Quản lý bệnh không lây nhiễm ở tuyến xã: Bảo đảm hiệu quả điều trị, giảm áp lực cho tuyến trên
BẮC GIANG - Nhằm giảm áp lực cho bệnh viện tuyến trên, một số bệnh không lây nhiễm được đưa về quản lý và điều trị tại các trạm y tế. Nhờ vậy, cơ sở vật chất tại các trạm y tế được khai thác hiệu quả hơn, giúp kiểm soát bệnh trạng, giảm chi phí đi lại cũng như ngăn ngừa tai biến cho người bệnh.
Thuận tiện, an toàn
Bị bệnh đái tháo đường từ năm 2015, mỗi tháng bà Phan Thị Vỹ (sinh năm 1950), trú tại tổ dân phố Hữu Nghi, phường Ninh Sơn (thị xã Việt Yên) lại đến Trung tâm Y tế thị xã khám, lấy thuốc về uống. Tuổi cao nên bà phải nhờ con, cháu hoặc phải thuê xe đến lấy thuốc. Cũng giống như bà Vỹ, hơn 5 năm nay, ông Nguyễn Văn Hà (sinh năm 1970), cùng trú tại tổ dân phố Hữu Nghi phải đến Trung tâm Y tế thị xã khám, lấy thuốc điều trị đái tháo đường hằng tháng. Mỗi lần như vậy, ông mất cả buổi sáng bởi cùng lúc có rất đông bệnh nhân khám, lấy thuốc điều trị ngoại trú các bệnh không lây nhiễm tại trung tâm.
![]() |
Bác sĩ Trạm Y tế xã Phúc Sơn (Sơn Động) tư vấn sức khỏe cho bệnh nhân điều trị ngoại trú bệnh không lây nhiễm. |
Niềm vui đến với bà Vỹ, ông Hà cũng như những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường khác trên địa bàn phường Ninh Sơn khi Trung tâm Y tế thị xã Việt Yên chuyển hoạt động theo dõi, quản lý các bệnh nhân này về trạm y tế phường từ ngày 1/3/2025. Cùng với cấp bổ sung dụng cụ test, cơ số thuốc, Trung tâm tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ, nhân viên của trạm. Nhờ đó, dù mới tiếp nhận công tác quản lý bệnh không lây nhiễm song hoạt động khám, cấp thuốc diễn ra thuận lợi, an toàn.
Bác sĩ Nguyễn Thị Hằng, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Ninh Sơn cho biết: “Cùng với 13 bệnh nhân đái tháo đường mới được chuyển về, hiện trạm còn quản lý 485 bệnh nhân tăng huyết áp. Để thuận lợi cho người bệnh, chúng tôi phân luồng, bảo đảm mỗi ngày chỉ khám, cấp thuốc cho từ 25-30 bệnh nhân và bố trí khu vực khám, cấp thuốc điều trị ngoại trú riêng”.
Sau 14 năm triển khai, đến nay, trong 192 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có 182/192 trạm y tế quản lý bệnh nhân mắc một số bệnh rối loạn tâm thần; 178/192 trạm y tế quản lý cả bệnh nhân rối loạn tâm thần và tăng huyết áp. Một số trạm quản lý được bệnh nhân đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản. Tổng số người mắc bệnh không lây đang điều trị tại các trạm y tế là hơn 41,2 nghìn người. |
Nhằm nâng cao hiệu quả quản lý bệnh không lây nhiễm ngay từ cơ sở, giảm áp lực cho y tế tuyến trên, từ năm 2011, ngành y tế tỉnh chuyển bệnh nhân tăng huyết áp về khám và điều trị ngoại trú tại các trạm y tế. Sau 14 năm triển khai, đến nay, trong số 192 trạm y tế xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có 182/192 trạm y tế quản lý bệnh nhân mắc một số bệnh rối loạn tâm thần; 178/192 trạm y tế quản lý cả bệnh nhân rối loạn tâm thần và tăng huyết áp. Ngoài hai bệnh trên, có một số trạm y tế quản lý được bệnh nhân đái tháo đường và bệnh nhân mắc phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản.
Tổng số bệnh nhân mắc bệnh không lây đang điều trị tại các trạm y tế là hơn 41,2 nghìn người. Để được tiếp nhận, điều trị ngoại trú, các trạm y tế phải có bác sĩ và được cơ quan chuyên môn của Sở Y tế thẩm định cơ sở đủ điều kiện quản lý bệnh không lây nhiễm. Cùng đó, bác sĩ của trạm được tập huấn công tác quản lý, điều trị ngoại trú và có thời gian thực hành tại trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố.
Bác sĩ Đào Văn Hải, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sơn Động cho biết: “Hiện các trạm y tế trên địa bàn huyện đang quản lý gần 2 nghìn bệnh nhân tăng huyết áp, chiếm 76% số bệnh nhân toàn huyện. Triển khai điều trị bệnh không lây nhiễm tại các trạm y tế mang đến lợi ích kép, vừa giảm chi phí điều trị, thời gian đi lại cho người bệnh, vừa giảm áp lực cho tuyến trên”.
Dự phòng, sàng lọc và điều trị sớm
Theo Tổ chức Y tế thế giới, bệnh không lây nhiễm (bệnh mạn tính) là các bệnh không lây từ người sang người, bệnh không có nguồn gốc nhiễm trùng, khởi phát từ từ, tiến trình bệnh kéo dài, điều trị dai dẳng, để lại hậu quả nặng nề đối với bệnh nhân và gánh nặng xã hội. Tại Bắc Giang, thống kê đến tháng 3/2025, toàn tỉnh có hơn 162,5 nghìn bệnh nhân mắc các bệnh không lây nhiễm, tăng 2,29% so với năm 2020. Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm phải dùng thuốc suốt đời, là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng quá tải bệnh viện.
Bác sĩ Nguyễn Văn Hoàn, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tân Yên cho biết: “Các bệnh không lây nhiễm được coi là “sát thủ thầm lặng”, phần lớn người mắc được phát hiện khi biểu hiện bệnh đã nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì vậy việc sàng lọc, phát hiện sớm, quản lý tốt ở tuyến cơ sở sẽ là cách hỗ trợ tốt nhất cho người bệnh và cộng đồng”.
Để nâng cao hiệu quả điều trị các bệnh không lây nhiễm, hằng năm, Sở Y tế chỉ đạo cơ quan chuyên môn, các bệnh viện tuyến tỉnh hướng dẫn triển khai tập huấn nghiệp vụ, mở lớp bồi dưỡng chuyên môn, kỹ thuật xét nghiệm, nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác điều trị, quản lý bệnh nhân tại tuyến cơ sở. Chỉ đạo trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố đôn đốc, hướng dẫn các trạm y tế thực hiện nhiệm vụ dự phòng, phát hiện, quản lý, điều trị bệnh. Mặc dù vậy, qua đánh giá, số bệnh nhân được theo dõi, điều trị tại các trạm y tế còn thấp so với số trường hợp được phát hiện bệnh.
Cụ thể, các trạm y tế mới chỉ tiếp nhận, quản lý hơn 89,1% bệnh nhân bị rối loạn tâm thần, hơn 33,8% bệnh nhân tăng huyết áp, hơn 2,6% bệnh nhân viêm phổi mạn tính, hen phế quản và gần 1,5% bệnh nhân đái tháo đường. Nguyên nhân là do nhận thức của người dân về tác hại cũng như cách phòng tránh bệnh không lây nhiễm còn hạn chế; nhiều người còn tâm lý không muốn điều trị ở tuyến dưới; nhân lực tại các trạm y tế còn thiếu, kiêm nhiệm nhiều công tác chuyên môn khác nhau.
Khắc phục những hạn chế này, thời gian tới, ngành y tế tiếp tục củng cố, tăng cường năng lực hệ thống y tế tuyến cơ sở; đẩy mạnh việc quản lý, điều trị các bệnh không lây nhiễm tại cơ sở; tăng cường các biện pháp phòng bệnh theo hướng toàn diện, lồng ghép, dựa vào cộng đồng và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể.
Đồng chí Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Sở Y tế sẽ tiếp tục mở rộng quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm khác về tuyến xã. Trước mắt trong năm 2025, sở sẽ tổ chức tập huấn, hướng dẫn bác sĩ tại các trạm y tế về chuyên môn khám, theo dõi, điều trị bệnh nhân bị suy tuyến giáp; đẩy mạnh biện pháp khám sàng lọc tại cộng đồng, kịp thời phát hiện, đưa vào quản lý, điều trị sớm”.
Ý kiến bạn đọc (0)