Thêm hai tỉnh cho học sinh nghỉ thứ 7
Phú Thọ và Yên Bái thí điểm cho học sinh học 5 ngày trong tuần từ kỳ II, trong đó Phú Thọ cho cả cấp THPT nghỉ thứ 7, kỳ vọng hạn chế dạy thêm, học thêm.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, ngày 7/1 cho biết việc này được Sở Giáo dục và Đào tạo đưa ra sau kỳ họp Hội đồng nhân dân tháng trước.
Học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, Phú Thọ trong giờ Tin học tháng 3/2024. |
Khi đó, có đại biểu chia sẻ nhiều giáo viên, phụ huynh, học sinh mong muốn chỉ học 5 ngày mỗi tuần. Như khảo sát ở huyện Tân Sơn, 70% ủng hộ việc này.
Vì thế, từ kỳ II năm học này, Sở thí điểm cho học sinh khối 10, 11 của 14 trường THPT nghỉ thứ 7. Với cấp THCS, Sở giao các Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các trường đủ điều kiện triển khai với khối 6, 7, 8, bảo đảm mỗi nơi thí điểm ít nhất một trường.
Theo ông Mạnh, Sở kỳ vọng việc này hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm như chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo; tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh có thời gian tự học, tự bồi dưỡng, tham gia các hoạt động cộng đồng, xã hội.
Để học sinh nghỉ thứ 7, Phú Thọ yêu cầu các trường bảo đảm cơ sở vật chất, phòng học để tổ chức học hai buổi mỗi ngày nhằm bảo đảm đủ số tiết học theo chương trình.
Theo quy định của Bộ, nếu dạy cả ngày, các trường không được dạy quá 4 tiết buổi sáng với bậc THCS, 5 tiết với THPT; buổi chiều tối đa 3 tiết và một tuần không quá 6 ngày học, áp dụng cả hai cấp. Số tiết tối đa một tuần của học sinh THCS là 42, THPT 48.
Từ kỳ II năm học này, tỉnh Yên Bái cũng thí điểm dạy học 5 ngày mỗi tuần với học sinh cấp THCS trên toàn tỉnh, theo quyết định của UBND tỉnh hôm 6/1. Các trường phải sắp xếp để bảo đảm đúng, đủ nội dung, chương trình; không gây quá tải cho học sinh và giáo viên.
Trước Phú Thọ và Yên Bái, một số địa phương cho học sinh bậc THCS nghỉ thứ 7 như Lai Châu, Lào Cai, TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), Bắc Ninh.
Các địa phương chung nhận định việc cho học sinh nghỉ trọn vẹn hai ngày cuối tuần giúp giảm áp lực học tập, có thời gian vui chơi, nâng cao sức khoẻ, kỹ năng sống. Trong khi đó, giáo viên có thêm thời gian tái tạo năng lực, tự học hoặc tham gia bồi dưỡng để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.
Ý kiến bạn đọc (0)