Bài học từ... 200 nghìn đồng
Giữa trưa ngày 11/8, cháu Nguyễn Minh An (SN 2009) ở xã Đào Mỹ (Lạng Giang) nhận được một cuộc điện thoại từ số máy lạ. Bên kia đầu dây là giọng một nam giới nói đại ý là: “Chị ơi, chị xuống lấy hàng là 4 chiếc túi và ba lô do chị Ánh (chị gái An) mua gửi về. Em đang ở nhà văn hóa thôn X, xã Đào Mỹ (nhà văn hóa cách nhà An khoảng 500 mét-PV)”.
![]() |
4 chiếc túi và balo mà ông Tuấn nhận từ người giao hàng. |
An nửa tin nửa nghi, kể lại chuyện đó cho bố mình là ông Nguyễn Lâm Tuấn (SN 1968). Thấy nhắc đúng tên con gái mình trong khi biết Ánh cũng từng mua đồ gửi về nhà nên ông Tuấn không hề nghi ngờ và đến nhà văn hóa.
Đến nơi, ông Tuấn thấy một nam thanh niên ngoài 20 tuổi, đeo khẩu trang, kính râm, đội mũ bảo hiểm đưa cho mình 4 chiếc túi và ba lô. Tất cả đều không bọc gói cẩn thận, không ghi địa chỉ người gửi, người nhận, đóng con dấu của bưu điện. Thấy ông lưỡng lự, thanh niên kia vội vàng nói “Chú nhận và trả 200 nghìn đồng là giá của những sản phẩm này giúp cháu. Tranh thủ buổi trưa, cháu phải đi giao hàng cho nhiều người khác nữa”. Nghe vậy, ông Tuấn đồng ý trả tiền rồi lấy hàng mang về.
Về nhà, cầm những chiếc túi, ba lô bằng chất liệu vải dù rất đơn giản, đường chỉ may cẩu thả, còn nhiều chỉ thừa, nghe thông tin bên ngoài thị trường chỉ có giá vài chục nghìn cả 4 chiếc, ông Tuấn ngán ngẩm biết mình bị lừa. Ông gọi lại vào số điện thoại đã điện lúc trước thế nhưng không liên lạc được.
Tuy số tiền đối tượng chiếm đoạt không nhiều nhưng phương thức, thủ đoạn này mới, có sự chuẩn bị, tìm hiểu kỹ về gia đình vì biết rõ địa chỉ nhà, tên hai người con gái của ông Tuấn và biết chị Ánh đã lập gia đình, đang sinh sống ở xã khác thì mới có thể gửi đồ về cho em gái. Thế nhưng do ông Tuấn nhẹ dạ cả tin, không tỉnh táo trước những thủ đoạn lừa đảo. Sau khi bị mất tiền, ông đã kể cho hàng xóm, bạn bè nghe lại để mọi người nâng cao cảnh giác, tránh bị kẻ gian lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mạc Yến
Ý kiến bạn đọc (0)