Cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo qua mạng
Những chiêu lừa chủ yếu
Tội phạm lừa đảo qua không gian mạng ngày càng tinh vi, phức tạp. Các đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện các hành vi phạm tội. Đáng chú ý nạn nhân ở đủ các lứa tuổi, thành phần, nghề nghiệp. Thượng tá Trịnh Nguyên Lượng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự thông tin: Qua phân loại, nổi lên 5 chiêu lừa chủ yếu. Trước hết, các đối tượng mạo danh cơ quan thực thi pháp luật (công an, viện kiểm sát, tòa án) móc nối với nhau dẫn dụ nạn nhân phải chuyển tiền đến tài khoản do chúng cung cấp để điều tra, xác minh về một vụ án nào đó mà chúng dựng lên (thường liên quan đến ma túy, rửa tiền), đồng thời dọa dẫm phải tuyệt đối giữ bí mật.
Lực lượng cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) tham gia một vụ án đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao. |
Quá trình điều tra, nếu chứng minh được bị hại không liên quan đến vụ án thì số tiền trên sẽ được hoàn trả đầy đủ. Chiêu lừa này tuy không mới nhưng lại khiến nhiều người sập bẫy vì tâm lý lo lắng, sợ bị liên lụy. Với thủ đoạn này, bà Nguyễn Thị H ở khu Đồng Cửa, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) vừa bán nhà được 3,5 tỷ đồng đã bị lừa 3 tỷ đồng; ông K ở huyện Hiệp Hòa bị lừa 679 triệu đồng.
Qua mạng xã hội facebook, chúng tìm hiểu rất kỹ về nạn nhân, nếu biết chị em đơn thân sẽ kết bạn. Đối tượng giả danh là người nước ngoài, dùng những lời đường mật tán tỉnh, hứa sẽ kết hôn với nạn nhân. Chúng vẽ ra có khoản tiền hàng triệu đô-la, muốn chuyển về cho nạn nhân cất giữ. Thế nhưng muốn lấy được thì nạn nhân phải chuyển tiền bảo lãnh.
Tin lời kẻ xấu, chị Nông Thị K (SN 1984) ở xã Xuân Lương (Yên Thế) đã chuyển tổng cộng 1,6 tỷ đồng. Theo người phụ nữ này thì sau khi nghe những lời hứa chuyển tiền từ bạn trai ở nước ngoài, hôm sau chị nhận được điện thoại của một phụ nữ xưng là nhân viên ngân hàng (thực chất là đồng bọn của chúng) đề nghị chị đóng phí. Đóng xong không nhận được tiền gửi về, chị mới biết mình bị lừa.
Một hình thức lừa đảo mới, đó là đối tượng lập website, giả danh đường link của ngân hàng, yêu cầu khách hàng nhấp vào để đánh cắp thông tin tài khoản cá nhân, chuyển tiền của nạn nhân sang tài khoản của chúng rồi chiếm đoạt. Hoặc đối tượng giả làm nhân viên ngân hàng, thông báo cho nạn nhân có khoản tiền chuyển vào tài khoản, nhưng bị lỗi giao dịch.
Để nhận tiền, nạn nhân phải cung cấp các thông tin cho chúng. Bằng thủ đoạn này, đã có 4 nạn nhân trên địa bàn tỉnh trình báo bị mất số tiền hơn 1 tỷ đồng. Điển hình là anh C (SN 1974) ở xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) bị mất 55 triệu đồng; anh Tr (SN 1988) ở thôn Kim Tràng, xã Việt Lập (Tân Yên) bị chiếm đoạt 500 triệu đồng.
Nâng cao cảnh giác
Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đang có những diễn biến phức tạp. Hoạt động giao dịch không biên giới nên khó xác định được địa bàn xảy ra trong nước hay ở nước ngoài. Nhằm đối phó với cơ quan công an, các đối tượng sau khi thực hiện hành vi phạm pháp đã nhanh chóng xóa dấu vết, tài khoản, hủy sim rác. Các nạn nhân vì nhiều lý do trong đó có e ngại, xấu hổ, sợ liên lụy đến người thân nên cũng “ngậm bồ hòn làm ngọt”.
Khi trình báo cơ quan chức năng thì vụ việc xảy ra đã lâu, đủ thời gian để các đối tượng phi tang, xóa dấu vết, gây nhiều khó khăn cho công tác điều tra. Bên cạnh đó, lực lượng làm công tác điều tra tội phạm này mỏng; trình độ năng lực, phương tiện kỹ thuật phục vụ điều tra, phá án còn hạn chế, chưa theo kịp với sự gia tăng của tội phạm này, nhất là những vụ việc có yếu tố nước ngoài.
Công an tỉnh khuyến cáo, để tránh trở thành nạn nhân, người dân cần hết sức cảnh giác. Khi nhận được thông tin yêu cầu chuyển tiền kiểm tra kỹ thông tin đó cũng như mối quan hệ với người gửi thông tin. Nếu chưa rõ ràng thì tuyệt đối không giao dịch. Khi có thông báo tài khoản nhận tiền từ nước ngoài gửi về phải trực tiếp đến ngân hàng để nhận, không truy cập vào bất kỳ đường link hay trang web nào khác. Mọi thắc mắc, nghi ngờ về thông tin tài khoản cá nhân cần trực tiếp đến ngân hàng để được kiểm tra, giải đáp. Trước khi chuyển tiền cần gọi điện cho người đó trước nhằm xác nhận nội dung.
Các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án khi thực hiện các thủ tục tố tụng đều có giấy mời, triệu tập công dân đến trụ sở để làm việc trực tiếp, không bao giờ yêu cầu người dân chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để giám định, xác minh. Khi có bất kỳ nghi vấn nào liên quan đến hành vi lừa đảo, người dân cần liên hệ ngay với cơ quan công an để được hỗ trợ kịp thời.
Ý kiến bạn đọc (0)