Góp sức vì cuộc sống đồng bào dân tộc, miền núi
BẮC GIANG - Những năm gần đây, đời sống của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi trong tỉnh có nhiều đổi thay. Đóng góp vào thành quả đó, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước còn có vai trò tích cực của đội ngũ cán bộ phụ nữ là người DTTS ở các xã, thôn, bản.
Tận tâm vì việc chung
Thôn Ao Nhãn, xã Tân Hoa (Lục Ngạn) có 215 hộ với 990 nhân khẩu, đa số là người DTTS. Hơn 3 năm trước, con đường vào thôn gập ghềnh đá sỏi, người dân đi lại rất khó khăn. Còn nay, mặt đường đã được trải bê tông rộng hơn 4 m, giúp người dân đi lại thuận tiện. Thành quả này có đóng góp tích cực của bà Vi Thị Phú (SN 1962, dân tộc Tày), Bí thư Chi bộ thôn Ao Nhãn trong tuyên truyền, vận động người dân hiến đất làm đường.
Bà Vi Thị Phú (ở giữa) chia sẻ kinh nghiệm về tuyên truyền, vận động người dân xây dựng nông thôn mới với các đại biểu dự Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh lần thứ IV, năm 2024. |
“Muốn bà con hưởng ứng, trước hết mình phải tiên phong thực hiện. Vì vậy, tôi vận động người thân trong gia đình làm trước, sau đó, trực tiếp đi tới từng hộ gia đình tuyên truyền, giải thích để bà con hiểu rõ mục đích, ý nghĩa của việc làm đường. Từ đó, bà con đồng thuận làm theo”, bà Phú cho biết. Thực hiện chủ trương mở rộng đường giao thông nông thôn theo Nghị quyết số 07 ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh, gia đình bà Phú đã hiến gần 400 m2 đất vườn (nhiều nhất thôn).
Lời nói, việc làm của nữ bí thư chi bộ Vi Thị Phú được mọi người trong thôn tin tưởng, đánh giá cao. Mọi việc của thôn Ao Nhãn khi chi bộ đưa ra bàn bạc đều nhận được sự ủng hộ từ nhân dân. Từ năm 2019 đến nay, các hộ trong thôn đã hiến khoảng 1,2 nghìn m2 đất, đóng góp 95 triệu đồng để làm khu tập luyện thể thao, sửa chữa nhà văn hóa, xây dựng điểm tập kết rác thải... đưa Ao Nhãn trở thành một trong những thôn đi đầu của xã Tân Hoa về xây dựng nông thôn mới.
Để bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng, bà Phú cùng Chi ủy thôn thường xuyên phát động người dân dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm, không để lây lan các loại dịch bệnh trong thôn. Theo đó, thôn chia các nhóm hộ gia đình đảm nhận vệ sinh, quét dọn từng đoạn đường bê tông và đường đất nội thôn. Bên cạnh đó, thôn duy trì hiệu quả hoạt động của tổ hòa giải. Tình hình an ninh trật tự của thôn luôn được giữ vững. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được nâng lên. Năm nay, ước tính thu nhập bình quân của thôn đạt 43 triệu đồng/người/năm, tăng 7,5 triệu đồng so với năm 2020. Năm 2024, số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa hơn 90%. Nhiều năm liền thôn đạt danh hiệu thôn văn hóa cấp huyện.
Đồng chí Nguyễn Văn Định, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hoa khẳng định: “Đồng chí Vi Thị Phú là nữ bí thư chi bộ năng động, tích cực, nhiệt huyết, nhiều lần được Chủ tịch UBND tỉnh, huyện và các ngành khen thưởng vì có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác. 16 năm làm bí thư chi bộ, đồng chí Phú đã vượt qua những rào cản về định kiến giới ở vùng DTTS để lãnh đạo các phong trào ở thôn phát triển, Chi bộ thôn Ao Nhãn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, dự kiến cuối năm nay thôn sẽ về đích nông thôn mới”.
Giúp hội viên thoát nghèo
Những năm trước, gia đình chị Triệu Thị Vân (SN 1981, dân tộc Dao), Chi hội trưởng Chi hội Nông dân bản Bình Minh, xã Đồng Vương (Yên Thế) là hộ nghèo. Cũng như nhiều gia đình khác, chị Vân luôn trăn trở tìm hướng thoát nghèo, làm giàu trên đồng đất quê hương. Với quyết tâm ấy, chị đã đến các cơ sở sản xuất nông nghiệp điển hình trong và ngoài huyện để học tập, tìm hiểu hình thức canh tác phù hợp. Chị tích cực tham gia các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt.
Chị Triệu Thị Vân vừa được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS tỉnh giai đoạn 2019-2024. |
Có kiến thức, năm 2010, chị Vân cải tạo 1 ha đất đồi để trồng cây lâm nghiệp. Năm 2012, thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đồng Vương bảo lãnh, chị vay 20 triệu đồng mua cây giống, lợn và gà thả đồi. Quá trình trồng trọt, chăn nuôi, chị học hỏi, áp dụng nhiều biện pháp kỹ thuật nên cây trồng, vật nuôi sinh trưởng, phát triển tốt. Cứ thế, qua mỗi mùa, vụ, số tiền lãi thu về ngày một tăng, Vợ chồng chị Vân xoay vòng tiếp tục đầu tư thêm. Đến nay, gia đình chị có vườn chè diện tích gần 2.000 m2, 2 ha rừng keo, bạch đàn và hơn 100 cây bưởi ngọt. Ngoài ra, chị còn chăn nuôi bò, lợn, hươu; trừ chi phí, mỗi năm thu lãi từ 250-300 triệu đồng, trở thành hộ kinh tế khá trong xã.
Kinh tế ổn định, chị Vân tiếp tục giúp đỡ các hộ trong thôn triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp để mang lại hiệu quả. Với ai cũng vậy, chị không nề hà đến tận nơi hướng dẫn cách bố trí chuồng trại, kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi. Là một trong những hộ được hỗ trợ về phát triển kinh tế, ông Bùi Văn Chiến, thành viên tổ trồng rừng bản Bình Minh cho biết: “Năm 2023, gia đình tôi tham gia tổ trồng rừng của bản. Nhờ sự quan tâm, tạo điều kiện của hội nông dân, gia đình tôi được hỗ trợ 50 triệu đồng vốn đầu tư cây giống, phân bón, cải tạo 2 ha đất. Bên cạnh đó, tôi còn được cán bộ nông dân của bản hướng dẫn tận tình về kỹ thuật trồng cây lâm nghiệp. Hiện nay, cây phát triển tốt, dự kiến sau 5 năm sẽ cho thu hoạch”.
Từ năm 2022 đến nay, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Nông dân bản Bình Minh, chị Vân đã kết nối, phối hợp với các đơn vị hỗ trợ hội viên khó khăn mua hơn 30 tấn phân bón theo phương thức trả chậm, giúp hơn 90 hội viên tiếp cận các nguồn vốn do chi hội nhận ủy thác. Đồng thời phối hợp với các đơn vị tổ chức đào tạo nghề, hỗ trợ xây nhà, tặng bò giống cho nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hội viên DTTS. Từ chỗ khó khăn, đời sống của nhiều gia đình bước đầu có của ăn, của để. Với những đóng góp đó, chị Vân vừa được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc đóng góp vào sự phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS tỉnh giai đoạn 2019-2024.
Góp phần thay đổi định kiến giới
Nói nhiều điều hay, làm được nhiều việc tốt cho dân bản là những nhận xét mà bà con và cán bộ xã Cẩm Đàn (Sơn Động) dành cho chị Trần Thị Tuyết (SN 1980, dân tộc Cao Lan), Chủ tịch Hội LHPN xã Cẩm Đàn. Sinh ra và lớn lên tại một thôn nghèo của xã Tuấn Đạo, chị Tuyết từng chứng kiến nhiều phụ nữ bị phân biệt đối xử về việc học hành, trong gia đình nên chị luôn mong muốn có thể góp sức mình để thay đổi những định kiến đó trong vùng DTTS. Tham gia công tác phụ nữ từ năm 2002 đến nay, chị Tuyết luôn hướng các hoạt động của hội gắn với chăm lo đời sống hội viên phụ nữ và trẻ em. Những năm trước, tình trạng bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại trong vùng DTTS. Không ít gia đình đã sinh vài con gái song vẫn muốn có con trai để nối dõi tông đường. Hơn nữa, việc sinh nhiều còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người phụ nữ, khiến kinh tế nhiều gia đình càng khó khăn hơn.
Chị Trần Thị Tuyết (ngoài cùng bên phải) cùng cán bộ phụ nữ huyện Sơn Động nắm bắt tình hình sản xuất và đời sống hội viên trong xã. |
Để dần xóa bỏ tư tưởng "trọng nam khinh nữ", với vai trò là người đứng đầu Hội LHPN xã, chị đã tích cực phối hợp truyền thông về bình đẳng giới, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu. Đồng thời vận động nam giới tại các khu dân cư tham gia tổ truyền thông cộng đồng tuyên truyền đến các gia đình hội viên lợi ích của việc sinh ít, quy mô gia đình ít con, chăm sóc sức khỏe sinh sản... Cùng đó, đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các tổ truyền thông trong và ngoài xã. Từ đó tạo cơ hội, giúp các thành viên nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền, mang lại hiệu quả truyền thông về bình đẳng giới, xây dựng hạnh phúc gia đình vùng DTTS.
Bên cạnh đó, Hội LHPN xã Cẩm Đàn còn chú trọng lồng ghép triển khai thực hiện Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” vào các buổi họp khu dân cư, sinh hoạt chi hội, tư vấn trực tiếp tại các hộ gia đình; phối hợp với các nhà trường thành lập, duy trì hoạt động Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi. Từ đó góp phần giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng DTTS, miền núi. Tình trạng phụ huynh bắt con gái phải nghỉ học để lấy chồng không còn nữa. Nhiều cặp vợ chồng sinh con một bề là gái đã tự nguyện thực hiện mô hình “gia đình hai con”. Năm 2024, số trường hợp sinh con thứ 3 tại xã giảm mạnh so với cách đây 2 năm.
Các phong trào do Hội LHPN xã Cẩm Đàn phát động được chị em trong xã nhiệt tình hưởng ứng. Tỷ lệ tập hợp hội viên từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn xã đạt hơn 90%, trong đó, hội viên DTTS chiếm 73%. Cá nhân chị Tuyết có 13 năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của cấp trên. Tập thể Hội LHPN xã nhiều năm được tuyên dương, khen thưởng.
Ý kiến bạn đọc (0)