quan tâm.
Xây dựng môi trường học đường an toàn, tuyên truyền, nâng cao kiến thức nhằm ngăn ngừa BLHĐ, xâm hại trẻ em là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Tỉnh đoàn, Hội đồng Đội tỉnh chỉ đạo các đoàn trường, liên đội chú trọng tổ chức, đưa vào tiêu chí xét thi đua hằng năm. Bằng việc đổi mới, đa dạng hình thức tổ chức, các hoạt động thu hút sự quan tâm, đón nhận của đông đảo học sinh, giáo viên. Nhiều trường học đã xây dựng chương trình giao lưu, trò chuyện với chuyên gia, nhà tư vấn tâm lý, cuộc thi tìm hiểu pháp luật, gameshow, xây dựng các tiểu phẩm, ca, kịch, sản xuất video trên nền tảng mạng xã hội về chủ đề tình bạn, phòng, chống BLHĐ.
Phiên tòa giả định diễn ra với đầy đủ trình tự, thủ tục, thành phần theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự giúp các em hiểu rõ tính nghiêm minh của pháp luật, nâng cao nhận thức, có cách xử sự phù hợp, tránh những mâu thuẫn trong học đường và cuộc sống; góp phần phòng ngừa tội phạm. |
Đơn cử như tại Trường THPT Phương Sơn (Lục Nam), khoảng 1 nghìn học sinh nhà trường đã được theo dõi “Phiên tòa giả định” xét xử tội “Cố ý gây thương tích”. Kịch bản được xây dựng dựa trên tình huống thực tế là hai học sinh lớp 11 do mâu thuẫn trên mạng xã hội, đã hẹn gặp để đánh nhau. Một bên dùng dao chém bạn, gây thương tích 5%. "Phiên tòa giả định" diễn ra với đầy đủ trình tự, thủ tục, thành phần theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự. Qua đó, giúp các em hiểu rõ tính nghiêm minh của pháp luật, nâng cao nhận thức, có cách xử sự phù hợp, tránh những mâu thuẫn trong học đường và cuộc sống; góp phần phòng ngừa tội phạm.
Cùng với nhà trường, gia đình đóng vai trò quan trọng giáo dục, nâng cao kiến thức về phòng, chống BLHĐ cho con em. Chị N.T.L ở phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) cho biết: “Tôi thường xuyên trò chuyện, hỏi han tình hình học tập và những câu chuyện trên lớp của con. Gần đây, tôi thấy con có một vài xích mích nhỏ với một bạn học ở lớp. Ngay lập tức, tôi cùng con phân tích sự việc, tới gặp giáo viên chủ nhiệm và bạn học để hóa giải những bất đồng, kịp thời ngăn chặn sự việc tiêu cực có thể xảy ra”. Từ câu chuyện của con mình, chị L mong rằng, các bậc phụ huynh cần là người bạn đồng hành, trang bị và định hướng cho con những kỹ năng cần thiết để giải quyết những khó khăn trong học tập, sinh hoạt, cách ứng xử trong cuộc sống.
Để ngăn ngừa, chấm dứt vấn nạn BLHĐ, theo đồng chí Giáp Xuân Cảnh, nhà trường cần tăng cường giáo dục tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, trang bị kỹ năng mềm cho học sinh. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong cơ sở giáo dục. Phát huy vai trò của ban cán sự lớp, đội tự quản, giáo viên chủ nhiệm, cán bộ Đoàn, Đội trong phát hiện mâu thuẫn, có biện pháp ngăn chặn kịp thời. Trong trường hợp có dấu hiệu phức tạp phải nhanh chóng thông tin đến lực lượng công an để xử lý. Bên cạnh đó, gia đình cần đồng hành, chủ động theo dõi và uốn nắn con có thái độ đúng đắn, ủng hộ cái đúng, phê phán, lên án những hành vi thô bạo, biết tự bảo vệ bản thân, tránh làm tổn thương bạn bè. Bản thân mỗi học sinh hãy tích cực rèn luyện kỹ năng, có lối sống lành mạnh, ứng xử văn hóa, chấp hành tốt nội quy trường, lớp, quy định của pháp luật.
Ý kiến bạn đọc (0)