Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại, củng cố vững chắc môi trường hòa bình, ổn định
BẮC GIANG - Ngày 6/1, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức tổng kết công tác năm 2024; triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2025. Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Đối ngoại T.Ư Lê Hoài Trung; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn.
Đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang.
Đồng chí Mai Sơn chủ trì tại điểm cầu Bắc Giang. |
Theo Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục biến động phức tạp, có nhiều vấn đề mới. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Thủ tướng Chính phủ, công tác đối ngoại và ngoại giao đã được triển khai chủ động, đồng bộ, sáng tạo và hiệu quả. Tiếp tục đóng góp quan trọng vào củng cố vững chắc môi trường hòa bình, ổn định và cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển KT-XH và bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời tiếp tục nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Tầm nhìn và tư duy chiến lược về đối ngoại cùng các quyết sách, định hướng chiến lược đã tạo chuyển biến căn cơ về cục diện đối ngoại của nước ta. Công tác đối ngoại ngày càng được nâng tầm, phát huy mạnh mẽ vai trò tiên phong, tạo đồng thuận ngày càng cao và đạt nhiều bước phát triển mới trong các lĩnh vực đối ngoại song phương và đa phương, ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân.
Đối với Bắc Giang, công tác đối ngoại có chuyển biến tích cực, quan hệ hợp tác giữa tỉnh với các đối tác, địa phương nước ngoài được mở rộng ở các cấp, các ngành; hoạt động giao lưu, hợp tác quốc tế ngày càng thực chất, hiệu quả; vị thế của tỉnh Bắc Giang ngày càng được nâng cao. Công tác đối ngoại đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, giữ vững quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu dự tại điểm cầu Bắc Giang. |
UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo triển khai đề án đẩy mạnh hợp tác quốc tế cấp địa phương với các địa phương nước ngoài giai đoạn 2021-2025. Các cơ quan, địa phương trong tỉnh tích cực triển khai hoạt động hợp tác theo thỏa thuận đã ký với tỉnh Xay Sổm Bun (Lào), tỉnh Chungcheongnam (Hàn Quốc) và Bản ghi nhớ với TP Nam Ninh, Quảng Tây (Trung Quốc). Các hoạt động hợp tác cấp địa phương được triển khai thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, được xem là kênh hợp tác đặc biệt, góp phần củng cố quan hệ đối ngoại của tỉnh trên các lĩnh vực.
Lãnh đạo tỉnh đón tiếp 7 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại tỉnh và cho phép các cơ quan, địa phương trong tỉnh tiếp, làm việc với nhiều đoàn khách nước ngoài. Tỉnh tham gia một số hội nghị, hội thảo quốc tế do các bộ, ngành chức năng kết nối; giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, tình hình phát triển KT-XH của tỉnh với các đối tác; trao đổi những định hướng hợp tác với các đối tác quốc tế trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, dịch vụ, du lịch… nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác.
Năm 2024, toàn tỉnh thu hút hơn 2,14 tỷ USD vốn đầu tư quy đổi; đứng thứ 10 cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của tỉnh tăng mạnh, cả năm ước đạt 60 tỷ USD, tăng 14,5%; riêng xuất khẩu ước đạt 33 tỷ USD, tăng 20,4%, xuất siêu 6 tỷ USD, đứng thứ 5 cả nước.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá trong các thành tựu chung của cả nước có sự đóng góp rất quan trọng của ngành ngoại giao. Đó là góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cho phát triển. Xử lý hài hòa, ổn thỏa một số vấn đề phát sinh nổi lên trong quan hệ với các đối tác quan trọng. Tiếp tục nâng cấp quan hệ với các đối tác, tạo cục diện đối ngoại thuận lợi. Không ngừng tăng cường mở rộng phạm vi, đối tượng, địa bàn hoạt động ngoại giao thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế, ngoại giao công nghệ, ngoại giao văn hóa; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền đối ngoại nhằm thu hút nguồn lực của người Việt Nam ở nước ngoài...
Để thực hiện các mục tiêu năm 2025, Thủ tướng đề nghị toàn ngành ngoại giao tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trước hết, mọi hoạt động đối ngoại, ngoại giao phải phục vụ đắc lực, hiệu quả cho mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% và phấn đấu cao hơn trong điều kiện có thể. Hoạt động ngoại giao phải góp phần thúc đẩy lực lượng sản xuất mới. Giữ vững, củng cố, tăng cường cục diện đối ngoại thuận lợi, môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển, thúc đẩy quan hệ với các nước…
Ý kiến bạn đọc (0)