Ưu tiên vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển KT-XH
BẮC GIANG - Chiều 7/1, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2025. Dự hội nghị có đồng chí Phan Thế Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số cơ quan tỉnh.
Năm 2024, NHNN Chi nhánh tỉnh thực hiện nghiêm các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Đến hết năm 2024, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt gần 122 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 14,7 nghìn tỷ đồng so với năm trước. Tổng dư nợ đạt hơn 113 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 17 nghìn tỷ đồng so với năm trước, cao hơn tăng trưởng tín dụng bình quân của cả nước.
Các đại biểu dự hội nghị. |
Ngành Ngân hàng thực hiện nhiều chính sách, chương trình tín dụng đồng bộ, bảo đảm cung ứng đủ vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Các chi nhánh ngân hàng thương mại luôn chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, thẩm định hồ sơ vay vốn của khách hàng, bảo đảm an toàn. Nợ xấu được kiểm soát, tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,42% tổng dư nợ, giảm 0,13% so với năm trước.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu thống nhất với nhiệm vụ ngành đề ra năm 2025: Huy động vốn tăng 12-14%; dư nợ tăng 14-16%; nợ xấu dưới 2%. Đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về tiền tệ, bảo đảm hoạt động ngân hàng phát triển an toàn, hiệu quả và bền vững...
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phan Thế Tuấn ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành đạt được trong năm qua, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Đồng chí nhấn mạnh, năm 2025, dự báo tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, thách thức, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX về phát triển kinh tế, ngành Ngân hàng cần tiếp tục phát huy kết quả đạt được, thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động.
Cụ thể, NHNN Chi nhánh tỉnh chủ động nghiên cứu, chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm các giải pháp về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng. Theo dõi, nắm bắt tình hình KT-XH và hoạt động ngân hàng trên địa bàn để kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc; báo cáo, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương và Thống đốc NHNN về biện pháp quản lý hoạt động tổ chức tín dụng, bất cập của cơ chế chính sách cần sửa đổi, bổ sung.
Đồng chí Phan Thế Tuấn phát biểu tại hội nghị. |
Đặc biệt, NHNN Chi nhánh tỉnh quan tâm chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực được ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, giám sát, phát hiện và xử lý theo thẩm quyền các vi phạm ở lĩnh vực này.
Ngành Ngân hàng cần tiếp tục triển khai các gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển bền vững của tỉnh. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ hiện đại, tiện ích hơn nữa, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân và doanh nghiệp. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ về sắp xếp, tinh gọn bộ máy bảo đảm hiệu lực, hiệu quả.
Đồng chí yêu cầu các chi nhánh ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng chấp hành nghiêm quy định của NHNN Việt Nam; thực hiện các giải pháp tăng trưởng tín dụng đi đôi với kiểm soát chất lượng.
Tích cực triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu; phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thu hồi nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm; tăng cường ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng. Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, bảo đảm an ninh, an toàn hoạt động công nghệ thông tin, thanh toán điện tử, thanh toán thẻ...
Ý kiến bạn đọc (0)